Facebook hứng chỉ trích sau vụ đấu giá cô dâu trẻ em

Facebook đã bị chỉ trích vì 'sử dụng công nghệ dã man' cho phép bán đấu giá một cô dâu trẻ em trên trang mạng của mình.

Facebook đã bị chỉ trích vì “sử dụng công nghệ dã man” cho phép bán đấu giá một cô dâu trẻ em trên trang mạng của mình.

Một cuộc đấu giá đã được tổ chức trên mạng truyền thông xã hội Facebook cho cô gái 16 tuổi, Nyalong Ngong Deng, ở Nam Sudan. Theo tổ chức quyền trẻ em Plan International, cô gái đã được 5 người đàn ông đặt mua, một số người được cho là quan chức cấp cao của chính phủ Nam Sudan. Cái giá cuối cùng mà cha cô gái nhận được là 530 con bò, 3 ô-tô và 10.000 USD.

Các nhà hoạt động lo ngại rằng, cuộc đấu giá này có thể truyền cảm hứng cho các gia đình khác sử dụng các trang mạng xã hội để bán con nhằm nhận được số tiền lớn hơn. Giám đốc Plan International tại Nam Sudan, George Otim, chỉ trích: Một thiếu nữ vị thành niên bị bán làm cô dâu trên mạng xã hội lớn nhất thế giới là điều khó có thể tin được”. “Cách sử dụng công nghệ dã man này khiến ta nghĩ tới thị trường nô lệ của thế giới hiện đại”, ông nói thêm.

Cô gái Nyalong Ngong Deng, 16 tuổi, trong lễ cưới hôm 3-11. Ảnh: Times

Cô gái Nyalong Ngong Deng, 16 tuổi, trong lễ cưới hôm 3-11. Ảnh: Times

Xóa khỏi Facebook 15 ngày sau khi được đăng

Facebook cho biết, bài đăng đấu giá cô gái được đưa lên mạng xã hội này vào ngày 25-10 và Facebook đã xóa bài đăng vào ngày 9-11, tức 15 ngày sau đó. “Bất kỳ hình thức buôn người nào - cho dù là bài đăng, trang, quảng cáo hoặc nhóm đều không được phép trên Facebook. Chúng tôi đã xóa bài đăng và vô hiệu hóa vĩnh viễn tài khoản đã đăng bài này lên Facebook”, một phát ngôn viên của Cty cho biết. “Chúng tôi đã cải tiến các phương pháp mà chúng tôi sử dụng để xác định vi phạm chính sách Facebook, trong đó có việc tăng gấp đôi đội ngũ an toàn và an ninh lên hơn 30.000 người và đầu tư nhiều hơn về công nghệ”, phát ngôn viên này cho biết thêm.

Tuy nhiên, CNN phát hiện ra rằng, Voice of America (VOA) đã đăng bài viết chi tiết cuộc đấu giá của cô gái 16 tuổi vào ngày 6-11, 3 ngày trước khi Facebook xóa bài đăng. Nhưng theo một nguồn tin quen thuộc với quy trình xóa bài của Facebook, mạng xã hội này không biết bài viết của VOA và đã không xóa bài đăng cho đến khi một ấn phẩm địa phương đề cập đến cuộc đấu giá này ngày 9-11. Lúc đó, cô gái đã kết hôn.

Trách nhiệm bảo vệ quyền phụ nữ

Theo ông Otim, việc bán con lấy tiền là một phần của nền văn hóa của Nam Sudan, nhưng trong trường hợp này nó “đã được đưa đến một cấp độ khác vì công nghệ”.

Hiệp hội Nữ Luật sư Quốc gia Nam Sudan (NAWL) cho rằng cuộc đấu giá không phải do gia đình cô dâu đăng, mà được thực hiện bởi một người nào đó trong cộng đồng và gia đình được hưởng lợi từ cuộc “đấu thầu” này. “Một vài đồng nghiệp của chúng tôi đã liên lạc với mẹ của cô dâu và bà ấy không hài lòng về điều đó”, Suzy Natana, một luật sư tại NAWL cho biết. Bà cho biết thêm rằng, cuộc hôn nhân đã diễn ra vào ngày 3-11. Theo bà Natana, đây là mức giá cô dâu cao nhất từ trước tới nay tại khu vực này. Bà nói thêm rằng, NAWL phản đối việc đấu giá bởi vì “nó khiến cô gái giống một mặt hàng hơn là một con người”.

Equality Now, một tổ chức ủng hộ quyền bình đẳng giới, kêu gọi Facebook cải thiện hoạt động giám sát, bảo vệ quyền trẻ em và phụ nữ. Judy Gitau, điều phối viên khu vực Châu Phi của Equality Now cho biết: “Vi phạm nữ quyền ở Nam Sudan là vấn đề tiếp diễn, nhưng Facebook cho phép những vi phạm này được thực hiện là một vấn đề. Bà Gitau cho rằng Facebook có trách nhiệm bảo vệ các quyền của phụ nữ. “Họ nên tăng thêm nguồn nhân lực để giám sát trang mạng để đảm bảo rằng quyền phụ nữ, thực sự là quyền của mọi người, được bảo vệ”, bà Gitau nói.

Điều tra các quan chức

Plan International cũng đã kêu gọi chính phủ Nam Sudan điều tra và cách chức các quan chức tham gia đấu giá cô gái. “Kết hôn với trẻ em là vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền và là một hình thức bạo lực đối với trẻ em gái”, ông Otim cho biết trong một tuyên bố. “Nó có thể gây ra những hậu quả sâu sắc như mạng sống, sức khỏe, giáo dục, phát triển và hạnh phúc của đứa trẻ”, ông cho biết thêm.

Theo ông Otim, giải pháp để ngăn ngừa tình trạng kết hôn trẻ em cần thay đổi tập tục văn hóa và đưa trẻ em gái đi học, song cũng thừa nhận rằng, điều này “đòi hỏi rất nhiều nỗ lực để thay đổi” tập tục văn hóa.

Theo số liệu tháng 11-2017 của Quỹ nhi đồng trẻ em LHQ (UNICEF), 52% trẻ em gái ở Nam Sudan kết hôn trước 18 tuổi. Theo UNICEF, nghèo đói, bất ổn, chênh lệch giới tại Sudan là những nguyên nhân khiến các bé gái và gia đình cho rằng kết hôn là con đường giúp họ thoát nghèo.

AN BÌNH (Theo CNN)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_198596_facebook-hung-chi-trich-sau-vu-dau-gia-co-dau-tre-em.aspx