EVFTA - thỏa thuận thương mại tự do 'tham vọng nhất' của EU

EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do 'tham vọng nhất từ trước tới nay' mà EU ký với một quốc gia đang phát triển,xóa gần 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam.

Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) được ký kết tại Hà Nội, chiều nay (30/6). Đây là hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Lễ ký kết hiệp định EVFTA và IPA tại Hà Nội chiều 30/6.

Lễ ký kết hiệp định EVFTA và IPA tại Hà Nội chiều 30/6.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc ký kết các Hiệp định về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) là một sự kiện quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU đã được khởi xướng từ năm 2012, phù hợp với định hướng phát triển vì sự thịnh vượng chung của hai nền kinh tế, thể hiện sự ghi nhận và coi trọng của EU đối với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế với tư cách là một nền kinh tế năng động, sẵn sàng cải cách để hội nhập.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các hiệp định được ký kết mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy kết nối kinh tế giữa cộng đồng kinh tế ASEAN và EU cũng như góp phần phát triển kinh tế toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Việc ký kết các Hiệp định này sẽ góp phần tăng tốc tiến trình cải cách, hội nhập kinh tế theo chiều sâu của Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực thương mại truyền thống mà cả trong lĩnh vực thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, lao động, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế Việt Nam theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, thông lệ tốt của quốc tế, đặc biệt là của Liên minh Châu Âu, ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Môi trường Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Rumani Stefan-Radu Oprea khẳng định đây là thời điểm lịch sử về quan hệ EU-Việt Nam.

Còn Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom bày tỏ hy vọng quá trình phê chuẩn sẽ được sớm thúc đẩy và diễn ra suôn sẻ tại cả Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu.

Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom

Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, tiếp theo 21 Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu đã được ký kết và thực hiện trong 30 năm qua, việc ký kết IPA với những cam kết toàn diện và cân bằng hơn về bảo hộ đầu tư, cùng với những cam kết quan trọng về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ... theo quy định của EVFTA, sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài nói chung cũng như nhà đầu tư EU nói riêng về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận, tiêu dùng và hưởng lợi các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu chuẩn Châu Âu với chất lượng cao, giá cả cạnh tranh từ các nền kinh tế của Liên minh Châu Âu.

Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao vị trí, vai trò, tiềm năng của các nhà đầu tư EU về vốn, công nghệ, trình độ quản lý... Do vậy, Chính phủ Việt Nam có cơ sở để tin tưởng vững chắc rằng, việc ký kết Hiệp định IPA sẽ góp phần thu hút đầu tư với chất lượng cao từ các nhà đầu tư EU và tạo cơ hội tốt cho nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới.

Theo đó, Việt Nam chủ trương chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa, gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, đồng thời phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội nêu trên, Việt Nam cũng đang đứng trước một số thách thức trong quá trình thực thi Hiệp định như: về thể chế, chính sách, cơ chế quản lý; hệ thống kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ và nguồn nhân lực; năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam...

Do vậy, để hiện thực hóa những cơ hội và lợi ích từ việc thực thi các Hiệp định này, cùng với những những giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và toàn nền kinh tế, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh, theo đó sẽ nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật lao động và một số Luật về thuế... nhằm tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công, khơi thông nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Đồng thời, Chính phủ cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn của Châu Âu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm để gia nhập thị trường Châu Âu một cách nhanh chóng, thuận lợi./.

VOV.VN

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/evfta-thoa-thuan-thuong-mai-tu-do-tham-vong-nhat-cua-eu-post28848.html