EU với mục tiêu xanh hóa khí đốt

Một quan chức của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, việc sản xuất khí sinh học, biomethane và khí hydro (gọi chung là khí đốt tái tạo hay khí đốt xanh) phải tăng ít nhất 1.000% trong 3 thập niên tới để đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải gây biến đổi khí hậu của EU vào năm 2050.

Theo ông Antonio Lopez-Nicolas, Phó Giám đốc Cơ quan Năng lượng thuộc Ủy ban châu Âu, trong năm 2017, khí đốt tái tạo chiếm khoảng 7% tổng mức tiêu thụ năng lượng nội địa ở EU. Theo kịch bản dài hạn của EU vào năm 2050, để giữ nhiệt độ Trái đất tăng dưới 1,5°C, mức tiêu thụ khí đốt xanh của EU sẽ phải đạt từ 50% đến 62,5% tổng số khí đốt tiêu thụ.

Ông Lopez-Nicolas nhận định mục tiêu nghe có vẻ quá lớn nhưng không phải là không thể thực hiện được và EU nên bắt đầu thực hiện mục tiêu này càng sớm càng tốt. Jutta Paulus, một chính trị gia người Đức tại Nghị viện châu Âu, thừa nhận vai trò của các loại khí tái tạo nhưng theo bà, việc sản xuất khí đốt xanh từ nông nghiệp còn nhiều hạn chế, nhất là chi phí còn cao. Ngoài ra, cũng theo bà Paulus, chiết xuất hydro từ khí tự nhiên có thể thải khí phát thải lên toàn cầu nhiều hơn so với khí methane phát ra từ các hoạt động khai thác khí đốt hóa thạch. Trái lại, ông Francisco Boshell, Giám đốc Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), cho rằng việc giảm chi phí đáng kể trong sản xuất điện mặt trời và điện gió đã khiến cho việc sản xuất khí đốt xanh trở nên hấp dẫn hơn, nhất là khả năng sản xuất khí hydro từ điện phân nước.

Khí tự nhiên có nguồn gốc hóa thạch đã bị nhiều nhóm bảo vệ môi trường gây sức ép đòi EU loại trừ trong tương lai. Những người ủng hộ khí đốt xanh cho rằng loại khí đốt này có thể cung cấp một nguồn doanh thu bổ sung cho nông dân. Triển vọng về khí sinh học ở châu Âu có vẻ tươi sáng, với ước tính thận trọng chỉ ra sản lượng có thể tăng gấp 10 lần vào năm 2030. Tuy nhiên, ngành công nghiệp sản xuất khí đốt xanh sẽ cần bám rễ vào nền kinh tế địa phương và giảm thiểu tác động môi trường. Trên bình diện toàn cầu, theo IRENA, sản xuất khí đốt xanh dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể trong những thập niên tới; đến năm 2050, hy vọng khí đốt xanh tăng trưởng gấp 15 lần so với hiện nay.

Pháp đặt mục tiêu bơm 10% biomethane vào mạng lưới khí đốt của nước này vào năm 2030, tương tự như những gì Đan Mạch đang làm. Pháp muốn nâng tỷ lệ này lên 100% vào năm 2050 khi thêm các loại khí có hàm lượng carbon thấp khác, như hydro.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/eu-voi-muc-tieu-xanh-hoa-khi-dot-639852.html