EU nói Taliban đã chiến thắng, Đức tìm kiếm đàm phán

Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell tuyên bố, EU 'sẽ phải thảo luận' với lực lượng Taliban 'càng sớm càng tốt' vì lực lượng này 'đã chiến thắng trong cuộc chiến' ở Afghanistan.

Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Joseph Borrell tuyên bố, khối này 'sẽ phải thảo luận' với lực lượng Taliban 'càng sớm càng tốt'.

Phát biểu họp báo sau cuộc họp trực tuyến với ngoại trưởng các nước EU về Afghanistan, ông Borrell nêu rõ: "Taliban đã chiến thắng trong cuộc chiến. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải nói chuyện với họ, để tham gia vào một cuộc đối thoại càng sớm càng tốt nhằm tránh thảm họa nhân đạo và di cư và có thể xảy ra" ở Afghanistan.

Nhà ngoại giao EU nhấn mạnh: “Cuộc đối thoại này cũng sẽ phải tập trung vào các biện pháp ngăn chặn sự hiện diện trở lại của khủng bố nước ngoài ở Afghanistan”, trong khi mối quan hệ vẫn bền chặt giữa Taliban và mạng lưới Al-Qaeda làm dấy lên mối lo ngại.

Tuy nhiên, ông Borrell chỉ rõ, các cuộc thảo luận như vậy không ngụ ý rằng EU chính thức công nhận chế độ Taliban.

Đại diện cấp cao EU lập luận: "Đó không phải là sự công nhận chính thức Taliban, mà là liên lạc" nhằm tìm cách cho các nhân viên Afghanistan từng làm việc cho khối này và gia đình của họ đến sân bay an toàn để được sơ tán.

Theo Đại diện cấp cap Borrell, đây là một hoạt động hậu cần khá phức tạp, "vì vậy chúng tôi phải liên lạc với Taliban".

Ông cũng đảm bảo rằng, EU vẫn "cảnh giác" về việc tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế của chính quyền mới ở Afghanistan.

Bên cạnh đó, nhà ngoại giao này khẳng định, mục tiêu đầu tiên của phương Tây khi can thiệp Afghanistan "là tiêu diệt Al-Qaeda" và đã thành công.

Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, chính phủ nước này muốn đàm phán trực tiếp với Taliban về việc sơ tán nhân viên người Afghanistan. Dự kiến Đại sứ Đức tại Afghanistan Markus Potzel sẽ đến Qatar để đàm phán với Taliban cho sứ mệnh này.

Theo Ngoại trưởng Maas, mục đích của cuộc đàm phán tại Doha là tạo điều kiện cho các nhân viên bản địa làm việc cho Đức tới được sân bay ở Kabul. Cho đến nay, chỉ có công dân nước ngoài mới có thể đi qua các trạm kiểm soát của Taliban trên đường đến sân bay ở Kabul, trong khi công dân Afghanistan bị chặn lại.

Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, việc giải cứu những người từng hỗ trợ quân đội liên bang cũng như những người có nguy cơ đối mặt với rủi ro khác là bất khả thi ở thời điểm hiện nay, khi quyền ra vào khu vực quân sự ở sân bay chỉ giới hạn với những người có hộ chiếu quốc tế.

(theo AP, Daily Sabah)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-noi-taliban-da-chien-thang-duc-tim-kiem-dam-phan-155399.html