F-35A Mỹ sẵn sàng đối đầu Su-35S Nga khi thực chiến tại Iraq

Trong khi biến thể F-35I Adir của không quân Israel đã thực chiến từ lâu thì phải tới gần đây phiên bản F-35A Lightning II của Mỹ mới chính thức tham chiến.

 "Biên đội tiêm kích tàng hình F-35A hôm 30/4 đã ném bom dẫn đường bằng vệ tinh (JDAM) nhằm vào hệ thống hầm hào và kho chứa vũ khí của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên dãy núi Hamrin, Đông Bắc Iraq".

"Biên đội tiêm kích tàng hình F-35A hôm 30/4 đã ném bom dẫn đường bằng vệ tinh (JDAM) nhằm vào hệ thống hầm hào và kho chứa vũ khí của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên dãy núi Hamrin, Đông Bắc Iraq".

Bộ tư lệnh Trung tâm thuộc không quân Mỹ ngày 2/5 đã ra thông cáo cho biết đồng thời khẳng định rằng khu vực này có thể đe dọa đến sự an toàn của các lực lượng đồng minh. Kết quả trận không kích chưa được công bố.

Đây là lần đầu biến thể F-35A của không quân Mỹ tung đòn không kích, sau khi phiên bản F-35B của thủy quân lục chiến thực hiện cuộc tấn công nhằm vào phiến quân Taliban ở Afghanistan hồi tháng 9/2018.

Mỹ điều một phi đội F-35A đến căn cứ Al Dhafra của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào giữa tháng 4 nhằm bổ sung năng lực tác chiến cho liên quân chống IS sau khi họ rút tiêm kích tàng hình F-22 khỏi Trung Đông.

Căn cứ vào những hình ảnh được công bố sau cuộc tấn công, các tiêm kích F-35A này thuộc phi đội số 4 - phi đoàn tiêm kích số 388 của không quân Mỹ đóng tại khu vực.

Để thực hiện nhiệm vụ, máy bay tiêm kích tàng hình F-35A đã yêu cầu được tiếp dầu trên không trước khi tham chiến do quãng đường di chuyển là tương đối xa.

Một điều đặc biệt nữa cần chú ý đó là trong các phi vụ trước đây, tiêm kích tàng hình của Mỹ thường đeo thiết bị phản xạ góc Luneburg Lens nhằm che giấu tín hiệu phản xạ radar (RCS).

Tuy nhiên trong khi thực hiện nhiệm vụ vừa rồi trên những chiếc F-35A đã không thấy xuất hiện khí tài này, có lẽ là vì Mỹ che giấu số liệu RCS của F-35A bằng cách khác.

Thay vì đưa tên lửa không đối không vào trong thân, những chiếc F-35A này đã gắn 2 quả đạn AIM-9X Sidewinder ở giá treo ngoài, điều đó khiến mức độ tàng hình của nó giảm bớt.

Khi đưa tên lửa AIM-9X ra ngoài thay vì nằm trong khoang vũ khí thì chỉ số RCS của F-35A đã thay đổi khá nhiều so với con số lý tưởng, bởi vậy mà thiết bị Luneburg Lens tỏ ra không cần thiết nữa.

Ngoài ra cũng cần để ý tới việc F-35A của Mỹ mang tên lửa không đối không khi đi ném bom tàn quân IS, bởi vì rõ ràng lực lượng khủng bố này chẳng thể nào đe dọa đến chiếc Lightning II.

Những quả tên lửa không đối không này do vậy bị nhận định rằng chúng có tác dụng đề phòng trường hợp bị máy bay chiến đấu Su-30SM hay Su-35S của Nga áp sát vì mục đích nào đó.

Trên chiến trường Trung Đông, thỉnh thoảng vẫn diễn ra những "màn chào hỏi" giữa máy bay tiêm kích của Nga và Mỹ, trong đó chẳng phải lúc nào cũng diễn ra trong không khí thân thiện.

Chính vì vậy mặc dù nguy cơ xung đột là rất thấp nhưng tiêm kích F-35A của Mỹ vẫn chẳng thể nào ngưng đề phòng chiến đấu cơ Nga, việc mang tên lửa không đối không khi đánh IS chắc chắn chỉ nhằm mục đích này.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-f35a-my-san-sang-doi-dau-su35s-nga-khi-thuc-chien-tai-iraq/809027.antd