EVNSPC góp phần phát triển nông thôn phía Nam

Đây là ý kiến đánh giá chung của nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của 21 tỉnh thành ở khu vực phía Nam khi làm việc với ngành điện địa phương nhằm giải đáp những kiến nghị của các cử tri liên quan đến lĩnh vực điện.

Ông Nguyễn Văn Hợp - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) - cho biết, tính đến cuối năm 2018, điện lưới quốc gia đã về đến 100% số xã trên phạm vi cả nước; số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,37%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,05%. Những nỗ lực này đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Từ đầu năm 2019 đến nay, nhu cầu tiêu thụ điện năng ở khu vực miền Nam cao hơn nhiều năm qua, nhưng ngành điện đã có nhiều phương án thích hợp, cung cấp đủ điện, không điều hòa tiết giảm phụ tải để phục vụ cho các hoạt động chính trị, sản xuất kinh doanh, sinh hoạt trên địa bàn.

Đoàn Đại biểu QH tỉnh Trà Vinh làm việc với ngành điện miền Nam

Đoàn Đại biểu QH tỉnh Trà Vinh làm việc với ngành điện miền Nam

Theo ông Hợp, trong các cuộc tiếp xúc, ĐBQH các địa phương đều ghi nhận, đánh giá cao kết quả sản xuất kinh doanh và những nỗ lực của ngành điện miền Nam trong thời gian qua. Nhiều lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ vào quản lý và vận hành, chương trình tiết kiệm điện...đã đạt được những kết quả khả quan. Đơn cử như nhiều ĐBQH đánh giá, con số tiết kiệm 1.066 triệu kWh trong 3 quý đầu năm 2019 (gần gấp đôi với cùng kỳ 2018), đạt 1,98% sản lượng điện thương phẩm mà EVNSPC thực hiện được là sự nổ lực lớn với một địa bàn tăng trưởng kinh tế cao và luôn khát về nguồn điện. “Tuy nhiên, các ĐBQH ở nhiều địa phương cũng mong muốn EVNSPC không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ ngành điện hơn nữa, nhất là công nghệ hóa việc giao dịch, không dùng tiền mặt trong thanh toán, đồng thời hiện đại hóa ngành điện trong việc sử dụng năng lượng sạch, công khai giá điện, phát triển điện mặt trời áp mái và khuyến khích người dân khai thác tối đa tiềm năng này”, ông Hợp cho biết thêm.

Báo cáo với Đoàn ĐBQH, ông Nguyễn Ngọc Thành - Giám đốc PC Đồng Nai – thông tin, Đồng Nai là địa phương đứng đầu ở miền Nam về tiêu thụ điện năng, tình hình cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh và công tác sửa chữa, xây dựng các công trình điện luôn diễn ra với cường độ cao. PC Đồng Nai hiện cung cấp điện cho 842.709 khách hàng; sản lượng điện thương phẩm trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt 10,310 tỷ kWh, tăng 7,48% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó điện cấp cho công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 74,12%. Ngoài thực hiện các dự án lớn, trong năm 2019, PC Đồng Nai đã dồn lực để hoàn thiện sớm các dự án điện dành cho dân sinh, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi. Cụ thể, năm 2019 đã thực hiện chương trình xóa câu phụ cho 582 hộ dân, với kinh phí hơn 1 tỷ đồng; thi công 15 công trình điện trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với 90 tỷ đồng để đầu tư đường dây trung thế, đường dây hạ thế; nâng cấp và xây dựng mới 83 trạm TBA với tổng dung lượng tăng thêm 11,415 MVA.

Nỗ lực đầu tư lưới điện

Theo Giám đốc PC Bình Phước - Đỗ Văn Hờn, đến hết quý 3/2019, PC Bình Phước đã đạt sản lượng điện thương phẩm 1.647,23 triệu kWh, tăng 19,70% so với cùng kỳ năm 2018. Số hộ sử dụng điện đạt tỷ lệ 98,76%, trong đó có 63/90 xã đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn. Tại Bình Phước, hiện đã có 222 khách hàng lắp điện mặt trời áp mái, tổng công suất tấm pin 3,540MWp, sản lượng phát lên lưới đạt 185.142kWh, dự kiến cả năm đạt trên 4,5MWp. Trong 9 tháng năm 2019, công ty triển khai xây dựng 33 công trình đường điện trung thế dài 39,96km, đường điện hạ thế 69,35km; tổng dung lượng trạm biến áp 12.136 KVA với mức đầu tư hơn 90 tỷ đồng, đến nay tiến độ thực hiện đạt 90%. Ông Đỗ Văn Hờn kiến nghị với Đoàn ĐBQH xem xét, có ý kiến với các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước gương mẫu thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; tuyên truyền nâng cao tỉ lệ hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời áp mái. Đồng thời kiến nghị, UBND tỉnh, các sở ngành sớm duyệt cấp đất xây dựng trạm 110/22KV tại các huyện Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập và huyện Bù Đăng; đề nghị Trung ương cấp vốn đầu tư cho các dự án cấp điện nông thôn cho tỉnh, giai đoạn 2016-2020…

Bà Điểu Huỳnh Sang - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước - đề nghị ngành điện cho biết cụ thể một số bất cập trong thu tiền điện không sử dụng tiền mặt; cách thức thu mua nguồn điện dôi dư khi người dân, doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời áp mái… Đối với vấn đề giải tỏa hành lang an toàn lưới điện, bà Sang cho rằng ngành điện cần phối hợp với chính quyền địa phương, người dân để tạo sự đồng thuận. Tại buổi làm việc, bà Sang nêu, trong thời gian qua, cử tri phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài phản ánh chất lượng điện sinh hoạt kém, ngành điện cần rà soát lại các trạm biến áp, tính toán các giải pháp nâng cấp, sửa chữa điện kịp thời. Đề nghị ngành điện tăng cường tuyên truyền sâu rộng về lợi ích của việc thanh toán tiền điện qua mạng, giải thích các chính sách, quy định của ngành, tránh gây bức xúc trong nhân dân.

Đoàn Đại biểu QH tỉnh Ca Mau làm việc với ngành điện địa phương

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Quốc Hận cùng với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội Trương Minh Hoàng đã có buổi làm việc với PC Cà Mau về hoạt động sản xuất kinh doanh và những kiến nghị của cử tri liên quan đến ngành điện tại địa phương. Ông Huỳnh Hữu Quang - Giám đốc PC Cà Mau - cho hay, đến nay CP Cà Mau đã cung cấp điện cho gần 290.000 hộ dân, chiếm tỷ lệ 94,72%. Trong năm 2019, PC Cà Mau đã đầu tư 12,87 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện nuôi tôm trên địa bàn. Công ty hiện đang triển khai xóa khoảng 3.506 hộ dùng điện câu phụ, tổng vốn thực hiện khoảng 12 tỷ đồng và dự kiến đến cuối năm 2020, công ty sẽ bán điện trực tiếp cho từng hộ sử dụng điện qua công tơ chính của ngành điện.

Tại buổi làm việc, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau lưu ý ngành điện quan tâm, đầu tư, khai thác tiềm năng các loại năng lượng điện tái tạo như điện mặt trời, điện gió nhằm gia tăng nguồn điện cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt. Qua các buổi tiếp xúc cử tri, các đại biểu cho rằng, nhiều người dân đang quan tâm đến ngành điện, chẳng hạn như tăng giá điện, không dùng tiền mặt thanh toán tiền điện, gói đầu tư điện mặt trời, thời gian, phương thức thực hiện đưa điện về nông thôn, xóa câu phụ…Để người dân chia sẻ, đồng thuận về chính sách, kế hoạch của việc cung cấp điện đủ, an toàn, Đoàn ĐBQH yêu cầu PC Cà Mau cần công khai, minh bạch thông tin, tổ chức hướng dẫn cụ thể cho người dân rõ, đặc biệt là khi cử tri cần nắm bắt thông tin.

Thế Vĩnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/evnspc-gop-phan-phat-trien-nong-thon-phia-nam-127178.html