EVN có giá trị tổng tài sản khoảng 718.000 tỷ đồng

Đó là thành tựu được báo cáo tại lễ đón nhận 'Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống ngành Điện lực'.

EVN đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

Sáng 21/12/2020 tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức lễ đón nhận "Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam".

Báo cáo tại buổi lễ, đại diện EVN cho biết, trong 66 năm qua, ngành Điện lực Việt Nam đã phát triển vượt bậc.

Cụ thể, khi tiếp quản từ chế độ cũ, công suất hệ thống điện ở miền Bắc vào cuối năm 1954 chỉ có 31,5 MW, đến nay hệ thống điện đã có quy mô đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 23 thế giới với công suất hơn 61.000 MW.

Trong đó, công suất nguồn điện do EVN sở hữu là hơn 29.600 MW và hệ thống lưới điện vươn rộng toàn bộ đất nước, đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Đến nay, EVN đã có giá trị tổng tài sản khoảng 718.000 tỷ đồng.

"Trong nhiều năm qua, ngành Điện lực Việt Nam trưởng thành với những công trình điện lớn, mang tầm quốc tế và khu vực như đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam từ mạch 1 nay đã được bổ sung thêm mạch 2 rồi mạch 3.

Đồng thời, nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á đã tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa nội lực tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến của cán bộ, kỹ sư Việt Nam.

Đặc biệt, trong giai đoạn một thập kỷ gần đây, EVN đã có những bước phát triển nhanh chóng và có nhiều thành tựu quan trọng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", EVN thông tin.

Cũng theo đại diện EVN, đơn vị này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức cao nhiều năm liên tục với mức tăng trưởng điện thương phẩm ở mức bình quân 9,7%/năm.

Đến năm 2020, EVN đã đưa cung cấp điện đến 100% số xã; 99,54% số hộ dân và đưa điện đến 11/12 huyện đảo, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng của đất nước.

Đến nay, công nghệ tự động hóa, điều khiển xa, kỹ thuật số được ứng dụng rộng rãi vào hệ thống điện, hầu hết các trạm biến áp 110-220 kV đã thực hiện điều khiển xa không cần người trực. Tổn thất điện năng đã giảm mạnh hàng năm, đến nay xuống dưới 6,5%, đứng thứ 3 khu vực ASEAN và đã tiệm cận mức của các nước phát triển.

Kể từ ngày 21/12/1954, Bác Hồ đã về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ và Nhà máy điện Yên Phụ. Tại đây, Người đã căn dặn: "...Nhà máy bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ phải gìn giữ nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa...”. Sự kiện này là một mốc son lịch sử của ngành Điện và nay đã trở thành Ngày truyền thống của ngành Điện lực Việt Nam.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/evn-co-gia-tri-tong-tai-san-khoang-718000-ty-dong-d489874.html