EU - Nga chìm sâu vào khủng hoảng vì U-crai-na

Quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng khi ngày 17/6, các nước thành viên EU đã nhất trí kéo dài các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng tới hết tháng 1/2016.

Đoàn xe của quân đội U-crai-na tiến vào vùng Đôn-bát. Ảnh: Reuters

Theo nguồn tin ngoại giao, đại sứ 28 nước thành viên EU đã đạt được sự đồng thuận về văn bản có tính pháp lý, theo đó gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng U-crai-na thêm 6 tháng.

Dự kiến văn bản trên sẽ được trình lên để các ngoại trưởng EU chính thức thông qua mà không cần thảo luận tại cuộc họp ngày 22-6 ở Luých-xăm-bua. Thủ tục này đồng nghĩa với việc sẽ không có kiến nghị nào khác được đưa ra đối với Nga tại Hội nghị thượng đỉnh EU, dự kiến diễn ra cuối tuần sau tại Brúc-xen (Bỉ).

Quyết định kéo dài lệnh trừng phạt đối với Nga đến hết tháng 1-2016 cũng có nghĩa là EU sẽ có một tháng sau khi thỏa thuận ngừng bắn Min-xcơ (mà nhóm "Bộ Tứ Noóc-măng-đi" gồm U-crai-na, Nga, Pháp và Đức đạt được vào tháng Hai vừa qua tại Bê-la-rút) hết hạn để đánh giá lại tình hình ở miền Đông U-crai-na trước khi có quyết định mới.

Tháng 7 năm ngoái, EU áp đặt các lệnh trừng phạt kéo dài một năm nhằm vào lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và tài chính của Nga do cho rằng Mát-xcơ-va hậu thuẫn lực lượng đòi độc lập ở miền Đông U-crai-na, cáo buộc mà cho đến nay Nga vẫn bác bỏ. Tháng 3 vừa qua, các nhà lãnh đạo EU nhất trí trên nguyên tắc sẽ kéo dài các biện pháp trừng phạt trên với lý do Nga không thực thi thỏa thuận ngừng Min-xcơ. Liên quan đến cuộc khủng hoảng U-crai-na, EU đã từng bước áp đặt lệnh phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với quan chức Nga.

Bất chấp việc EU gia hạn thời gian trừng phạt Nga, Mát-xcơ-va và các bên liên quan tiếp tục các nỗ lực nhằm chấm dứt giao tranh ở miền Đông U-crai-na ngay lập tức. Trong cuộc điện đàm ngày 16/6, Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp và người đồng cấp Mỹ Giôn Ke-ri nhấn mạnh các bên xung đột tại U-crai-na phải thực hiện thỏa thuận Min-xcơ và khẳng định ủng hộ sớm triệu tập cuộc họp của các tiểu ban trong Nhóm tiếp xúc về U-crai-na tại Min-xcơ, trong đó có việc mở cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền Ki-ép với lực lượng đòi độc lập tại miền Đông. Hai bên cũng cho rằng cần có thêm nỗ lực ngăn chặn việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn tại miền Đông U-crai-na.

Trước đó, Ngoại trưởng Xéc-gây La-vrốp cũng có cuộc điện đàm với người đồng cấp Đức Phranh Van-tơ Xtai-mai-ơ đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc chấm dứt giao tranh ở miền Đông U-crai-na ngay lập tức. Trong tuyên bố sau cuộc điện đàm này, ngoại trưởng 2 nước cho rằng, lệnh ngừng bắn kéo dài 4 tháng ở miền Đông U-crai-na thường xuyên bị gián đoạn vì những cuộc giao tranh quy mô lớn trong khi các cuộc chạm trán nhỏ giữa 2 bên vẫn diễn ra hàng ngày, làm gia tăng nguy cơ bùng phát xung đột trở lại .

Cũng liên quan đến xung đột tại miền Đông U-crai-na, báo "Vesti" của Nga dẫn một nguồn tin ngoại giao giấu tên đã tiết lộ về nội dung phương án thỏa hiệp mới cho cuộc khủng hoảng tại vùng Đôn-bát (Đông Nam U-crai-na) mà đại diện Nga trao cho Tổng thống U-crai-na Pi-ốt Pô-rô-sen-cô.

Theo phương án trên, quy chế đặc biệt dành cho chính quyền địa phương sẽ được mở rộng ra toàn bộ lãnh thổ các tỉnh Lu-gan-xcơ và Đô-nhét-xcơ (kể cả những khu vực do U-crai-na kiểm soát), nhưng “lãnh đạo nắm giữ quyền tự trị mở rộng này phải là những người được cả Ki-ép, Mát-xcơ-va cũng như các thành viên khác của Nhóm Bộ tự là Đức và Pháp nhất trí”.

Ngoài ra, tất cả thành viên các lực lượng vũ trang Cộng hòa Nhân dân Đô-nhét-xcơ (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lu-gan-xcơ (LPR) tự xưng đều được ân xá. Nguồn tin cho biết các đề xuất đã được chuyển cho Tổng thống U-crai-na Pi-ốt Pô-rô-sen-cô. Tuy nhiên, một quan chức từ Phủ Tổng thống U-crai-na cho biết những đề xuất trên của Nga là "ảo tưởng".

Phương Châu

Nguồn GTVT: http://bienphong.com.vn/eu-nga-chim-sau-vao-khung-hoang-vi-u-crai-na/