EVN khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi số

Sau hơn 2 năm thực hiện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá chuyển đổi số là một quá trình với đích đến là trở thành doanh nghiệp số. Mục tiêu này là động lực để EVN tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao: 'Giữ vai trò chính trong việc bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước'.

Từ những tiền đề quan trọng

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 4246/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về “Kế hoạch hành động ngành công thương triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”.

Cùng với đó, Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 473/NQ-HĐTV ngày 5/11/2018 và quyết định triển khai các ứng dụng của cuộc CMCN 4.0 vào toàn bộ các hoạt động của EVN từ khâu phát điện, truyền tải, phân phối, kinh doanh dịch vụ khách hàng và công tác quản trị với 36 nhiệm vụ cụ thể giao các đơn vị thực hiện.

Tại EVN, quá trình chuyển đổi số được thực hiện triệt để với quyết tâm cao của lãnh đạo, đặc biệt là từ Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn. Trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay, xuất hiện nhiều công nghệ mới, phù hợp với các yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin của Tập đoàn.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: “Tập đoàn đã đặt ra yêu cầu, phải sử dụng công nghệ tốt nhất; phải làm sao để việc ứng dụng trở nên đơn giản, thuận tiện, bất cứ người lao động ở vị trí công việc nào của Tập đoàn cũng có thể sử dụng phần mềm một cách hiệu quả”.

Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, thực chất việc chuyển đổi số rất phức tạp và cơ bản là không có đường đi định sẵn.

Với EVN, hành trình chuyển đổi số được bắt đầu rất sớm, cách đây khoảng 20 năm, với bước “đột phá” đầu tiên trong lĩnh vực Văn phòng điện tử. EVN đã nhanh chóng đưa các ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực chủ yếu: Sản xuất, vận hành, truyền tải, quản trị doanh nghiệp và đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ khách hàng.

“Việc chuyển đổi số được thực hiện theo 2 mục tiêu rõ ràng. Thứ nhất, hướng tới cung cấp dịch vụ điện một cách hiện đại, công khai, minh bạch, dễ dàng và thuận tiện cho người dân. Thứ hai, trong nội bộ EVN, phải hỗ trợ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và quản trị Tập đoàn”, ông Võ Quang Lâm nhấn mạnh.

Sau hơn 2 năm thực hiện, EVN đánh giá chuyển đổi số là một quá trình với đích đến EVN là doanh nghiệp số. Mục tiêu này là động lực để EVN tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao: “Giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển toàn diện về mọi mặt của đất nước.

EVN là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sử dụng thành công hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Đến nay, EVN là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đã sử dụng thành công hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, đồng thời là đơn vị duy nhất tính tới nay không phải là cơ quan cung cấp dịch vụ công, nhưng đã hoàn thành dịch vụ trực tuyến tương đương dịch vụ công cấp độ 4 - cấp độ cao nhất.

Đặc biệt, đây là một trong những đơn vị đầu tiên được Chính phủ cho phép được góp mặt trên Cổng dịch vụ công quốc gia ngay từ giai đoạn đầu.

Trước đó, Tập đoàn này luôn được lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các tập đoàn, tổ chức đánh giá là đơn vị đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ với rất nhiều các giải thưởng qua các năm như giải thưởng Sao Khuê, Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc....

Đến những con số ấn tượng – Chuyển đổi số để bứt phá

Tại Hội nghị trực tuyến Báo cáo viên toàn quốc tháng 12/2020 mới đây do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành đặc biệt nhấn mạnh đến những kết quả nổi bật trong chuyển đổi số tại EVN.

Cụ thể, đến nay, trong khối nguồn điện, EVN đã triển khai thành công phương pháp sửa chữa bảo dưỡng hướng theo độ tin cậy RCM (Reliability Centered Maintainance) tại nhà máy thủy điện Ialy và đang nhân rộng cho khối thủy điện; ứng dụng AI điều khiển tối ưu quá trình cấp nhiên liệu tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải; ứng dụng trung tâm quản lý vận hành thông minh Smart OCC tại cụm nhà máy thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, cụm nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 – Đồng Nai 4.

Cùng với đó, Tập đoàn đã nghiên cứu ứng dụng IoT trong vận hành, sửa chữa bảo dưỡng tối ưu các nhà máy điện, ứng dụng cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2; ứng dụng công nghệ AI và xây dựng phần mềm dự báo lưu lượng nước về hồ thủy điện Thác Mơ; nghiên cứu, phát triển hệ thống giám sát lò hơi để hỗ trợ quyết định phương án vận hành và bảo dưỡng tối ưu tại nhà máy nhiệt điện Hải Phòng.

Trạm biến áp kỹ thuật số đầu tiên trên lưới 110 kV. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Trong khối lưới điện, EVN đã hoàn thành 61/63 trung tâm điều khiển các trạm biến áp từ xa; chuyển đổi 670/844 trạm biến áp sang không có người trực. Bên cạnh đó, đã đưa vào vận hành trạm biến áp kỹ thuật số đầu tiên trên lưới 110 kV như Trạm 110 kV Quế Võ 2 – thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc từ tháng 1/2020 và trạm biến áp kỹ thuật số đầu tiên trên lưới 220 kV (Trạm 220 kV Thủy Nguyên – thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia) trong tháng 12/2020.

EVN cũng ứng dụng hiệu quả thiết bị bay không người lái để kiểm tra, giám sát tình trạng vận hành của các thiết bị, xử lý sự cố trên lưới điện truyền tải không cần cắt điện; ứng dụng AI trong phân tích xử lý hình ảnh phục vụ quản lý thiết bị, đường dây, đầu tư xây dựng.

Đến nay, EVN cũng đã cơ bản làm chủ công nghệ, đảm bảo chủ động và tiết kiệm cả chi phí, thời gian trong quá trình đầu tư, vận hành tích hợp hệ thống và triển khai cài đặt, cấu hình ghép nối, thí nghiệm hiệu chỉnh hệ thống điều khiển trạm biến áp và trung tâm điều khiển.

Nhiều trung tâm điều khiển từ xa được đưa vào hoạt động góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận hành lưới điện. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Trong khối kinh doanh dịch vụ khách hàng, EVN đã thực hiện cung cấp dịch vụ điện trực tuyến tương đương dịch vụ công ở cấp độ 4- cấp độ cao nhất với 12/12 dịch vụ điện trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Đồng thời triển khai cung cấp hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước.

Sau một năm tích hợp, số lượng yêu cầu các dịch vụ điện qua Cổng QVCQG đến ngày 30/11/2020 đã đạt gần nửa triệu yêu cầu, lượng hồ sơ đồng bộ lên Cổng đạt gần 1,5 triệu hồ sơ. Điều đáng ghi nhận là các dịch vụ điện luôn nằm trong nhóm các dịch vụ nổi bật, được nhiều người sử dụng nhất, chiếm tỉ lệ 77,16% số yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương được người dân và doanh nghiệp thực hiện trên Cổng DVCQG.

Với sự ứng dụng những thành quả của công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong quản lý và vận hành lưới điện, EVN đã liên tục nâng cao thời gian cung cấp điện, giảm thời gian gián đoạn cung cấp điện. Chỉ số tiếp cận điện năng của EVN vào nhóm ASEAN 4, được tổ chức Doing Business đánh giá đứng thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế.

Một số đơn vị thành viên của Tập đoàn như Tổng công ty Điện lực TPHCM và Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội đã được Tập đoàn SPGroup (Singapore) xếp hạng chỉ số lưới điện thông minh (Smart Grid Index) thuộc nhóm các công ty điện lực ứng dụng công nghệ thông minh của 37 quốc gia trên thế giới.

Trong điều độ hệ thống điện, vận hành thị trường điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia đã ứng dụng công nghệ Bigdata và AI trong dự báo phụ tải hệ thống điện, ứng dụng AGC trong tự động điều khiển giám sát vận hành hệ thống điện, vận hành nguồn năng lượng tái tạo.

EVN cho biết, công tác quản trị, hệ thống văn phòng điện tử (E-Office) đã được Tập đoàn triển khai xuyên suốt từ công ty mẹ - Tập đoàn tới toàn bộ các đơn vị thành viên, triển khai hệ thống ký số, văn phòng không giấy, ứng dụng triệt để họp hội nghị truyền hình trong toàn Tập đoàn, qua đó giảm được rất nhiều chi phí liên quan tới giấy tờ, chi phí đi lại.

Đồng thời đã xây dựng hệ thống quản trị thống nhất toàn Tập đoàn về quản lý kỹ thuật, quản lý kinh doanh, trong đó bộ sản phẩm “Phần mềm Quản lý kinh doanh điện (CMIS), phần mềm Quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện (PMIS), phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS) và phần mềm Quản lý văn phòng (E-Office) đã được vinh danh tại giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards 2020”.

Phấn đấu đến năm 2022 hoàn thành cơ bản chuyển đổi số

Với nền tảng vững chắc và những kết quả ấn tượng đạt được trong chuyển đổi số, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2022 hoàn thành cơ bản chuyển đổi số và đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp hoạt động trên môi trường số, đáp ứng tốt mục tiêu đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

EVN cho biết trong giai đoạn 2021-2025, Tập đoàn sẽ tiếp tục ứng dụng triệt để, mạnh mẽ các công nghệ số và công nghệ thông tin, đặc biệt là các công nghệ lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Bigdata), chuỗi khối (Blockchain), điện toán đám mây (Cloud),... trong các khối nguồn điện, lưới điện, kinh doanh dịch vụ khách hàng, quản trị. Các hạng mục đã triển khai thành công sẽ được đánh giá nghiệm thu hoàn thành và triển khai nhân rộng trong các đơn vị toàn Tập đoàn.

Sử dụng công nghệ dùng nước áp lực cao rửa sứ đường dây đang mang điện. Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Tiếp tục phát triển, nghiên cứu, ứng dụng các nội dung mới như nhà máy điện số, ứng dụng mô hình thông tin xây dựng BIM, công nghệ 3D trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý dự án, xây dựng nền tảng Digital Worker phục vụ cho đội ngũ công nhân ngoài hiện trường làm việc trên môi trường số, phát triển các ứng dụng AI trong phân tích hình ảnh, xây dựng hạ tầng viễn thông dùng riêng tốc độ cao, hệ thống cloud, ứng dụng trục tích hợp (ESB), hệ thống quản trị dữ liệu tập trung (MDM), kho dữ liệu dùng chung, xây dựng nền tảng quản trị nội bộ SmartEVN, phát triển các ứng dụng phân tích và khuyến cáo ra quyết định trong sửa chữa bảo dưỡng, vận hành hệ thống điện, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Riêng lĩnh vực sản xuất điện sẽ tập trung vào một số mục tiêu quan trọng, phấn đấu đến năm 2022 sẽ tập trung 100% thiết bị lưới điện truyền tải được số hóa và 80% thiết bị lưới điện 110 kV được số hóa. Đến năm 2025 sẽ số hóa 100% thiết bị điện trên lưới điện từ trung áp trở lên được số hóa. Cùng đó, ứng dụng hiệu quả phương pháp hiện đại trong sửa chữa các thiết bị điện nhằm tăng hiệu quả vận hành, khai thác hệ thống.

EVN cũng ứng dụng AI trong xử lý và nhận diện hình ảnh trong giám sát kiểm tra, sửa chữa đường dây bằng thiết bị chụp ảnh và thiết bị bay thông minh và phục vụ bài toán phân tích và dự báo công suất. 100% cán bộ làm việc ngoài hiện trường sử dụng thiết bị di động thông minh cho các công tác.

Đối với lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 và số khách hàng tham gia giao dịch trực đạt 90%. Bên cạnh đó, 100% các công việc giao tiếp tại hiện trường với khách hàng được thực hiện online. Các đơn vị điện lực sẽ ứng dụng AI để phân tích các yêu cầu khách hàng.

Để thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025, EVN sẽ tiếp tục chuyển đổi nhận thức cho toàn bộ CBCNV trong Tập đoàn cùng chuyển dịch làm việc trên không gian số, hình thành văn hóa số tại EVN. Đồng thời xây dựng các chỉ tiêu đánh giá mức độ chuyển đổi số, hoàn thiện và xây dựng quy trình nghiệp vụ số, tiếp tục đẩy mạnh các đề án ứng dụng các thành tựu CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Toàn Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/evn-khang-dinh-vai-tro-tien-phong-trong-chuyen-doi-so/418285.vgp