F-35B/C giúp Mỹ thống trị cả lục địa, đại dương thế giới?

9 tàu đổ bộ mang F-35B và 11 tàu sân bay mang F-35C giúp Mỹ có 20 siêu hạm, khống chế không phận cả đại dương lẫn lục địa thế giới.

F-35: Dự án công nghệ cao siêu đắt đỏ

Nghiên cứu phát triển, tiêu thụ vũ khí và công nghệ hiện đại từ lâu đã là một phần trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ - nước xuất khẩu vũ khí chính yếu và nền kinh tế số một trên thế giới. Trong đó, tiêu biểu là dự án Lockheed Martin F-35 Lightning II.

Sự tập trung chú ý của các chuyên gia và phương tiện truyền thông tới chiếc máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Mỹ trong những ngày gần đây xuất phát từ nhiều lý do: Một lô máy bay lớn được ký kết hợp đồng, chiếc F-35B lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu ở Afghanistan và tai nạn đầu tiên của của nó trong chuyến bay huấn luyện trên lãnh thổ Hoa Kỳ; khiến những nhà lãnh đạo chương trình thừa nhận máy bay cần phải "cập nhật kỹ thuật" và phải tăng thêm chi phí cho dự án.

Việc chế tạo chiếc máy bay chiến đấu - ném bom đa chức năng Lockheed Martin F-35 Lightning II bắt đầu từ năm 1992.

Ý tưởng của giới chức lãnh đạo Không quân Mỹ là một chiếc máy bay được áp dụng thiết kế và công nghệ tàng hình, đầy ắp các thiết bị điện tử đa dụng và độc đáo, vượt trội về các đặc tính chiến thuật và kỹ thuật, được cho là sẽ thay thế các máy bay chiến đấu thế hệ cũ của Mỹ và đồng minh.

Một nhiệm vụ đầy tham vọng như vậy sẽ phải đi cùng với thời gian dài và ngân sách kỷ lục.

Chương trình F-35 là chương trình sản xuất vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử, hơn 1,5 nghìn tỷ dollars Mỹ đã được chi ra để các nhà phát triển giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, nhưng chiếc F-35 đã tiêu tốn thêm hàng trăm tỷ dollars so với kế hoạch, thời điểm đưa máy bay vào hoạt động đã bị trì hoãn.

Nguyên mẫu đầu tiên của F-35 bay lên không trung vào năm 2000 và chiếc máy bay đầu tiên của dòng F-35A là vào năm 2006. Không quân Hoa Kỳ chỉ được trang bị phiên bản này vào năm 2015. Phiên bản dành cho Thủy quân lục chiến (F-35B) là vào năm 2016 và bản thứ ba là chiếc F-35C cho Hải quân vẫn còn phải chờ đợi.

Việc tham gia thực chiến lần đầu tiên cũng chỉ mới diễn ra trong năm nay: Vào tháng 5, chiếc F-35A Lightning II đã tham gia cuộc không kích của Không quân Israel (với tên gọi là F-35I Adir) và vào cuối tháng 9, Hải quân Hoa Kỳ dường như đã sử dụng F-35B tấn công Taliban ở tỉnh Kandahar của Afghanistan. Và tất nhiên là phi công Mỹ không gặp rủi ro nào, bởi Taliban không có không quân, cũng không có hệ thống phòng không đáng kể nào, kể cả radar mà F-35 cần phải "tàng hình" trước nó.

Hai máy bay F-35B và F-35C là nòng cốt của tàu sân bay và tàu đổ bộ tấn công Mỹ

F-35B/C: Con dao sắc giúp Mỹ thống trị không trung

Mặc dù như thế, các máy bay F-35B/C được Hải quân Hoa Kỳ đặt hy vọng lớn lao trong bối cảnh phức tạp hiện nay trên thế giới.

Những chiếc máy bay này có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, nghĩa là để vận chuyển chúng không cần tới tàu sân bay lớn với một nhóm tàu hộ tống mà chỉ cần các tàu đổ bộ tấn công viễn chinh của Hải quân đánh bộ Mỹ là đủ.

Điều này làm tăng tính di động và tốc độ triển khai lực lượng cho các hoạt động trong khi vẫn duy trì hiệu quả, nếu tính đến khả năng chiến đấu ấn tượng của F-35B như: Tốc độ gần 2000 km/h, trần bay 18,2km, tải trọng chiến đấu là hơn 9 tấn đạn dược.

Trong thực tế, một kịch bản như vậy đã được thực hiện trong một cuộc tấn công gần đây vào lực lượng Taliban ở Afghanistan. Các máy bay F-35B đã cất cánh và hạ cánh từ tàu đổ bộ lớp Wasp LHD-2 USS Essex, nằm trên Biển Ả Rập, gần với Vịnh Ba Tư và bờ biển Iran.

Một khu vực tiềm năng khác để sử dụng F-35B là Biển Đông, nơi Mỹ, trong khuôn khổ của khái niệm "đảm bảo tự do hàng hải và hàng không", đang cố gắng phản đối Trung Quốc.

Kiểm soát Vịnh Ba Tư (tức vịnh Persian) và biển Đông luôn có ý nghĩa địa chính trị đặc biệt đối với Washington.

Biên tập viên Tom Rogan của tờ báo Washington Examiner cho rằng, nếu phiên bản F-35B được sử dụng như thiết kế, sẽ làm gia tăng khả năng chiến đấu của Hải quân Mỹ lên một tầm cao mới.

"Mặc dù các tàu sân bay có thể vận chuyển nhiều máy bay hơn so với các tàu đổ bộ, nhưng khi tất cả 9 tàu đổ bộ tấn công được trang bị F-35B, chúng sẽ trở thành lực lượng cực mạnh, bổ sung tuyệt vời cho 11 tàu sân bay mang theo F-35C” - Tom Rogan viết.

Ông này nhấn mạnh rằng, khi F-35B và F-35C hợp công, chúng sẽ mang lại ưu thế trên không cho Hoa Kỳ, giúp Không quân Hải quân Mỹ có khả năng thực hiện các cuộc tấn công từ biển vào đất liền từ tổng cộng 20 siêu tàu chiến. Đây là sự răn đe rất mạnh mẽ.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/f-35bc-giup-my-thong-tri-ca-luc-dia-dai-duong-the-gioi-3366810/