EU-Nhật ký thỏa thuận thương mại 'khủng'

Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật Bản vừa ký một thỏa thuận tự do thương mại lớn, cắt giảm hoặc loại bỏ thuế quan đối với hầu hết hàng hóa.

Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật Bản vừa ký một thỏa thuận tự do thương mại lớn, cắt giảm hoặc loại bỏ thuế quan đối với hầu hết hàng hóa.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ký kết thỏa thuận. Ảnh: CNN

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ký kết thỏa thuận. Ảnh: CNN

Hiệp định Đối tác kinh tế EU-Nhật được hai bên nhất trí vào cuối năm trước, và lễ ký ngày 17-7 tại Tokyo là động thái cuối cùng để hoàn tất thỏa thuận. Lẽ ra, thỏa thuận được ký ở Châu Âu vào đầu tháng 7, nhưng việc ký kết đã bị hoãn do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải hủy chuyến thăm Brussels để chỉ đạo giải quyết hậu quả trận lũ nghiêm trọng trong nước. Văn kiện này sẽ được trình lên Quốc hội Nhật Bản và Nghị viện Châu Âu từ nay đến cuối năm để có thể đi vào hiệu lực vào năm 2019.

Chiếm gần 1/3 GDP toàn cầu

Một khi có hiệu lực, khu vực thương mại tự do giữa EU và Nhật sẽ chiếm tới gần 1/3 GDP toàn cầu, với khoảng 600 triệu dân, một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới. Thỏa thuận này cũng là một sự chứng thực lớn của một hệ thống thương mại toàn cầu đang ngày bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ.

Thỏa thuận này sẽ tăng cường thương mại giữa hai khu vực bằng cách loại bỏ thuế quan với hầu hết các sản phẩm của nhau, trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng. Theo đó, giá rượu vang và thịt lợn Châu Âu tại thị trường Nhật sẽ giảm xuống. Giá phụ tùng máy móc, trà và các sản phẩm cá của Nhật tại thị trường Châu Âu cũng trở nên rẻ hơn. Theo thỏa thuận, 99% thuế quan đối với hàng Nhật và Châu Âu sẽ được xóa bỏ. 94% thuế quan đối với hàng Châu Âu vào Nhật cũng sẽ được xóa bỏ ngay, và tỷ lệ này sẽ tăng lên mức 99% sau vài năm.

Hiệp định Đối tác kinh tế EU-Nhật được coi là một "sản phẩm" của chính sách chấn hưng tăng trưởng kinh tế "Abenomics" của Thủ tướng Abe. Chính sách này nhằm đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi chuỗi thời gian tăng trưởng trì trệ kéo dài nhiều năm, bất chấp dân số Nhật suy giảm và người dân hạn chế chi tiêu. Hiện nay, tăng trưởng kinh tế Nhật vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

Bằng cách tăng cường quan hệ với EU, Tokyo hy vọng sẽ thúc đẩy đầu tư trực tiếp song phương, chống lại xu hướng bảo hộ trên toàn cầu, và tăng cường vị thế của các thương hiệu Nhật Bản. Còn đối với EU, tự do hóa thương mại với Nhật sẽ giúp Châu Âu xuất khẩu được nhiều hơn các sản phẩm hóa chất, quần áo, mỹ phẩm và bia sang quốc gia Châu Á này, theo đó tạo thêm việc làm cho người Châu Âu. Người tiêu dùng Nhật vốn ưa chuộng hàng hóa Châu Âu, nên giá hàng Châu Âu giảm có thể khuyến khích người dân đất nước mặt trời mọc chi tiêu nhiều hơn.

Thông điệp mạnh mẽ gửi tới ông Trump

Việc Nhật-EU ký thỏa thuận thương mại tự do được xem là thông điệp mạnh mẽ gửi tới chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Việc tháo dỡ các rào cản thương mại tương phản hoàn toàn với cách tiếp cận của ông Trump, người đã áp đặt thuế quan đối với hàng loạt hàng hóa nước ngoài và đang đe dọa sẽ có nhiều hành động hơn.

Trong thông cáo chung đưa ra sau lễ ký kết, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk tuyên bố, ngày hôm nay đánh dấu một ngày lịch sử khi chứng kiến việc ký kết thỏa thuận thương mại cực kỳ tham vọng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Donald Tusk đã ca ngợi thỏa thuận này là "thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất từ trước đến nay". "Quan hệ giữa Liên minh Châu Âu và Nhật Bản chưa bao giờ mạnh mẽ hơn. Về mặt địa lý, chúng ta cách nhau rất xa. Nhưng về mặt chính trị và kinh tế, chúng ta có thể tiến gần hơn", ôngTusk nói.

Theo Thủ tướng Shinzo Abe, việc ký kết thỏa thuận đối tác kinh tế này đang chỉ ra cho thế giới thấy quyết tâm chính trị không thể lay chuyển của Nhật Bản và EU dẫn đầu thương mại tự do, cũng như dẫn dắt thế giới đi theo hướng này, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.

AN BÌNH

Các nhà đàm phán TPP thảo luận cấu trúc tương lai

Trong bối cảnh quan ngại về một cuộc chiến thương mại, các trưởng đoàn đàm phán 11 quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngày 18-7 nhóm họp tại thị trấn Hakone gần thủ đô Tokyo của Nhật Bản nhằm kiểm tra tiến độ thực hiện các thủ tục trong nước để thông qua hiệp định.

Trong cuộc họp kéo dài đến ngày 19-7, các nhà đàm phán cũng sẽ thảo luận về cách tiếp nhận các quốc gia muốn gia nhập hiệp định thương mại tự do mà Mỹ đã rút khỏi dưới thời Tổng thống Donald Trump này. Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto phát biểu mở đầu cuộc họp: "Chúng ta có thể mong chờ hiệp định sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới". Theo quy định, CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi ít nhất 6 quốc gia hoàn tất các thủ tục trong nước. Hồi đầu tháng, Nhật đã trở thành quốc gia thứ 2 sau Mexico hoàn tất các thủ tục trong nước để thông qua hiệp định chiếm 13% nền kinh tế thế giới cũng như 15% giá trị thương mại toàn cầu.

T.NGUYÊN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_192540_eu-nhat-ky-thoa-thuan-thuong-mai-khung-.aspx