F-35B phô diễn khả năng thống trị các đại dương

Mỹ vừa công bố video phô diễn khả năng cất cánh đường băng cực ngắn của F-35B trên tàu đổ bộ - cặp đôi có thể giúp Mỹ thống trị các vùng biển.

Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) tuyên bố, không phải F-35C và những tàu sân bay tốn kém như USS Gerald R. Ford mà chính tiêm kích F-35B cùng với tàu tấn công đổ bộ mới là cặp vũ khí giúp Mỹ thực hiện những kế hoạch của mình trên hầu hết các đại dương.

Để thực hiện tham vọng của mình, USMC cho biết đã hoán cải tất cả các tàu thuộc lớp America của lực lượng này như cải tạo đường băng, thông qua quét lớp sơn cản nhiệt, hỗ trợ cho máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35B cất hạ cánh trên bong tàu trong tương lai.

Tiêm kích F-35B.

"Công việc thử nghiệm máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35B đã được hoàn tất và bắt đầu triển khai làm nhiệm vụ trên một số vùng biển", ông Michael Bates, thuyền trưởng tàu USS Amecica cho biết.

Không chỉ tiến hành cải tạo với tàu LHA, USMC cũng đã tiến hành cải tạo 12 tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp (LHD) để những chiếc tàu không quá mới này để thay thế các máy bay thế hệ cũ AV-8B Harrier II bằng tiêm kích thế hệ mới F-35B.

Đô đốc Jonathan Greenert cho biết, Mỹ đã sửa đổi thiết kế boong chở máy bay và đường băng của loạt tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp để có thể chuyên chở loại máy bay tấn công tàng hình thế hệ thứ 5, cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) F-35B.

Mô hình thoát khí và đặc tính bay của F35B đòi hỏi phải tiến hành gia cố các hệ thống chịu lực trên tàu; di chuyển vị trí hoặc loại bỏ một số thiết bị không cần thiết tránh xảy ra trường hợp khi máy bay cất, hạ cánh hoặc tác chiến có thể gây tổn hại đến các hệ thống antena, xuồng cứu sinh, lan can mạn tàu, lưới bảo vệ và trạm nhiên liệu JP-5.

Ngoài ra, đặc tính nhiệt độ cao của F-35B cũng đòi hỏi phải gia cố lại mặt boong, làm chậm các luồng khí phản lực để giảm áp lực. Đồng thời, cũng phải thay đổi lớp sơn phủ bề mặt boong vì lớp sơn cũ không có khả năng chống ăn mòn khi tiếp xúc với các luồng khí phụt từ bụng máy bay để tạo lực nâng. Ngoài ra, USMC còn phải lắp đặt thêm một số thiết bị ổn áp và hệ thống chỉnh lưu.

Do khả năng thực hiện nhiệm vụ của F-35B đã được mở rộng rất nhiều nên các tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp cũng cần phải nâng cao năng lực kho chứa và hệ thống vận chuyển đạn dược, đồng thời cũng phải cập nhật thêm chức năng cho các hệ thống thiết bị bảo đảm khác có liên quan đến không quân hạm.

Để hiện thực hóa kế hoạch của mình, đầu tháng 7/2019, tàu tấn công đổ bộ USS Boxer mang theo F-35B đã được Mỹ điều động đến điểm nóng tại Vịnh Ba Tư và ngay lập tức, nó đã cho thấy sức mạnh khi Mỹ tuyên bố bắn hạ một chiếc UAV Iran trên vùng biển này khi nó gây nguy hiểm cho hoạt động của tàu Mỹ.

Hồi tháng 4/2019, tàu USS Wasp (LHD-1) mang theo số lượng kỷ lục tiêm kích F-35B được điều đến Biển Đông tham gia tập trận Balikatan 2019 với Philipiines. Tại đây, các lực lượng của Mỹ và Philippines đã tiến hành các hoạt động đổ bổ, huấn luyện bắn đạn thật, tác chiến trong môi trường đô thị, diễn tập tác chiến trên biển với các hoạt động cất - hạ cảnh của F-35B trên tàu USS Wasp.

"Cho dù tàu đổ bộ không thể thay thế tàu sân bay, nhưng chúng có thể đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện những chiến lược của Mỹ tại các vùng biển trên thế giới", đại diện của lực lượng USMC tuyên bố.

Clip F-35B cất cánh trên tàu USS Wasp

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/f-35b-pho-dien-kha-nang-thong-tri-cac-dai-duong-3384576/