EVN: Nhiều giải pháp bảo đảm cấp điện

Trước những khó khăn về tình hình thủy văn cũng như thi công xây dựng thực tế từ các dự án, công trình điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều giải pháp bảo đảm điện cho nền kinh tế năm 2020 và giai đoạn đến năm 2025.

Nỗ lực đáp ứng tiến độ đầu tư các dự án lưới điện

Không để thiếu nhiên liệu sản xuất điện

Tại buổi làm việc với Ủy ban Quản lý (UBQL) vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) mới đây, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN - cho biết, trước dự tính về những khó khăn trong việc cấp điện giai đoạn 2020 - 2025, ngay từ năm 2018, EVN đã thường xuyên cập nhật, đề xuất các giải pháp, báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ, UBQL vốn nhà nước tại DN, Bộ Công Thương. Chỉ riêng trong tháng 1/2020, EVN đã ban hành 8 văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên quyết liệt triển khai những giải pháp bảo đảm cung ứng điện.

Năm 2020, do tình hình thủy văn không thuận lợi, nước về các hồ thủy điện kém hơn so với trung bình nhiều năm; tình hình cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện như than và khí vẫn tiếp tục khó khăn. Dự kiến, sản lượng thủy điện huy động thấp hơn 2,67 tỷ kWh; sản lượng điện huy động từ các nguồn khí thấp hơn 408 triệu kWh so với kế hoạch. Để bù đắp sản lượng thiếu hụt, EVN dự kiến tăng huy động từ các nguồn nhiệt điện than 1,9 tỷ kWh và huy động thêm 1,23 tỷ kWh từ nguồn nhiệt điện chạy dầu có giá thành cao.

Để bảo đảm cung cấp điện cả năm 2020, đặc biệt trong mùa khô, EVN yêu cầu các nhà máy điện phải phát đủ công suất thiết kế, số giờ vận hành đạt 7.200 giờ/năm. Đồng thời, chủ động đủ nhiên liệu cho phát điện; vận hành an toàn, tin cậy hệ thống điện; siết chặt kỷ luật vận hành, không để xảy ra sự cố chủ quan. Bên cạnh đó, nỗ lực đáp ứng tiến độ đầu tư các dự án lưới điện, đặc biệt các dự án lưới điện truyền tải đồng bộ giải phóng công suất nguồn điện, trong đó có nguồn năng lượng tái tạo khu vực miền Nam và các thủy điện nhỏ.

EVN cũng yêu cầu đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường tuyên truyền sử dụng điện, nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; phối hợp với các DN thực hiện điều chỉnh phụ tải hợp lý, sẵn sàng vận hành nguồn điện tại chỗ của DN trong trường hợp hệ thống điện bị thiếu nguồn…

Nhiều khuyến nghị cho giai đoạn tới

Theo tính toán của EVN, do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ nên giai đoạn 2021 - 2024, hệ thống điện sẽ thiếu nguồn cung. Với phương án cơ sở, mức thiếu hụt cao nhất là 13,3 tỷ kWh (năm 2023). Giai đoạn 2021 - 2024, phải huy động các nguồn điện chạy dầu với sản lượng trung bình từ 1,5 - 11 tỷ kWh/năm. Riêng năm 2025, hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu phụ tải nếu tiến độ chuỗi dự án khí - điện sử dụng khí Lô B, khí Cá Voi Xanh và các dự án nguồn điện sử dụng khí LNG đáp ứng tiến độ. Tuy nhiên, trong trường hợp các dự án nhiệt điện Long Phú 1, Thái Bình 2 tiếp tục chậm thêm 1 năm, sản lượng điện hệ thống sẽ thiếu hụt lên đến 18,9 tỷ kWh vào các năm 2023, 2024 và năm 2025 thiếu hụt khoảng 8,3 tỷ kWh.

Đại diện EVN cho biết, để bảo đảm điện trong năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, EVN đề nghị UBQL vốn nhà nước tại DN xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan chấp thuận chủ trương chuyển đổi nhiên liệu cho Nhà máy Điện Hiệp Phước sang sử dụng LNG từ năm 2021 và bổ sung Quy hoạch dự án nâng công suất nhà máy lên 1.125MW từ năm 2022; tăng công suất nhập khẩu điện từ các nước lân cận; sớm ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị liên quan cung cấp đủ than, khí cho phát điện; các địa phương tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng dự án điện...

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN:
Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng EVN sẽ nỗ lực bảo đảm cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, cũng như các sự kiện quan trọng của Việt Nam trong Năm Chủ tịch Asean.

Đình Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/evn-nhieu-giai-phap-bao-dam-cap-dien-132771.html