EVFTA mang đến cơ hội vàng cho ngành nông sản, thực phẩm Việt Nam

Không chỉ mở ra cơ hội to lớn về thị trường cho hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) còn giúp các sản phẩm Việt Nam dần nâng cao tiêu chuẩn chất lượng thông qua việc tiếp nhận các công nghệ hiện đại từ dòng vốn đầu tư của các DN EU.

Sản xuất bánh mì tại Công ty TNHH Bánh Vàng có vốn đầu tư từ Pháp. Ảnh: N.Hiền.

Tăng tốc xuất khẩu

Ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam đánh giá, với việc giảm thuế quan và rào cản cho cả hai bên, EVFTA sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại song phương cho các sản phẩm hàng hóa như thực phẩm, nông nghiệp, các sản phẩm thủy sản, rượu vang và rượu mạnh. Theo ông Jean Jacques Bouflet, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm như hạt tiêu, cà phê, các loại hạt và hải sản từ Việt Nam nhập khẩu vào châu Âu sẽ lập tức tăng mạnh. Đặc biệt là khi có khoảng 40 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam sẽ được bảo hộ ở EU. “Dĩ nhiên là các sản phẩm này phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU. Tuy nhiên, điều này sẽ giúp nâng cao nhận thức về thực phẩm an toàn và bền vững ở Việt Nam” – ông Jean Jacques Bouflet nói.

Ông Thierry Rocaboy, Chủ tịch Ủy ban Ngành thực phẩm, nông thủy sản - Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, cũng chỉ ra rằng, thời gian qua, EU luôn thâm hụt thương mại với Việt Nam. Trong giai đoạn 2007-2017, mức thâm hụt này đã tăng gấp 6 lần, tức Việt Nam hưởng lợi lớn trong giao thương với EU. Cùng với EVFTA, rau củ quả và rau gia vị là những mặt hàng mà Việt Nam có nhiều thế mạnh để thâm nhập thị trường EU.

Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội luôn là những thách thức không hề dễ dàng. Các chuyên gia nhận định, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm là ngành mang tính cạnh tranh cao và ngày càng gay gắt. Hiện nay, mặc dù các DN sản xuất thực phẩm và đồ uống trong nước đã xây dựng được chỗ đứng nhất định trong thị trường nội địa, tuy nhiên hầu hết các hãng sản xuất thực phẩm và đồ uống nổi tiếng thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Hơn nữa, với EVFTA hàng hóa EU vào Việt Nam cũng được hưởng các ưu đãi thuế quan. Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa EU sẽ tràn vào Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh của các sản phẩm trong nước, trong khi các sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, cách thức đóng gói, nhãn mác... Điều này đòi hỏi các DN cần phải nỗ lực rất lớn trong thời gian tới, cùng với đó, Nhà nước cũng cần có các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng các DN để giữ vững thị trường nội địa.

Bùng nổ đầu tư, M&A

Ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện Việt Nam thu hút trên 22.000 dự án với tổng vốn đăng ký trên 336 tỷ USD. Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm lại chưa nhiều, chỉ có 770 dự án với 11,2 tỷ USD (chưa tính M&A và mua cổ phần). Vốn FDI vào lĩnh vực chế biến thực phẩm chủ yếu đến từ các nước châu Á có công nghệ chế biến thực phẩm chưa thực sự phát triển cao như Thái Lan, Đài Loan, Malaysia và Trung Quốc. Dù đã có những chính sách ưu đãi đầu tư, nhưng Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều dự án FDI từ các nước có ngành công nghiệp chế biến thực phẩm mạnh như Nhật Bản, Mỹ, Australia và các nước EU.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ đầu tư của các DN EU tại Việt Nam còn thấp cho thấy dư địa lớn trong thu hút đầu tư từ EU vào Việt Nam. “Sau khi EVFTA bắt đầu có hiệu lực, nhiều DN châu Âu sẽ đầu tư vào Việt Nam, các công ty này sẽ mang theo những công nghệ mới, kỹ năng quản lý và chuyển giao kiến thức trong các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, đồ uống và máy nông nghiệp” - ông Jean Jacques Bouflet dự báo. Điều này cũng đồng nghĩa với sự cải thiện mạnh mẽ về kỹ năng lao động, giúp phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao và bền vững hơn, gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong các sản phẩm nông sản, thực phẩm…

Theo ông Jean Jacques Bouflet, nếu nắm bắt được cơ hội từ EVFTA, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm thương mại và đầu tư của EU trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp tại ASEAN. Để làm được điều đó, ông Lee Hyuk, Tổng thư ký Trung tâm ASEAN – Hàn Quốc khuyến nghị, Việt Nam cần đảm bảo tính minh bạch trong luật pháp và thực thi pháp luật công bằng, xây dựng đội ngũ lao động lành nghề và đảm bảo mạnh mẽ việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Luật sư Yuho Richark Kim đến từ Công ty Luật Baker & McKenzie cũng nhận định, ngoài cơ hội đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực thực phẩm tại Việt Nam là xu hướng đầu tư nhanh theo hình thức M&A. Chỉ trong vòng 2-3 năm trở lại đây, hàng loạt các thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực thực phẩm tại Việt Nam đã diễn ra thành công, điển hình là Thai Beverage mua 53% cổ phần SABECO với giá trị gần 5 tỷ USD; Singha Group mua cổ phần của Masan Group với 470 triệu USD... Theo ông Richark Kim, M&A trong lĩnh vực thực phẩm tại Việt Nam sẽ tiếp tục được các nhà đầu tư lựa chọn.

Khoảng trống về nguyên liệu

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước còn thiếu và không ổn định, nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn. Điều này dẫn đến các DN không chủ động được số lượng, chất lượng, giá nguyên liệu ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, sữa tươi nguyên liệu mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sản xuất và tiêu thụ trong nước. Mỗi năm, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đều trên dưới 1 tỷ USD. Tương tự, với các nguyên liệu sản xuất bia, ngoại trừ gạo được sử dụng với số lượng nhỏ được sản xuất trong nước, còn lại hoa bia và đại mạch là hoàn toàn phải nhập khẩu. Việt Nam cũng chưa phát triển được cây nguyên liệu có dầu nên hàng năm DN phải nhập trên 90% nguyên liệu dầu thô các loại để tinh luyện thành dầu ăn tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu. Các nguyên liệu phục vụ sản xuất bánh kẹo là bột mỳ, hương liệu và chất phụ gia cũng phải nhập khẩu phần lớn… Do đó, nhu cầu thu hút đầu tư sản xuất các nguyên liệu cho ngành chế biến thực phẩm đáp ứng cho sản xuất trong nước là rất lớn.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/evfta-mang-den-co-hoi-vang-cho-nganh-nong-san-thuc-pham-viet-nam.aspx