F-35 trong bàn tay ma thuật của Israel khiến Mỹ thở phào, Nga trầm tư, Syria lo sợ

Mỹ làm ra siêu phẩm chiến đấu cơ F-35, nhưng Israel mới làm cho nó trở nên nổi tiếng. Ngay sau khi Israel cho F-35 thực chiến vượt qua được cả hệ thống phòng không S-400 của Nga, những nghi ngờ về loại tiêm kích này biến mất, thay vào đó là sự trầm tư lo lắng của các bên.

Chiến đấu cơ F-35 vốn rất nổi tiếng nhưng cũng đầy tai tiếng. Đây là dự án ngốn ngân sách khổng lồ của Mỹ khi phải chi tới hàng nghìn tỷ USD. F-35 cũng là loại chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 thứ 2 trên thế giới đi vào biên chế sau F-22 cũng của Mỹ.

Sự hoài nghi không những đến từ những đối tác truyền thống của vũ khí Mỹ, mà còn ngay trong nội bộ nước này. Nhiều nghị sĩ lên tiếng đòi chấm dứt dự án này vì quá đắt đỏ và những vấn đề kỹ thuật phát sinh khó giải quyết, thay vào đó tiếp tục sản xuất F-22.

Tuy nhiên các nhà chiến lược gia Mỹ vẫn trung thành với hướng đi của mình. F-22 là quốc bảo và chỉ được dùng bởi không quân Mỹ để duy trì ưu thế tuyệt đối trên không, không thể xuất khẩu dù là đồng minh thân cận nhất vì lo sợ lộ bí mật quân sự.

Nhưng Mỹ vẫn cần phải tạo thế sức mạnh cân bằng quân sự cho các đồng minh để đối trọng với Nga và Trung Quốc. F-35 là lối thoát cho vấn đề trên. Tuy F-35 có sức mạnh kém hơn F-22, nhưng lại đủ sức đè bẹp các loại máy bay thế hệ thứ 4 của Nga và Trung Quốc. Mặt khác có giá rẻ hơn F-22 nên Mỹ có thể dùng để F-35 để thay thế cho hầu hết các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 của nước này.

Dù khó khăn và gặp nhiều trở ngại nhưng Mỹ vẫn cương quyết phát triển F-35, bất chấp nhiều đồng minh giảm hoặc thậm chí rút khỏi đơn đặt hàng F-35 để mua các loại máy bay khác.

Chương trình F-35 gặp khó khăn cũng là điều dễ hiểu, bởi đây là loại máy bay hoàn toàn mới, khác với F-22 vốn được xây dựng từ nền tảng F-15.

Là loại máy bay hoàn toàn mới nhưng Mỹ muốn phát triển các phiên bản khác nhau dựa trên nền tảng này, trong đó F-35A là phiên bản tiêu chuẩn, F-35B là phiên bản cất hạ cánh thẳng đứng và phiên bản F-35C hoạt động trên tàu sân bay.

Phiên bản F-35B cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, đây là phiên bản phức tạp nhất, mắc nhiều lỗi nhất, nhưng cũng là phiên bản độc đáo nhất. Với việc cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng cho phép F-35B có thể tác chiến trong điều kiện đường băng bị đánh phá ác liệt, điều mà F-35A và F-35C không làm được.

Cho đến thời điểm hiện tại, đa số các số lỗi trên F-35 đã được khắc phục, khoảng vài chục chiếc F-35 đã đi vào biên chế trong không quân Mỹ và một số nhỏ dành cho đồng minh.

Không quân Israel là đồng minh hiếm hoi nhận F-35 sớm nhất chỉ sau Mỹ. Ngay sau khi nhận F-35 Israel đã cho những chiếc F-35 thực chiến khi tấn công Syria.

Điều đáng nói là F-35 của Israel tấn công vào các căn cứ quân sự của chính quyền tổng thống Assad - nơi đang được hệ thống phòng không S-400 của Nga bảo vệ mà không hề hấn gì. Chính điều này đã minh chứng cho sức mạnh tàng hình của loại máy bay này.

Từ những đánh giá thực tế, ngày 27/8 vừa qua, Bộ Quốc phòng Israel cho biết, nước này đã hoàn tất hợp đồng thứ 3 mua thêm 17 chiếc tiêm kích F-35 của Mỹ và số máy bay này sẽ được bàn giao trước năm 2024.

Hợp đồng đầu tiên Israel đã đặt mua 19 chiếc F-35 trị giá 125 triệu USD/chiếc, bản hợp đồng thứ 2 gồm 14 chiếc F-35 trị giá 112 triệu USD/chiếc.

Dự kiến, mức giá F-35 sẽ giảm xuống còn khoảng 80 triệu USD/chiếc trong những năm tới nếu Israel tiếp tục mua thêm chiến đấu cơ này. Israel đã lên kế hoạch thay thế các máy bay chiến đấu F-16 của mình bằng chiến đấu cơ F-35 hiện đại, nhằm đảm bảo ưu thế quân đội nước này trong khu vực.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/f35-trong-ban-tay-ma-thuat-cua-israel-khien-my-tho-phao-nga-tram-tu-syria-lo-so/741296.antd