F-35 ngửi thấy mùi nguy hiểm S-300 sau nâng cấp

Sau khi hoàn thành những chuyến thử nghiệm mới, tiêm kích tàng hình F-35 Mỹ sở hữu tính đặc biệt - có thể 'ngửi thấy mùi nguy hiểm'.

Thông tin về các chuyến bay thử nghiệm tính năng mới của F-35 được trang EurAsian Times dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, điều này cho thấy, người Mỹ đã không tự tin vào khả năng của F-35 khi phải đối đầu với hệ thống S-300 của Nga tại Syria.

"Việc Mỹ gọi F-35 là một máy bay tàng hình không có nghĩa là nó có thể tàng hình thực sự. Không phải tự nhiên mà Lầu Năm Góc gần đây đã bất ngờ tuyên bố thử nghiệm bổ sung đối với F-35. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy Mỹ không tin vào khả năng của F-35 trước hệ thống phòng không S-300", tờ báo này cho biết.

Tiêm kích F-35.

Cũng theo bài báo này, tiêm kích F-35 được phát triển với kỳ vọng qua mặt hệ thống phòng không Nga, bao gồm cả S-300. Ngay khi Iran bắt đầu đàm phán với Nga về thương vụ S-300, Israel được cho là đã trả một khoản tiền lớn cho Hy Lạp để có thể tiếp cận hệ thống này và nghiên cứu hoạt động của S-300.

Không chỉ Israel, Mỹ cũng đã mua một vài linh kiện của S-300 thông qua Ukraine và Belarus. Tuy nhiên, hệ thống S-300 mà người Mỹ được tiếp cận "đã được đưa vào sử dụng vào năm 1978 và sự khác biệt giữa phiên bản này và phiên bản ngày nay là rất lớn", bài báo nói.

Và có thể đây chính là nguyên nhân khiến Mỹ thử nghiệm F-35 sau khi tiến hành tích hợp hệ thống mới lên chiến đấu cơ tàng hình này. Dù không tiết lộ F-35 đang thử nghiệm tính năng gì nhưng theo nguồn tin của The Aviationist, F-35 Mỹ được độ thêm khả năng có thể đánh giá được mức độ nguy hiểm trên chiến trường.

Hiện Mỹ đang mạnh tay chi cho việc nghiên cứu phát triển công nghệ có tên gọi "tác chiến điện tử nhận thức" cho phép F-35 có khả năng tồn tại gần như một vật thể sống để "đánh hơi" các hệ thống phòng không rất khó phát hiện trong tương lai và đưa ra các giải pháp để phá hủy chúng trong khi bay.

Dù các thông tin chi tiết về hệ thống tác chiến điện tử (EW) của F-35 vẫn chưa rõ ràng, nhưng các nhà khoa học, các chuyên gia giám sát và các quan chức quân sự có hiểu biết về chương trình này nói rằng công nghệ này sẽ là chìa khóa cho sự phát triển của F-35 và đóng vai trò chủ chốt với khả năng sống sót của nó trước năng lực phòng không tiên tiến của đối phương.

Nói cách khác, hệ thống tác chiến điện tử nhận thức chính là "bộ não" có vai trò quan trọng nhất trên chiếc máy bay tối tân nhất thế giới này.

The Aviationist dẫn tuyên bố của Lee Venturino, Giám đốc điều hành công ty First Principles chuyên phân tích chương trình F-35 cho Lầu Năm Góc cho biết: "F-35 đã được tích hợp một số thành tố của hệ thống tác chiến điện tử nhận thức, nhưng chúng tôi vẫn còn tiếp tục hoàn thiện nữa trong tương lai".

"Chúng tôi đang thử nghiệm công nghệ này theo từng bước. Bước đầu tiên là về các biện pháp hỗ trợ điện tử (ESM) để phát hiện các dạng sóng tín hiệu chưa từng xuất hiện".

Theo Patrick Tucker, chuyên gia công nghệ điện tử hàng không, hệ thống tác chiến điện tử nhận thức sẽ "đánh hơi" các sóng năng lượng vô hình phát ra từ chuyển động của các điện tử, quang phổ điện tử lan truyền trong không gian.

Các hệ thống radar thông thường sử dụng dạng sóng cố định khiến chúng dễ dàng bị F-35 phát hiện, phân tích và đưa ra chiến thuật đối phó. Và khi được trang bị, việc đối phó với những hệ thống phòng không mạnh như S-300 hay S-400 không phải là nhiệm vụ khó đối với F-35.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/f-35-ngui-thay-mui-nguy-hiem-s-300-sau-nang-cap-3367093/