EU-Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng

Sau hơn 6 năm đàm phán, Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) vào ngày 19.10.2018 tại Bỉ.

Hiệp định VPA/FLEGT nhằm cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU. Ảnh: Q.H

Đây là Hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc pháp lý nhằm cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU. Hiệp định VPA giữa Việt Nam và EU gồm 27 Điều và 9 Phụ lục kỹ thuật. Việt Nam cam kết xây dựng và vận hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) phù hợp với đặc điểm chuỗi cung của Việt Nam và quy định của EU để xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU. Đổi lại, các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép FLEGT sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp theo quy định EUTR 995 khi xuất khẩu vào EU.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Hiệp định VPA/FLEGT sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường, nổi bật là mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Về phía doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh - cho rằng những yêu cầu của Hiệp định sẽ không gây khó khăn gì cho doanh nghiệp. Khi chưa có Hiệp định thì các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường Châu Âu vẫn phải thực hiện trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp. Còn khi thực hiện Hiệp định thì việc chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp sẽ được thống nhất.

Hiệp định VPA được xây dựng dựa trên quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, đồng thời có 4 nội dung cam kết mới đòi hỏi cần quy định bổ sung để phù hợp với các quy định của quốc tế về truy xuất nguồn gốc gỗ. Đặc biệt, Việt Nam sẽ thực hiện việc phân loại mức độ rủi do doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung của Hệ thống VNTLAS để có chế tài quản lý phù hợp. Doanh nghiệp sẽ được phân loại thành 2 nhóm: Nhóm 1 là doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và Nhóm 2 là doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật. Các doanh nghiệp Nhóm 1 sẽ được chủ động trong hoạt động kinh doanh, không phải trình cho cơ quan Kiểm lâm sở tại xác nhận hồ sơ xuất khẩu. Trong khi các doanh nghiệp Nhóm 2 sẽ phải trình Bảng kê lâm sản cho cơ quan Kiểm lâm sở tại kiểm tra, xác nhận thực tế 20% lô hàng trước khi xuất khẩu và cấp phép FLEGT.

Cũng theo ông Hạnh, đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tận dụng và phát huy. Tuy thị trường Châu Âu hiện nay chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ so với các thị trường khác, nhưng khi chúng ta làm tốt với thị trường này - vốn là thị trường khó tính, thì các thị trường khác cũng sẽ thừa nhận, tạo sự lan tỏa. Các doanh nghiệp muốn được vào Nhóm 1 thì buộc phải nỗ lực phấn đấu.

Quỳnh Hương

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thi-truong/eu-viet-nam-ky-ket-hiep-dinh-doi-tac-tu-nguyen-ve-thuc-thi-luat-lam-nghiep-quan-tri-rung-637306.ldo