Eximbank khôn ngoan khi tạm ứng đủ 245 tỷ đồng bị mất

Luật sư đánh giá động thái của Eximbank là cần thiết, thể hiện sự khôn ngoan, thông minh, thiện chí của ngân hàng.

Liên quan đến các khoản tiền gửi tiết kiệm của khách hàng Chu Thị Bình, ngày 27/8, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết, ngân hàng này đã hoàn tất tạm ứng 100% số tiền gốc 245 tỷ đồng gửi tiết kiệm bị mất của khách hàng Chu Thị Bình trên cơ sở thỏa thuận đã ký giữa hai bên.

Bà Chu Thị Bình sau đó đã gửi tiết kiệm tại chi nhánh Eximbank TP.HCM toàn bộ số tiền mà ngân hàng tạm ứng nói trên.

Trước đó, hồi tháng 6/2018, Eximbank đã tạm ứng đợt một 93 tỷ đồng cho khách hàng Chu Thị Bình và cho biết sẽ thanh toán tối đa 152 tỷ đồng tiếp theo khi có kết luận điều tra.

Đánh giá cao động thái của Eximbank, LS Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, đây là quyết định cần thiết, thể hiện sự thông minh, khôn ngoan và thiện chí của ngân hàng.

Bà Chu Thị Bình đã thể hiện thiện chí ngược lại đối với Eximbank bằng cách gửi lại toàn bộ số tiền được tạm ứng vào ngân hàng

Bà Chu Thị Bình đã thể hiện thiện chí ngược lại đối với Eximbank bằng cách gửi lại toàn bộ số tiền được tạm ứng vào ngân hàng

"Ai cũng biết rằng nếu cứ để cãi lý thì vụ việc chưa thể ngã ngũ ngay, thế nhưng dư luận xã hội lại thể hiện sự chia sẻ, thiên về ủng hộ bà Chu Thị Bình là người gửi tiền. Vì lẽ đó, dẫu chưa làm rõ liệu có sai sót gì từ phía khách hàng hay không nhưng nếu cứ vậy, sự việc sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của ngân hàng.

Tôi còn nhớ, hồi tháng 3/2018, ở giai đoạn đầu khi Eximbank nhùng nhằng chưa trả tiền cho bà Chu Thị Bình, báo chí đưa tin chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, cổ phiếu EIB của Eximbank đã giảm giá mạnh khiến vốn hóa ngân hàng này bốc hơi hàng ngàn tỷ đồng.

Thông tin khách hàng mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm tại đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiến Eximbank lao dốc nhanh chóng.

Chính vì thế, dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng tốt nhất là Eximbank thể hiện sự thiện chí của mình, lấy lại hình ảnh đẹp trước công chúng và khách hàng bằng cách tạm ứng đủ tiền gốc tiết kiệm cho bà Chu Thị Bình, tháo ngòi nổ căng thẳng trong dư luận xã hội.

Về phía bà Chu Thị Bình cũng thể hiện thiện chí là gửi lại toàn bộ số tiền tạm ứng vào Eximbank, nghĩa là hai bên hạn chế tổn thương cho nhau, giữ lại một hình ảnh tốt đẹp cho nhau", LS Trương Xuân Tám nhận xét.

Cũng theo vị luật sư, trong trường hợp Eximbank không tạm ứng đủ số tiền gốc tiết kiệm cho bà Chu Thị Bình mà đợi phán quyết của tòa thì sự việc sẽ kéo dài rất lâu.

Nguyên nhân là vì ra tòa thì phải trải qua tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Phán quyết của tòa chỉ có hiệu lực pháp luật khi không bị kháng cáo, kháng nghị hoặc hết thời hạn không kháng cáo, kháng nghị hoặc kháng cáo, kháng nghị rồi thì phải có tuyên bố của tòa phúc thẩm, sau đó lại đến thời gian thi hành án...

"Dù đây mới là tạm ứng và vụ án này chưa thể kế thúc nhanh được nhưng dẫu sao ngân hàng cũng phải có trách nhiệm. Tốt nhất cứ thể hiện thiện chí, tiền khách nhận cũng không đi đâu, vẫn gửi trong ngân hàng", ông Tám nói.

Vị luật sư lưu ý, đáng lý ra sự việc này còn phải đợi thêm dữ liệu điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Eximbank chi nhánh TP.HCM" có liên quan đến một số cán bộ, nhân viên của ngân hàng. Tuy nhiên, nếu không có gì đặc biệt về lỗi của bà Chu Thị Bình thì ngân hàng thậm chí còn phải thanh toán chính thức và trả cả tiền lãi cho bà này.

Bà Chu Thị Bình là khách hàng VIP, gửi tiền tiết kiệm lớn tại Eximbank.

Từ năm 2014 đến 2016, sau khi được bà Bình ủy quyền giao dịch tiền gửi tiết kiệm, ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM, cùng thuộc cấp nhiều lần đến nhà riêng của bà Bình để thực hiện các khoản tất toán theo kỳ hạn, và chiếm đoạt 245 tỷ đồng của khách hàng.

Việc rút tiền tiết kiệm trong các sổ của bà Bình được Hưng thực hiện từ năm 2014 - 2016. Năm 2017, do nghi ngờ nên bà Bình kiểm tra số dư sổ, phát hiện 245 tỷ đồng đã “bốc hơi” nên tố cáo đến cơ quan công an.

Ngày 6/3/2017, Eximbank cũng gửi đơn tố giác hành vi có dấu hiệu tội phạm của Lê Nguyễn Hưng đến cơ quan điều tra, và đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đầu tháng 2/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Eximbank chi nhánh TP.HCM; khởi tố bị can Lê Nguyễn Hưng và phát lệnh truy nã đối với bị can này.

Ngoài Hưng, 5 nhân viên ngân hàng này liên quan đến vụ mất 245 tỷ đồng cũng bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh

Về số tiền tiết kiệm của bà Bình bị mất, bà Bình sau đó đã có buổi làm việc với Hội đồng quản trị Eximbank để đưa ra phương án giải quyết. Theo bà Bình, Eximbank đồng ý tạm ứng cho bà hơn 14,8 tỷ đồng - là số tiền trên giấy ủy nhiệm chi mà Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C44) xác định là chữ ký của chủ tài khoản lẫn người được ủy quyền đều bị làm giả. Còn những khoản khác, ngân hàng sẽ chờ ra tòa.

Sau khi làm việc với nhau, bà Bình và ngân hàng không thể tìm thấy sự đồng thuận trong các điều khoản nên bà đã từ chối khoản tạm ứng.

Ngày 26/6, bà Chu Thị Bình và Eximbank đã đạt được thỏa thuận bà Bình nhận được tiền tạm ứng 93 tỷ đồng trước. Sau khi có kết luận chính thức của cơ quan điều tra thì hai bên sẽ thực hiện theo kết luận của bản án với số tiền 152 tỷ đồng còn lại.

Tuy nhiên, ngày 18/8, Eximbank đã tạm ứng đủ 245 tỷ đồng cho bà Chu Thị Bình.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/eximbank-khon-ngoan-khi-tam-ung-du-245-ty-dong-bi-mat-3364469/