EU thông qua luật bản quyền mới, Google và Facebook sẽ mất những gì?

Các nghị viên Liên minh Châu Âu (EU) vừa bỏ phiếu thông qua một đạo luật bản quyền gây tranh cãi mới, có thể khiến các tập đoàn công nghệ lớn phải có cơ chế sàng lọc để ngăn các sản phẩm có bản quyền được tải lên mạng.

Theo hãng tin CNBC, tại thành phố Strasbourg (Pháp), đạo luật này đã được các nghị sĩ thông qua với tỉ lệ 438 phiếu thuận, 226 phiếu chống và 39 phiếu trắng.

Tuy nhiên nhiều nhà phân tích cho rằng đạo luật sẽ cho phép áp dụng các biện pháp kiểm duyệt và giới hạn sự tự do trên mạng internet, khiến người dùng không thể đăng tải từ những “meme” (hình ảnh chế) hài hước cho đến đường link dẫn tới những bài báo.

Các tập đoàn lớn như Google sẽ gặp khó khăn lớn trước đạo luật bản quyền của EU.

Tâm điểm gây tranh cãi là gì?

Tranh cãi chủ yếu xoay quanh hai nội dung trong đạo luật là Điều 11 và 13. Điều 11 sẽ cho phép các hãng thông tấn nằm bản quyền cho phép chia sẻ nội dung của họ trên mạng hay không, có nghĩa là họ có thể yêu cầu Google phải trả tiền vì đã tập hợp và phát tán các bài viết này thông qua máy tìm kiếm của mình. Các chuyên gia gọi đây là một dạng “thuế đường link”, mặc dù các nghị sĩ ủng hộ đạo luật khẳng định rằng việc chia sẻ đường link sẽ không mất tiền.

Theo Guardian, các công ty âm nhạc, nhà làm phim và hãng tin tức có thể đòi các công ty công nghệ, như Google và Facebook, chia sẻ hàng tỷ USD trong doanh thu của họ sau luật mới này.

Trong khi đó, Điều 13 nói rằng các hãng công nghệ phải có “cơ chế nhận diện nội dung hiệu quả” để sàng lọc những nội dung có bản quyền. Những người phản đối đạo luật tin rằng điều khoản này sẽ khiến người dùng mạng xã hội không thể chia sẻ lên mạng từ “meme” cho đến những đoạn nhạc, đoạn phim ngắn.

Quá nhiều phản ứng trái chiều

Ngay trong các thành viên của EC cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau. Nghị viên Châu Âu Axel Voss, một trong những người ủng hộ đạo luật, cho biết Nghị viện đã xem xét những quan ngại mà các chuyên gia đưa ra và họ sẽ xem xét bổ sung những nội dung mới trong tương lai.

“Tôi rất vui khi mặc cho những chiến lược vận động hành lang bởi những tập đoàn lớn, phần lớn các thành viên trong nghị viện đã ủng hộ nguyên tắc chi trả công bằng cho các nhà sáng tạo ở Châu Âu”, tuyên bố của ông Voss nói. “Tôi tin rằng sau khi mọi chuyện yên ắng trở lại, internet vẫn sẽ tự do như hôm nay, trong khi các nhà sáng tạo và nhà báo sẽ nhận được khoản lợi nhuận xứng đáng với những gì họ làm được”.

Phản ứng trước việc đạo luật được phê duyệt, bà Julia Reda, một nghị sĩ của Đức cho biết đây là một hành động “thảm họa”. “Đạo luật về bản quyền với những cơ chế sàng lọc và đánh thuế đường link đã được chấp thuận”, bà viết trên trang Twitter của mình. “Nghị viện Châu Âu đã bỏ ngoài tai những quan ngại của người dân và các chuyên gia”. Một số người còn sử dụng dòng hashtag #SaveYourInternet (hãy cứu lấy internet) trên mạng xã hội.

Các thành viên nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua dự luật.

Ông Sajjad Karim, một nghị sĩ Đảng Bảo thủ Anh cho rằng: “Đạo luật này cho phép một môi trường mạng cân bằng hơn, đáp lại nhiều quan ngại của các nhà báo, nhà xuất bản và các nhạc sĩ có những tác phẩm của mình được chia sẻ tự do trên mạng mà không thay đổi bản chất của internet. Nó cũng đảm bảo quyền lợi của người sử dụng, khi những nội dung phục vụ cho mục đích giáo dục và nghiên cứu và của các tổ chức văn hóa sẽ không bị giới hạn”.

Trong bài viết đăng trên Guardian vài ngày trước khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua luật, Sammy Ketz, trưởng văn phòng đại diện của AFP tại Baghdad, Iraq và là một người ủng hộ dự luật này, cho rằng báo chí đã bị các nền tảng nội dung "hút máu" quá lâu.

"Các tờ báo là bên trả tiền cho nội dung, gửi đi những phóng viên dám liều cả mạng sống của mình để mang về những thông tin đáng tin, hoàn chỉnh, trung thực và đa dạng. Nhưng họ không phải là nơi nhận về nhiều lợi nhuận nhất, mà chính là các nền tảng Internet. Facebook và Google không có nhà báo nào và không hề sản xuất ra nội dung báo chí, thế nhưng họ được trả tiền cho những quảng cáo gắn kèm với nội dung mà các nhà báo làm ra", ông phân tích.

CNN đánh giá luật vừa được thông qua là một đòn giáng nặng nề vào các công ty công nghệ lớn, vốn đã gặp áp lực từ các cơ quan của EU về cách họ sử dụng thông tin cá nhân của người dùng cùng các nội dung gây tranh cãi.

YouTube, do Google sở hữu, đã vận động để chống lại luật mới này. Họ cho rằng các công ty công nghệ không có đủ phương tiện để ngăn chặn việc đăng tải và chia sẻ các thông tin vi phạm bản quyền và việc tạo dựng các công cụ lọc sẽ rất tốn kém.

"Mọi người muốn tiếp cận tin tức và nội dung sáng tạo có chất lượng ở trên mạng. Chúng tôi luôn nói rằng cần có nhiều sự cải tiến và hợp tác, đó là cách tốt nhất để đạt được một tương lai bền vững cho ngành công nghiệp tin tức và sáng tạo ở châu Âu", Google tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu trong khi Facebook chưa đưa ra phản hồi gì.

Trong khi đó, Eleonora Rosati, một nhà lập pháp và chuyên gia về bản quyền tại Đại học Southampton (Anh quốc), nhận định tác động lâu dài của luật này phải phụ thuộc vào việc bản dự luật cuối cùng được thông qua cụ thể đến mức nào và nó sẽ được cắt nghĩa ra sao.

"Nếu một đạo luật không rõ ràng, các luật sư sẽ là người vui mừng, nhưng điều đó rất phiền phức vì nó tạo ra sự không chắc chắn", bà nói.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Với việc đạo luật này được thông qua, bước tiếp theo sẽ là những cuộc đàm phán ba bên giữa Nghị viện Châu Âu, Ủy ban Châu Âu và Hội đồng Châu Âu gồm những nguyên thủ các nước thành viên EU. Và ngay cả khi đạo luật này được áp dụng, mỗi nước EU có quyền áp đặt luật mới tùy theo mong muốn của mình.

Đạo luật bản quyền của EU được thông qua trong bối cảnh các công ty thông tấn và nghệ sĩ đang tranh cãi với các tập đoàn công nghệ lớn do những nội dung và tác phẩm của họ đang bị phát tán tự do trên mạng. Người ủng hộ đạo luật khẳng định rằng những người và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sáng tạo đang bị mất một khoản thu nhập lớn do các sản phẩm trí tuệ của họ được chia sẻ trên nhiều trang mạng.

Đạo luật này sẽ tác động đến những trang web lớn như Facebook hay YouTube, vốn phụ thuộc vào những nội dung do người dùng đăng tải. Google đã bị cáo buộc vận động hành lang một cách hung hăng để ngăn đạo luật được thông qua.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/eu-thong-qua-luat-ban-quyen-moi-google-va-facebook-se-mat-nhung-gi-post274663.info