Facebook hối hả giải quyết khủng hoảng ở châu Á

Facebook đang đối mặt với một cuộc thẩm tra mới từ các nước châu Á, nơi có 800 triệu người dùng, tức là chiếm 1/3 số người dùng trên toàn cầu, sau khi họ thông báo rằng hàng triệu người ở khu vực này bị sử dụng thông tin cá nhân một cách không thích hợp bởi một công ty phân tích số liệu có liên quan đến chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của ông Donald Trump.

Các chính phủ Indonesia, Philippines, Úc đã tiến hành các bước điều tra mở rộng vào Facebook sau khi họ công bố vào ngày 4-4 rằng 87 triệu người dùng bị công ty phân tích số liệu Cambridge Analytica sử dụng thông tin tùy tiện. Bên cạnh hơn 70 triệu người Mỹ, có 1,18 triệu người Philippines, 1,1 triệu người Indonesia và hàng chục ngàn người Ấn Độ, Úc, Việt Nam bị ảnh hưởng.

Ủy ban bảo vệ quyền riêng tư Philippines thông báo “tiếp tục kêu gọi Facebook tăng thêm mức độ minh bạch trong hoạt động” và cũng khuyến cáo người dùng ở Philippines nên hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân trên mạng cũng như tăng cường sử dụng các công cụ bảo mật.

Tại Indonesia, Bộ trưởng thông tin truyền thông Rudiantara trả lời phỏng vấn hãng truyền thông Bloomberg hôm 6-4 rằng nếu thấy cần thiết phải đóng cửa Facebook thì ông sẽ làm như vậy. Indonesia từng cho đóng cửa một số mạng xã hội như Telegram, Tumblr. Ông Rudiantara đã cho triệu tập trưởng bộ phận pháp chế Facebook tại Indonesia là ông Ruben Hattari để cảnh cáo Facebook phải có những biện pháp thích hợp để bảo mật dữ liệu cá nhân.

Theo bộ này, hình phạt cho việc sử dụng tùy tiện dữ liệu cá nhân của người khác có thể lên tới 12 năm tù hoặc khoản phạt 12 tỉ rupiah (876.000 đô la Mỹ). Bộ cũng yêu cầu Facebook phải ngăn chặn các công cụ cho phép bên thứ ba truy cập vào thông tin cá nhân của người dùng. Ông Hattari nói Facebook sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ để giải quyết khủng hoảng này.

Bà Angelene Falk, người đứng đầu Ủy ban bảo vệ thông tin của chính phủ Úc nói với tờ Nikkei Asian Review hôm 5-4 rằng họ đã mở một cuộc điều tra chính thức vào Facebook để xác định mức độ nghiêm trọng của sự việc. Theo Facebook, hơn 300.000 người Úc bị ảnh hưởng.

Christopher Wylie, một người từng làm việc cho Cambridge Analytica đã tố cáo công ty cũ của mình có dính líu vào các cuộc bầu cử tại Ấn Độ. Bộ công nghệ thông tin Ấn Độ đã ra hạn cho Facebook là trong ngày 7-4 phải giải trình việc dữ liệu của các cử tri Ấn Độ bị thao túng như thế nào.

Công ty mẹ của Cambridge Analytica là tập đoàn SCL Group có trụ sở tại Anh bị cáo buộc ở một số nơi là đã nhúng tay vào các cuộc bầu cử. Chưa rõ cụ thể các chiến thuật của SCL ra sao, nhưng trong số đó có các chiến thuật như tung tin giả, viết các bài gây thù địch. Tại Indonesia, nơi cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 4-2019, tổng thống Joko Widodo đã thành lập một cơ quan chuyên trách phòng chống tệ tung tin giả và các vấn đề xấu liên quan đến Internet.

Tại Myanmar, tập đoàn SCL bị cáo buộc cung cấp một nền tảng cho các bài nói xấu cộng đồng dân tộc thiểu số Rohingya. Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg trả lời phỏng vấn trang Vox gần đây nói công ty đã cho dò tìm các bài nói kích động trên ứng dụng Facebook Messenger. Nhưng phát biểu của Zuckerberg đã lập tức tạo ra phản ứng dữ dội từ các nhóm dân sự xã hội Myanmar rằng hành động của Facebook chậm trễ và thiếu triệt để.

Facebook có 828 triệu người dùng ở châu Á, tăng gấp đôi so với cách đây 3 năm. Sự phát triển ấn tượng của họ ở khu vực này nhờ sự lan rộng của smartphone giá rẻ cũng như những nỗ lực riêng của họ trong việc thích nghi với thói quen của người dùng ở các thị trường mới nổi, ví dụ như phiên bản Facebook Lite sử dụng ít dữ liệu hơn phiên bản thông thường, nhắm đến những nơi có chất lượng hạ tầng kết nối Internet thấp.

Thái Hà

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/271079/facebook-hoi-ha-giai-quyet-khung-hoang-o-chau-a.html