EVNNPC: Tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư

Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), góp phần thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã và đang tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư ĐMTMN trong quá trình đăng ký điểm đấu, thực hiện thỏa thuận đấu nối, ký hợp đồng mua-bán điện.

Công khai minh bạch

Tại văn bản số 4651/EVN-KD về việc thực hiện đấu nối, giải tỏa công suất ĐMTMN, EVN đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực, công ty điện lực công bố công khai, minh bạch và thống nhất trên website và các phương tiện thông tin khác của đơn vị các quy trình, thủ tục thỏa thuận đấu nối hệ thống ĐMTMN... để khách hàng sử dụng điện, nhà đầu tư nắm được. Đặc biệt, EVNNPC công khai mọi quy trình, thủ tục, hiện trạng lưới điện… trên các phương tiện thông tin của ngành và tạo điều kiện ưu tiên cho chủ đầu tư ĐMTMN.

Đầu tư ĐMTMN tại tỉnh Thái Nguyên

Đầu tư ĐMTMN tại tỉnh Thái Nguyên

Thông tin từ EVNNPC cho biết, tính đến hết tháng 7/2020, toàn tổng công ty đã có 3.664 khách hàng lắp đặt ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt 52,94 MWp (trong đó năm 2019 là 17,2 MWp, 7 tháng năm 2020 là 35,74 MWp). Ước thực hiện năm 2020, toàn EVNNPC sẽ lắp đặt khoảng 80MWp, đạt 160% kế hoạch EVN giao.

Trong đó, hiện tại có một số công ty điện lực tỉnh đã thực hiện thỏa thuận đấu nối với chủ đầu tư và dự kiến đưa vào vận hành thương mại trong quý IV/2020 như Công ty Điện lực Hà Tĩnh 20MW, Công ty Điện lực Điện Biên 5MW, Công ty Điện lực Bắc Giang 2,5MW, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương, Công ty Điện lực Hà Nam, Sơn La 2,2MW…

Việc đầu tư ĐMTMN đã và đang nhận được sự hưởng ứng của nhiều khách hàng. Cụ thể, như trường hợp của bà Trần Thị Hoa, tại tổ 34, phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên, lắp đặt ĐMTMN với công suất 5,18 kWp, kinh phí đầu tư gần 80 triệu đồng. Trước đây, mỗi tháng chi phí điện sinh hoạt của gia đình khoảng 700-800 nghìn đồng, nhưng nay chỉ còn 400-500 nghìn đồng. Ngoài ra, gia đình bà Trần Thị Hoa còn bán lại cho ngành điện 6 tháng đầu năm 2020 gần 1.700 kWh từ số điện tiêu thụ còn dư.

Để tiết kiệm điện năng tại các tòa nhà cao tầng, vừa khai thác được nguồn năng lượng tái tạo, tháng 3 vừa qua Công ty Cổ phần và dịch vụ Nhà Xanh (TP. Thái Nguyên) cũng đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống điện năng lượng ĐMTMN với công suất 105 kWh.

Gỡ khó cho khách hàng

EVN quy định, đối với các hệ thống ĐMTMN đấu nối lưới trung áp, các công ty điện lực phải thực hiện xong thỏa thuận đấu nối với chủ đầu tư nhanh chóng và hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, không được phép yêu cầu các thủ tục, giấy tờ không thuộc thẩm quyền của đơn vị, gây khó khăn cho các nhà đầu tư và khách hàng như: Giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường...

EVNNPC cho biết, tổng công ty thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của EVN về việc công khai thông tin thúc đẩy ĐMTMN. Tuy nhiên, hiện tại việc triển khai các dự án vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, tại 27 tỉnh, thành phố miền Bắc - địa bàn do EVNNPC quản lý vận hành lưới điện phân phối, vẫn chưa có trạm biến áp, đường dây (110kV, trung áp, hạ áp) bị quá tải khi các công trình ĐMTMN đăng ký đấu nối vào.

EVNNPC cũng thông tin thêm, với một số kiến nghị của khách hàng liên quan đến công trình có hệ thống điện mặt trời chưa xác định là ĐMTMN hay điện mặt trời nối lưới, tổng công ty đã chỉ đạo các công ty điện lực và điện lực thành viên hướng dẫn khách hàng có sự điều chỉnh để đảm bảo đủ điều kiện hoạt động bán điện và xác định giá bán điện cho EVN theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời Việt Nam.

Ngày 17/7 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BCT quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua-bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời, thay thế Thông tư 05/2019/TT-BCT. EVN cũng đã kịp thời có các văn bản hướng dẫn để các đơn vị triển khai, thực hiện.

Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/evnnpc-tao-dieu-kien-toi-da-cho-chu-dau-tu-142549.html