EVNCPC ứng dụng 4.0 vào quản lý và kinh doanh điện năng

Với việc ứng dụng công nghiệp 4.0 vào quản lý và kinh doanh điện năng của EVNCPC, khách hàng có thể thanh toán trực tuyến 5 loại dịch vụ có phát sinh chi phí.

Hướng dẫn khách hàng tra cứu tiền điện trên máy tính bảng. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Hướng dẫn khách hàng tra cứu tiền điện trên máy tính bảng. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Với việc hoàn thành cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của 13 tỉnh/thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên; hoàn thành việc cung cấp Dịch vụ điện cấp độ 4, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) được đánh giá là một trong 5 Tổng công ty phân phối điện thuộc Tập đoàn Điện lưc Việt Nam (EVN) triển khai ứng dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quản lý và kinh doanh điện năng.

Từ đây, khách hàng có thể thanh toán trực tuyến 5 loại dịch vụ có phát sinh chi phí như Cấp điện từ lưới điện hạ áp; Cấp điện lại theo yêu cầu của khách hàng; Xử lý báo mất điện; Thay đổi công suất sử dụng điện/thay đổi loại công tơ 1 pha, 3 pha.

Mục tiêu của việc ứng dụng này, theo EVNCPC là hệ thống hóa, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ; Tự động hóa công tác quản lý, vận hành doanh nghiệp; quản lý, vận hành lưới điện; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, nâng cao sự hài lòng khách hàng. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ còn để nhằm cung cấp các dịch vụ sử dụng điện mới như: Phát triển xe điện và trạm sạc xe điện, vận hành; Phát triển và lắp đặt nguồn năng lượng mặt trời áp mái; Xây dựng hệ thống quản lý năng lượng hộ gia đình kết nối hệ thống điện mặt trời áp mái.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1670/QĐ-TTg vào ngày 8/11/2012 phê duyệt Đề án phát triển Lưới điện Thông minh tại Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện; góp phần quản lý nhu cầu điện, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Mục tiêu cụ thể của Đề án này là xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông và tăng cường hệ thống giám sát, điều khiển tự động cho hệ thống điện, hệ thống đo đếm.

Áp dụng công nghệ 4.0 trong giao dịch và kinh doanh điện năng. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Nói về hệ thống thu thập dữ liệu công tơ điện tử từ xa (gọi tắt là hệ thống đo xa), đây là hệ thống bao gồm công tơ điện tử có chức năng gửi nhận dữ liệu, đường truyền dữ liệu, máy chủ, phần mềm quản lý giúp khách hàng có thể giám sát được hoạt động của công tơ ở bất cứ nơi đâu có kết nối internet.

Ông Phan Văn Vĩnh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Trị cho biết, hiện nay, hệ thống đo xa đang áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 3 loại: Loại 1 sử dụng hệ thống mạng Internet hữu tuyến để thu thập dữ liệu tại các trạm biến áp (TBA) 110, 220kV; Loại 2 sử dụng sóng GPRS/3G để thu thập đơn lẻ các công tơ khách hàng nằm đơn lẻ (thường là các khách hàng TBA chuyên dùng) - gọi là DSPM và loại 3 là sử dụng số vô tuyến RF để thu thập dữ công tơ khách hàng tập trung (các khách hàng sau TBA Công cộng) - gọi là Hệ thống RF-Spider.

Theo ông Vĩnh, hệ thống RF-Spider đã được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đặc biệt tại 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Về cơ bản tại 2 huyện này đã hoàn tất lắp đặt hệ thống thu thập dữ liệu từ xa cho tất cả các công tơ khách hàng.

Cụ thể, tại huyện Hướng Hóa, tổng số công tơ khách hàng là 22.615; trong đó có 22.333 công tơ lắp RF-Spider, 56 công tơ lắp DSPM, còn lại 226 công tơ không lắp được đo xa do nằm tại khu vực quá xa, không có sóng điện thoại. Còn tại huyện Đakrông, tổng số công tơ khách hàng là 8.750; trong đó có 8.639 công tơ lắp RF-Spider; 24 công tơ lắp DSPM, còn lại 87 công tơ không lắp được đo xa do nằm tại khu vực quá xa, không có sóng điện thoại.

Những lợi ích mang lại sau khi lắp đặt hệ thống RF-Spider, theo đánh giá của Công ty Điện lực Quảng Trị là khách hàng cũng như các Điện lực có thể giám sát hoạt động của công tơ từ bất cứ nơi đâu có kết nối internet; Giám sát đồng thời được nhiều công tơ. Bên cạnh đó, hệ thống liên kết với chương trình CMIS để xuất hóa đơn tiền điện cho khách hàng được chính xác, tránh các trường hợp nhầm lẫn do nhập chỉ số bằng tay. Đồng thời cắt giảm được nhân công, chi phí ghi chỉ số công tơ, đặc biệt với huyện Hướng Hóa và huyện Đakrông là hai huyện có địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, địa hình và đường sá đi lại rất khó khăn.

Khi lắp đặt hệ thống này cũng cảnh báo cho người vận hành các sự cố xảy ra trên lưới điện như: mất áp, kém áp, hệ số công suất thấp…; Truy xuất số liệu lịch sử các điểm đo một cách dễ dàng; Kiểm soát sử dụng điện của khách hàng, giám sát ngăn chặn kịp thời các trường hợp đấu sai sơ đồ đường dây, ăn cắp điện; Hỗ trợ công tác vận hành lưới điện. Ngoài ra khi lắp đặt hệ thống trên, Công ty còn đang xây dựng và phát triển các chức năng như: Cảnh báo mất điện; Tính toán tổn thất TBA công cộng theo thời gian thực.

Với những tính năng, hiệu quả mang lại này, Công ty Điện lực Quảng Trị đang phấn đấu hoàn thành lắp đặt hệ thống đo xa cho tất cả các công tơ khách hàng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Trị, ông Phan Văn Vĩnh cho biết, Đông Hà là thành phố đầu tiên của cả nước triển khai lắp đặt 100% công tơ điện tử (từ năm 2011). Đến năm 2016, có 100% khách hàng sử dụng điện trên địa bàn sử dụng công tơ điện tử.

Bà Trần Kim Thúy, Trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Đông Hà cho biết thêm, trước đây Điện lực Đông Hà phải huy động toàn bộ nhân lực gồm 30 người để chốt chỉ số công tơ đối với 3.500 khách hàng sử dụng điện vào mục đích sinh hoạt nhưng độ chính xác cũng không cao. Đến nay, khi ứng dụng công nghệ đọc chỉ số công tơ từ xa qua hệ thống RF-Spider thì các chỉ số công tơ được truyền về ngay hệ thống máy tính của Điện lực/Công ty, không có sự sai sót trong ghi chỉ số và độ chính xác rất cao. Khách hàng có thể vào trang Web của Công ty Điện lực Quảng Trị để kiểm tra mức độ sử dụng điện của mình hàng ngày, hàng tháng. Việc thu tiền điện cũng không thu tại nhà mà đều thanh toán qua ngân hàng, qua thẻ tín dụng.

Theo kế hoạch năm 2019, cả 4 huyện, đảo Cồn Cỏ và các điểm trạm ở thị trấn, quận, huyện tại Quảng Trị sẽ thay thế và lắp đặt 75% công tơ điện tử và 70% công tơ đọc chỉ số từ xa.

Ứng dụng 4.0, Công ty Điện lực Quảng Trị còn sử dụng flycam kiểm tra lưới điện ở những nơi xung yếu; ứng dụng camera nhiệt để kiểm tra ở những mối nối trên lưới điện. Đây cũng là công ty đầu tiên của EVNCPC lắp camera ở TBA không người trực. Trung tâm điều khiển hiện đã tự đóng cắt các thiết bị trên lưới điện....

Đây là một trong những TBA không người trực do Công ty Điện lực Quảng Trị quản lý. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ngay từ năm 2014, Công ty Điện lực Quảng Trị đã là đơn vị đầu tiên của tỉnh Quảng Trị thiết lập hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh. Đây còn là đơn vị làm tốt nhất công tác thông tin hiện trường. Cụ thể mọi thông tin từ hộ sử dụng điện được truyền về Tổng công ty từ lắp đặt định vị, phục vụ cho công tác sửa chữa lưới điện trên địa bàn. Riêng năm 2018, hơn 230 vụ sửa chữa đã được sửa chữa nóng.

Để ứng dụng công nghiệp 4.0, năm nay, EVNCPC tập trung Xây dựng đề án “Kế hoạch phát triển EVN CPC đến năm 2025 trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0”; Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán tiền điện qua ngân hàng/tổ chức thu hộ và thông tin thông báo qua SMS/email.

Cùng với việc hoàn thiện trang web chăm sóc khách hàng của EVNCPC (http://cskh.cpc.vn) và các dịch vụ điện trực tuyến nhằm tạo điều kiện để khách hàng không cần trực tiếp đến làm việc với Điện lực mà thực hiện đăng ký trực tiếp trên Web, Tổng công ty còn đảm bảo hạ tầng mạng truyền dẫn năng lực mạnh, đáp ứng nhu cầu kết nối các hệ thống viễn thông, công nghệ thông tin, hệ thống đo đếm, tự động hóa lưới điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và điều hành của toàn EVNCPC.

Bên cạnh đó, EVNCPC cũng sử dụng thiết bị di động vào thực hiện khảo sát, lập dự toán cấp điện mới cho khách hàng, vào việc thu tiền điện và gạch nợ online. Đồng thời đảm bảo triển khai đầy đủ các ứng dụng phục vụ quản lý, hỗ trợ ra quyết định điều hành kinh doanh, chăm sóc khách hàng, tự động hóa lưới điện triển khai cho các đơn vị trong EVNCPC và các ứng dụng phục vụ quản lý, điều hành, hỗ trợ ra quyết định.

Mặt khác, Tổng công ty cũng hoàn thành Quy hoạch thiết kế tổng thể hạ tầng công nghệ thông tin toàn EVNCPC; Tiếp tục củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển theo từng giai đoạn; Hoàn thành kế hoạch quản lý cáp thông tin..../.

Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/evncpc-ung-dung-4-0-vao-quan-ly-va-kinh-doanh-dien-nang/117239.html