EU tìm cách kiềm chế giá năng lượng

Trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 9/9 tới, bộ trưởng năng lượng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ thảo luận các biện pháp khẩn cấp thực hiện trên toàn khối, nhằm kiềm chế giá năng lượng đang tăng cao, trong đó có mức trần giá khí đốt và hạn mức tín dụng khẩn cấp cho các bên tham gia thị trường năng lượng.

Trạm nén khí đốt OGE, một trong những trạm trung chuyển khí đốt lớn nhất châu Âu, ở Werne, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trạm nén khí đốt OGE, một trong những trạm trung chuyển khí đốt lớn nhất châu Âu, ở Werne, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin Reuters, tài liệu dự thảo của cuộc họp này - do Cộng hòa Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, soạn thảo - cho thấy các bộ trưởng đang cân nhắc các phương án gồm: quy định mức trần giá khí đốt nhập khẩu, mức giá trần cho khí đốt được sử dụng để sản xuất điện, hoặc tạm thời loại các nhà máy sản xuất điện sử dụng khí đốt ra khỏi hệ thống ấn định giá điện hiện tại của EU.

Ngoài ra, các bộ trưởng cũng sẽ cân nhắc cơ chế khẩn cấp "hỗ trợ hạn mức tín dụng toàn châu Âu" cho các bên tham gia thị trường năng lượng.

Trong ngày 4/9, Phần Lan và Thụy Điển đã công bố kế hoạch cung cấp hàng tỷ USD bảo đảm thanh khoản cho các công ty điện lực, nhằm ngăn chặn các yêu cầu ký quỹ đang gia tăng từ các công ty hoạt động bấp bênh.

Dự thảo của EU nêu rõ: "Các yêu cầu ký quỹ cho các hợp đồng trong tương lai đang gia tăng tỷ lệ thuận với dao động giá cả hằng ngày. Điều này khiến các doanh nghiệp đứng trước nhiều rủi ro và có nguy cơ phải rút khỏi thị trường hàng hóa kỳ hạn".

Các công ty điện lực bán phần lớn điện trước vài năm với 1 mức giá nhất định theo thỏa thuận yêu cầu ký quỹ 1 khoản "dự phòng tối thiểu", nhằm đề phòng nguy cơ công ty bị vỡ nợ trước khi nguồn điện năng đó được sản xuất và được đưa vào thị trường.

Giá điện ở châu Âu tăng vọt trong những tháng gần đây đã làm gia tăng các yêu cầu đặt thêm tiền ký quỹ, theo đó thu hẹp thanh khoản của các bên tham gia thị trường.

Những khách hàng mua điện và khí đốt ở châu Âu đối mặt với mức giá cao hơn nữa khi thị trường mở cửa vào ngày 5/9, sau khi Nga thông báo đóng vô thời hạn đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 - một trong những đường ống dẫn khí đốt chính của nước này đến châu Âu.

Nguồn cung khí đốt Nga đến châu Âu giảm đã đẩy giá khí đốt tại châu lục này tăng gần 400% trong năm qua. Theo Moskva, tình trạng này là do các vấn đề về kỹ thuật.

TTXVN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/eu-tim-cach-kiem-che-gia-nang-luong-post713748.html