Eurozone theo đuổi hệ thống chính sách tài khóa 'thân thiện hơn'

Eurozone sẽ theo đuổi một hệ thống chính sách tài khóa 'thân thiện với tăng trưởng hơn' sau khi đã kiên trì với chính sách tài khóa trung lập trong nhiều năm qua.

Đồng euro tại Lille, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đồng euro tại Lille, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các bộ trưởng tài chính của Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) ngày 17/2 đã thảo luận các biện pháp nhằm theo đuổi một hệ thống chính sách tài khóa "thân thiện với tăng trưởng hơn."

Đức và Hà Lan nhiều khả năng sẽ bị hối thúc tăng chi trước những lo ngại về khả năng tăng trưởng giảm tốc do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona (COVID-19).

Eurozone đã kiên trì với chính sách tài khóa trung lập trong nhiều năm qua, bất chấp lời kêu gọi đầu tư nhiều hơn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các nước thành viên có mức tăng trưởng thấp.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng yếu tại Đức trong năm ngoái và những lo ngại về khả năng giảm tốc mới do sự bùng phát dịch COVID-19 tại Trung Quốc đang thúc đẩy Berlin mềm dẻo hơn trong lập trường của mình.

Chủ tịch của Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone, ông Mario Centeno, cho biết dù nhiều nguy cơ đối với tăng trưởng đã dịu xuống phần nào, trong đó có việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, cũng như những căng thẳng thương mại, nhưng sự bùng phát dịch COVID-19 gần đây là một yếu tố gây lo ngại và là vấn đề cần theo dõi sát sao.

Trong ba tháng cuối năm 2019, kinh tế Đức đã trì trệ do chi tiêu chính phủ và tiêu dùng tư nhân suy giảm, qua đó lại một lần nữa làm dấy lên nhưng lo ngại về khả năng suy thoái.

Theo văn bản thảo luận giữa các bộ trưởng tài chính Eurozone, việc tăng chi tiêu công sẽ phải tuân thủ các quy định về tài khóa của EU, trong đó hạn chế thâm hụt ngân sách ở mức 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bên cạnh các yêu cầu khác.

Nhưng quyết định cuối cùng về việc các nước có tăng chi theo kiến nghị của Eurozone hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào chính phủ mỗi nước.

Là hai nước có thặng dư ngân sách suốt nhiều năm qua, Đức và Hà Lan dự định thực hiện nhiều khoản chi bổ sung, nhưng không nhiều như Eurozone kêu gọi.

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz từng nói rằng Đức sẽ tăng chi trong trường hợp khủng hoảng kinh tế. Nhưng dù tăng trưởng giảm tốc trong năm ngoái, nền kinh tế lớn nhấu EU vẫn ghi nhận mức thặng dư ngân sách lớn trong giai đoạn từ tháng 1-9/2019, theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat)./.

Khánh Ly (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/eurozone-theo-duoi-he-thong-chinh-sach-tai-khoa-than-thien-hon/623773.vnp