Eugene Shoemaker: Người duy nhất của nhân loại yên nghỉ trên Mặt trăng

Đến nay, nhà khoa học quá cố Eugene Shoemaker, người góp phần tạo ra ngành khoa học hành tinh vẫn là người duy nhất có hài cốt được gửi lên Mặt trăng.

Nhà khoa học quá cố Eugene Shoemaker. Ảnh: NASA

Nhà khoa học quá cố Eugene Shoemaker. Ảnh: NASA

Ngay cả những nhà thám hiểm thông thường cũng có khả năng nhận ra tên của nhà khoa học Eugene Shoemaker. Ông là người đã phát hiện ra sao chổi Shoemaker-Levy 9 nổi tiếng, tác động đến sao Mộc vào năm 1994. Sao chổi mà ông Shoemaker phát hiện ra với vợ là bà Carolyn và nhà khoa học David Levy đánh dấu lần đầu tiên con người có thể chứng kiến một vụ va chạm trong vũ trụ. Vụ việc đã thu hút báo chí đến mức một thị trấn nhỏ ở bang Utah, nước Mỹ phải thiết lập một…dải hạ cánh liên thiên hà để chào đón bất kỳ người tị nạn tiềm năng nào từ sao Mộc.

Ông Shoemaker có sự nghiệp nổi tiếng, kết hợp ngành địa chất học với các ứng dụng thiên văn, đặt nền móng cho lĩnh vực khoa học hành tinh. Ông đã nghiên cứu một số miệng hố trên Trái đất, và vào đầu những năm 1960, ông thành lập Trung tâm Nghiên cứu Astrogeology (địa chất học hành tinh) thuộc cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ. Ông đã sử dụng kiến thức của mình để đào tạo một số phi hành gia cho sứ mệnh Apollo về những gì họ có thể mong đợi tìm thấy trên bề mặt Mặt trăng (về địa hình).

Tuy nhiên, cuộc sống của ông Shoemaker đã kết thúc đột ngột vào ngày 18/7/1997 vì một vụ tai nạn xe hơi khi đang khám phá miệng núi lửa ở Úc. Cho dù đã qua đời, hành trình khám phá vũ trụ của nhà khoa học lừng danh vẫn chưa kết thúc.

Tàu vũ trụ gửi tro cốt ông Shoemaker lên Mặt trăng. Ảnh: NASA

Khi còn tại thế, nhà khoa học quá cố mong muốn được đặt chân lên Mặt trăng nhưng vì lý do y tế nên ông không thể thực hiện được. Sau khi ông qua đời, một đồng nghiệp thân thiết là Carolyn Porco đã quyết định cố gắng đưa hài cốt của ông lên Mặt trăng. May mắn thay, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng thích ý tưởng tôn vinh này.

Ngày 6/1/1998, NASA đưa tàu thăm dò lên cực nam của Mặt trăng cùng 28 gram tro cốt của Shoemaker. Phần tro được bao bọc cẩn thận trong một lá đồng thau có khắc tên, ngày tháng, hình ảnh sao chổi Hale-Bopp, hố thiên thạch Arizona (nơi ông đào tạo các phi hành gia Apollo) và một trích dẫn từ tác phẩm "Romeo và Juliet" của Shakespeare.

Vào ngày 31/7/1999, nhiệm vụ kết thúc khi NASA cố tình làm hỏng chiếc tàu vũ trụ trên bề mặt Mặt trăng mang theo tro cốt ông Shoemaker và biến ông trở thành người đầu tiên và duy nhất được chôn vùi ngoài Trái đất.

Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ dẫn tới khả năng tiếp cận thương mại vào vũ trụ, nhiều khả năng là ngày càng nhiều người sẽ có cơ hội được gửi tro cốt vào vũ trụ.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Atlas Obscura)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/eugene-shoemaker-nguoi-duy-nhat-cua-nhan-loai-yen-nghi-tren-mat-trang-a290374.html