F-35I Israel tróc vẩy mà chỉ đánh được S-200 trầy da?

Các chuyên gia quân sự kết luận, 'bóng ma' F-35I của Israel chỉ làm S-200 Syria bị thiệt hại nhẹ, không mất sức chiến đấu.

CS-200 Syria chỉ bị “trầy da”

Theo tin của giới truyền thông, sau khi nghiên cứu các thông tin của các bên và bằng chứng thực tế từ các hình ảnh vệ tinh về sự kiện được cho là “S-200 Syria bị chiến đấu cơ Israel hủy diệt”, các chuyên gia quân sự đã kết luận rằng, các hệ thống S-200 này vẫn sống sót sau cuộc tấn công của F-35 Israel.

Theo đó, các chuyên gia quân sự độc lập đã nhận định rằng, các hệ thống tên lửa đất đối không S-200VE do Liên xô sản xuất đang phục vụ trong lực lượng phòng không Syria vẫn nguyên vẹn sau vụ tấn công trả đũa của Không quân Israel bằng máy bay chiến đấu F-35.

S-200 là loại tên lửa được Liên Xô chế tạo bằng công nghệ từ thập niên 60 của thế kỷ trước hiện đang là loại tên lửa phòng không tầm xa hiện đại nhất trong Quân đội Syria; còn máy bay chiến đấu tàng hình F-35 là loại tiêm kích tàng hình tối tân thuộc thế hệ 5 của Mỹ mà Israel mới được nhận.

Lực lượng phòng không Syria hiện đang còn sử dụng khoảng 48 tổ hợp tên lửa S-200 200VE "Vega-E" (SA-5B Gammon), với tầm phóng tối đa khoảng 240km. Tuy nhiên, đây là loại vũ khí phòng không được coi là lạc hậu trong chiến tranh hiện đại.

Hai loại vũ khí vốn là khắc tinh của nhau đã “giao đấu” với nhau trong một cuộc chiến diễn ra vào sáng ngày 16/10 ở khu vực thủ đô Damascus của Syria, giáp với biên giới Lebanon, vào thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu có chuyến thăm chính thức đến Israel.

Giới truyền thông đưa tin, quân đội Syria thông báo các hệ thống tên lửa đất đối không SA-5 của lực lượng phòng không Syria đã tấn công vào máy bay của Không quân Israel với cáo buộc vi phạm không phận Syria trên biên giới với Lebanon.

Dịch vụ thông tin báo chí của quân đội Israel cho biết về một cuộc không kích trả đũa vào "những thành phần chính" của đơn vị phòng không Syria, khiến một tiểu đoàn phòng không Syria mất sức chiến đấu.

S-200 Syria và F-35I Israel đã thực sự đối đầu với nhau?

Tuy nhiên, các chuyên gia đã nghiên cứu hình ảnh vệ tinh các vị trí của Lữ đoàn phòng không Syria số 16, thuộc Sư đoàn số 72, đóng ở gần căn cứ không quân Dumeir, cách Damascus 50 km và đưa ra nhận định rằng, sau vụ tấn công trả đũa của không quân Israel, “tất cả các thiết bị phòng không” của các tổ hợp này vẫn còn sống sót và an toàn.

Các chuyên gia nhận định rằng, không loại trừ khả năng siêu tiêm kích F-35 vẫn đánh trúng tiểu đoàn tên lửa S-200 của Syria; tuy nhiên, nó chỉ làm hư hại trạm anten với radar chiếu mục tiêu, mà nhiều khả năng đã được phục hồi hoạt động ngay sau đó.

F-35I Idir Israel “tróc vẩy” vì cái gì?

Ngược lại, vừa qua cũng xuất hiện những thông tin cho biết, việc các máy bay chiến đấu Israel cố tình trả đũa đơn vị phòng không S-200 Syria là để “báo thù” cho một máy bay chiến đấu tàng hình F-35 đã bị bắn trúng, khiến tốp máy bay hỗn hợp các F-35/F-15/F-16 phải hủy bỏ nhiệm vụ.

Ngay trong ngày 16/10, Quân đội Israel đã đột nhiên thông báo rằng, các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35I Idir của họ đã phải tạm thời ngừng bay trong vài tuần, bởi một chiếc đã bị hỏng lớp sơn tàng hình do tai nạn ngoài ý muốn vào khoảng 2 tuần trước.

Theo đó, Quân đội Israel đã giải thích là chiếc F-35I Adir đã va phải chim ngay trước khi hạ cánh tại căn cứ không quân Nevatim ở sa mạc Negev, miền Trung nước này. Cú va chạm không gây thiệt hại hay nguy hiểm nhưng chiếc máy bay cũng bị hư hỏng nhẹ ở lớp sơn tàng hình.

Do yêu cầu rất cao để duy trì khả năng tàng hình khi hoạt động, không quân nước này đã phải tạm ngừng hoạt động huấn luyện F-35I một vài hôm để phục vụ việc sơn phủ lớp tàng hình bảo vệ mới cho chiếc tiêm kích này và sẽ nhanh chóng đưa nó trở lại hoạt động.

Hệ thống radar trong tổ hợp phòng không tầm xa của Syria

Mặc dù như thế nhưng giới phân tích cho rằng thông tin F-35I bị S-200 bắn trúng cũng không hoàn toàn vô lý, bởi việc máy bay Israel bị hỏng là điều có thật nhưng nước này đã không đưa ra được bất cứ video hay bức ảnh nào chứng minh vụ việc này chỉ là một tai nạn.

Hơn nữa, theo công bố của nhà sản xuất Lockheed Martin về các tính năng ưu việt của siêu tiêm kích này, khả năng chống va chạm với chim đã được tính toán rất kỹ trong quá trình thiết kế F-35 và nó đã trải qua nhiều thử nghiệm va chạm với chim với kết quả bảo vệ tuyệt.

Nếu quả thực chiếc chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 này thực sự có va chạm với chim thì nó có thể nhanh chóng sửa chữa nhỏ để tiếp tục hoạt động bình thường, bởi vì lớp vỏ tàng hình có khả năng chống va đập rất tốt của F-35I khó có thể bị hư hỏng nặng đến mức độ ngừng bay vài tuần.

Hơn nữa, các nguồn tin của Israel không đưa ra được bất cứ bức ảnh nào của chiếc máy bay chiến đấu F-35I, sau vụ va chạm với chim.

Do đó, khi đó giới phân tích đã nhận định rằng, rất có thể là trước khi bị Israel tấn công, một quả tên lửa phòng không cổ lỗ của Liên Xô của các bệ phóng tên lửa phòng không S-200 Syria đã phát nổ gần 'bóng ma' F-35I của Israel, nhưng không thực sự đánh trúng vào nó.

Tuy nhiên, chỉ một việc này đã cho thấy khả năng tàng hình của F-35I không phải là tuyệt đối, các phương tiện phòng không kiểu Liên Xô/Nga vẫn có khả năng phát hiện và tấn công chúng và đây sẽ là những kinh nghiệm quý báu cho Nga để đối đầu với F-22 và F-35 Mỹ.

Nếu quả thực F-35 chỉ bị hư hại nhẹ còn các hệ thống S-200 Syria cũng không bị thiệt hại nặng thì sự kiện này có thể được gọi là “F-35I Adir của Israel ‘tróc vẩy’ mà cũng chỉ đánh được S-200 ‘trầy da’.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/f-35i-israel-troc-vay-ma-chi-danh-duoc-s-200-tray-da-3346665/