EU thoát Mỹ để trở thành một cực của thế giới

Vì sao các đồng minh châu Âu của Mỹ không còn tin vào phép màu của NATO và phải tự tìm cho mình một tấm khiên mới?

Lời cảnh báo của Nga

Sputnik ngày 10/11 đưa tin, Đại sứ Nga tại Pháp Alexey Meshkov đã đưa ra một cảnh báo đáng quan ngại về an ninh châu Âu.

Đại sứ Meshkov nhấn mạnh: "Trong bối cảnh Mỹ đang tiếp tục chính sách phá bỏ các cơ chế kiểm soát vũ khí tại châu Âu, họ lại tiếp tục đe dọa rút khỏi Hiệp ước INF. Điều này sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc đối với an ninh trên toàn bộ châu lục của chúng ta".

Tại sao là hậu quả với an ninh toàn châu Âu? Bởi lẽ, Hiệp định INF sau khi bị phá hủy, Mỹ và Nga chắc chắn sẽ bước vào một cuộc chạy đua vũ trang mới. Hoặc quy mô nhỏ hơn là phát triển các loại vũ khí mà trước đây bị ràng buộc, hạn chế.

INF cho phép giới hạn những loại tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân tầm trung và tầm ngắn (từ 500km tới 5.500km). Các vũ khí trong INF không đe dọa được lãnh thổ Mỹ, nhưng nếu những tên lửa này được tái khởi động trong một cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ, toàn châu Âu sẽ được đặt trong tầm bắn của loạt vũ khí này.

Đây chính là thảm họa với toàn châu Âu mà Nga đang đưa ra lời cảnh báo.

Bản thân EU cũng thừa hiểu vấn đề này. Còn nhớ trong thỏa thuận INF trước đây giữa Liên Xô và Mỹ năm 1987, khi đó Moscow đã muốn biến INF thành một hiệp định đa phương và đưa cả Pháp và Anh như một thành phần cùng ký kết.

EU đang tiến đến rất gần một thỏa thuận cho phép họ thành lập lực lượng quân đội chung châu Âu độc lập với NATO

Tuy nhiên khi đó, Paris và London không tham gia vào Hiệp ước này vì họ cho rằng các quốc gia châu Âu không sản xuất những loại tên lửa bị giới hạn trong INF và không có ý định đó trong tương lai, do đó việc tham gia INF là thừa thãi. Vì vậy, INF trở thành một hiệp định song phương đơn thuần giữa Nga và Mỹ.

Thời điểm đó, NATO và Liên Xô đang trong cuộc Chiến Tranh Lạnh. Các đồng minh phương Tây và Mỹ đứng chung một chiến tuyến. Thế giới hai cực khi đó tự phân tách nhau bằng những giới hạn về tư tưởng và lợi ích. NATO khi đó là một thể thống nhất và toàn vẹn, không có những mâu thuẫn lợi ích đan xen.

Nhưng trong bối cảnh hiện tại, khi thế giới trở lên đa cực và các hợp tác đa phương là xu thế tất yếu của tất cả các chính quyền trên thế giới. Vào lúc này, một mình Mỹ đang đi ngược lại xu thế khi muốn biến mọi mối quan hệ thành song phương. Và châu Âu cũng vô tình bị cuốn vào vòng xoay đó.

Khi Mỹ đơn phương rút khỏi INF, những người bạn châu Âu lúc này mới giật mình nhận ra, họ đang ở trong thời kỳ nào, và vì sao phải theo đuổi một sự đối đầu không cần thiết chỉ để duy trì những lợi ích không phải của mình?

Chính kiến của EU

Mỹ đối đầu với Nga, các biện pháp trừng phạt lôi kéo cả châu Âu tham gia đang cho thấy điều gì? Nga tổn thương nặng nề, và EU cũng chung số phận với những con số thâm hụt ngân sách khổng lồ đếm được theo từng tháng.

Nhưng còn Mỹ, nền kinh tế này chỉ chiếm 0,6% trong tổng số hàng tỷ USD tổn thất mà cuộc trừng phạt Nga mang lại. Đức chiếm 40% trong số đó, sau đó là Pháp cùng một số quốc gia khác.

Vậy lợi ích của châu Âu là gì khi cùng Mỹ trừng phạt Nga? Câu trả lời là không có. Mỹ cáo buộc Nga dùng năng lượng để ép châu Âu làm con tin, nhưng thay vì được mua khí đốt giá rẻ của Nga, Mỹ đang muốn châu Âu bỏ tiền ra mua loại hàng tương tự với giá thành cao hơn.

Các nhà tư bản lão làng châu Âu chắc chắn thấy điều này là nực cười. Vì thế Đức mới phải nói thẳng "năng lượng châu Âu không phải là việc của Mỹ" và họ vẫn hợp tác với Nga để có dự án Nord Stream 2.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/eu-thoat-my-de-tro-thanh-mot-cuc-cua-the-gioi-3368956/