EU-Thổ Nhĩ Kỳ: Mối quan hệ lạ kỳ!

Cuộc gặp tại Ankara ngày 6/4 một lần nữa cho thấy sự lạ kỳ trong mối quan hệ nhiều thăng trầm giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.

Đầu tiên, sự lạ kỳ trong quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ được thể hiện ngay sau khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Ursula von der Leyen chấm dứt màn chào hỏi xã giao và ổn định chỗ ngồi.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. (Nguồn: Reuters)

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. (Nguồn: Reuters)

Ông Michel và ông Erdogan sớm an tọa tại hai chiếc ghế đã được định sẵn. Tuy nhiên, bà Leyen lại lúng túng khi không có chiếc ghế nào trong căn phòng được sắp xếp riêng, ngang hàng với hai nhà lãnh đạo trên. Loay hoay một lúc, bà đành an tọa trên một chiếc ghế bành được sắp xếp ở vị trí thấp hơn, đặt bà đối diện với Ngoại trưởng nước chủ nhà Mevlut Cavusoglu. Sự cố ngoại giao nho nhỏ này đã ít nhiều làm nổi bật câu chuyện lạ kỳ về mối quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm qua.

Bằng mặt không bằng lòng

Lạ hơn nữa là theo kế hoạch ban đầu, các nhà lãnh đạo EU muốn thấy rõ cách thức Tổng thống Erdogan dự định thực hiện nhằm đưa quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ bước sang trang mới như ông từng nhấn mạnh. Tuy nhiên, thay vì lắng nghe và thấu hiểu như dự kiến, Brussels đã sớm quay lại chỉ trích Ankara về các vấn đề nhạy cảm và mang tính nội bộ của nước này.

Phát biểu tại họp báo sau cuộc gặp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von de Leyen đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng quy định của luật pháp, thực thi các phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu và vấn đề nhân quyền là ưu tiên hàng đầu cần phải giải quyết và không thể đàm phán. Trong khi đó, hai tuần trước, chính bà nhận định Thổ Nhĩ Kỳ “đã thể hiện thái độ tích cực hơn, bao gồm thúc đẩy mối quan hệ song phương với một số nước EU. Đây là bước đi tích cực và đáng hoan nghênh.”

Sự cố ngoại giao nho nhỏ này đã ít nhiều làm nổi bật câu chuyện lạ kỳ về mối quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm qua.

Lạ không kém, là thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ trước và sau cuộc gặp. Trước cuộc gặp, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều muốn duy trì chương trình nghị sự tích cực và hối thúc châu Âu đưa ra các bước đi cụ thể trong một số lĩnh vực mong muốn, thay vì tận dụng thời gian đưa ra những điều kiện không rõ ràng. Tuy nhiên, sau cuộc gặp vừa qua, thay vì họp báo chung với các nhà lãnh đạo EU, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thông báo về kết quả cuộc họp thông qua trợ lý riêng, với thông điệp chung là thúc giục EU. Động thái trên cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ dường như chưa thực sự hài lòng với nội dung thảo luận và quan điểm của EU về nước này.

Giấc mơ hai thập kỷ

Càng lạ hơn khi dù là ứng viên được xét gia nhập EU từ năm 1999, song tới nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đứng ngoài khối. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 25/3/2021, lãnh đạo EU đã nhất trí áp dụng cách tiếp cận “theo từng giai đoạn, cân đối và có thể đảo ngược” nhằm tăng cường hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực hai bên có lợi ích chung. Tuy nhiên, EU yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải giảm leo thang căng thẳng, giải quyết tranh chấp với Hy Lạp và Cyprus, rút khỏi Libya và có giải pháp thỏa đáng cho vấn đề trong nước. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không tuân thủ, EU sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt.

Song thực tế cho thấy các vấn đề giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp cùng Cyprus đều liên quan đến tranh chấp chủ quyền và khó có thể được giải quyết sớm. Hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya có vai trò quan trọng trong lợi ích chiến lược của quốc gia này. Trong khi đó, các vấn đề trong nước thuộc về công việc nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara thường không nhượng bộ trong vấn đề này. Do đó, việc EU yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết sớm những vấn đề này, tưởng dễ song lại rất khó.

Điều không lạ duy nhất có lẽ là thái độ của các quốc gia thành viên EU xung quanh quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi Cộng hòa Cyprus, Hy Lạp và Pháp thúc giục khối có đường lối cứng rắn hơn thì các nước khác, dẫn đầu là Đức, lại mong muốn có cách tiếp cận mềm mỏng hơn.

Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp có tranh chấp chủ quyền trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, quan hệ của Paris với Ankara đã xuống dốc kể từ năm 2005 dưới thời cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và không có dấu hiệu chậm lại, nhất là khi hai bên bất đồng quan điểm về vấn đề Libya, Syria và Nagorno-Karabakh. Mới đây, ngày 25/3, Tổng thống Emmanuel Macron thậm chí còn cáo buộc người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan can thiệp vào bầu cử Tổng thống Pháp tới, song không cung cấp bằng chứng cho các cáo buộc này.

Quan hệ Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ đã không suôn sẻ từ năm 2005 và chưa có dấu hiệu cải thiện dưới thời ông Macron. (Nguồn: AFP)

Trong khi đó, nhu cầu làm thân với Thổ Nhĩ Kỳ của Đức và phần còn lại của EU xuất phát từ lợi ích kiểm soát dòng người nhập cư tràn vào châu Âu. Quan trọng hơn, với vị trí chiến lược cùng tiềm năng kinh tế-quân sự, tầm ảnh hưởng đáng kể, Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành đối tác quan trọng, giúp EU đa dạng hóa quan hệ, giảm sự phụ thuộc vào quan hệ với Mỹ.

Tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra khi các bên có thể gạt đi những điều “lạ kỳ” để mang sức sống mới tới quan hệ song phương. Cho đến lúc ấy, với Thổ Nhĩ Kỳ, EU đang ở rất gần, nhưng cũng rất xa.

Minh Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-tho-nhi-ky-moi-quan-he-la-ky-141631.html