FAO: Báo động tình trạng suy thoái tài nguyên đất và nước trên toàn cầu

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), tình trạng căng thẳng tài nguyên đất và nước đang ở mức báo động, sau sự suy thoái nghiêm trọng trong thập kỉ qua. Đây được xem là những thách thức lớn đối với gần 10 tỉ dân số trên toàn cầu vào năm 2050.

Hiện nay, sự suy thoái đất do con người gây ra ảnh hưởng đến 34% (khoảng 1.660 triệu ha) đất nông nghiệp. Mặc dù, hơn 95% lương thực được sản xuất trên đất liền, nhưng vẫn có rất ít khả năng để mở rộng diện tích có thể tạo ra năng suất cao hơn.

Tổng Giám đốc FAO, QU Dongyu cho rằng, các mô hình sản xuất nông sản hiện nay không chứng minh được tính bền vững. Tuy nhiên, các mô hình này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm bớt những căng thẳng về tài nguyên đất và nước và đóng góp tích cực vào các mục tiêu khí hậu và phát triển.

Nếu thế giới tiếp tục sản xuất thêm 50% lượng lương thực cần thiết theo quỹ đạo hiện tại, có thể làm tăng 35% lượng nước rút khỏi nguồn nước mặt hoặc nước ngầm cho nông nghiệp. Điều đó có thể tạo ra những thảm họa về môi trường, gia tăng sự cạnh tranh về tài nguyên và tạo ra những thách thức và xung đột mới trong xã hội.

Sự suy thoái đất do con người gây ra ảnh hưởng đến 34% (khoảng 1.660 triệu ha) đất nông nghiệp.

Theo nghiên cứu của FAO, hơn 833 triệu ha đất bị nhiễm mặn trên toàn cầu, tương đương 8,7% diện tích hành tinh. Mỗi năm, 1,5 triệu ha đất canh tác bị nhiễm mặn. Thiệt hại năng suất nông nghiệp do đất nhiễm mặn ước tính 31 triệu USD/năm.

Một thế giới thiếu đất canh tác là một thế giới có rất ít sự phát triển. Thế nhưng khoảng 20-50% đất trồng trọt ở tất cả các châu lục đã trở nên quá mặn, tạo ra thách thức đáng kể cho hơn 1,5 tỉ người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bởi suy thoái tài nguyên đất là một trong những mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất đối với các vùng khô hạn và bán khô hạn, bởi đất tốt là điều kiện tiên quyết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Đất bị nhiễm mặn làm giảm năng suất nông nghiệp, chất lượng nước, đa dạng sinh học đất và xói mòn đất; Làm giảm cả khả năng cây trồng lấy nước và vi chất dinh dưỡng.

Trên thực tế, các khu đô thị chiếm không đến 0,5% bề mặt đất của Trái Đất, nhưng tốc độ phát triển nhanh chóng của các thành phố đã làm giảm đáng kể nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm và xâm lấn đất nông nghiệp. Chỉ trong 17 năm, từ năm 2000 đến năm 2017, sử dụng đất bình quân đầu người đã giảm 20%. Mặt khác, tình trạng biến đổi khí hậu cũng đang làm tăng vấn đề này, với các mô hình cho thấy vào cuối thế kỉ này, các vùng đất khô hạn trên toàn cầu có thể tăng tới 23% - chủ yếu ở các nước đang phát triển.

Việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đất và nước sẽ là chìa khóa để đạt được các mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với khí hậu. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, tình trạng khan hiếm nước hiện đang đe dọa 3,2 tỉ người sống trong các khu vực nông nghiệp. Theo số liệu của WRI cập nhật trên Bản đồ nguy cơ thiếu nước thế giới (Aqueduct Water Risk Atlas), tình hình thiếu nước sạch đang diễn biến phức tạp chủ yếu tại các vùng khô cằn Trung Đông và Bắc Phi, trong đó đáng chú ý là Qatar, Israel và Liban. Ấn Độ xếp thứ 13 trong số các quốc gia phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn nước. Nhưng với dân số hơn 1,3 tỉ người – cao gấp 3 lần tổng số dân ở 16 quốc gia khác trong danh sách, tình hình thiếu nước tại đây trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Trong khi đó, với nhu cầu về nước ngày càng gia tăng theo đà tăng trưởng dân số, lượng nước ngầm đang bị khai thác đang vượt xa khả năng phục hồi.

Chưa hết, với khoảng 2 tỉ tấn rác con người thải vào nguồn nước mỗi ngày, con người còn phải đối mặt với thách thức ô nhiễm nguồn nước ở khắp nơi trên thế giới. Mặc dù sự cải thiện về chất lượng nguồn nước có thể thấy ở vài khu vực, ô nhiễm nước vẫn đang gia tăng trên toàn cầu.

Trước những nguy cơ đó, FAO cho rằng việc mở rộng quy mô công nghệ và đổi mới là rất quan trọng để giải quyết những thách thức này. Thế giới cần tăng cường các hệ thống kỹ thuật số cung cấp dữ liệu cơ bản, thông tin và các giải pháp dựa trên khoa học cho nông nghiệp.

Đồng thời, quản lý đất đai và nước phải toàn diện và thích ứng hơn, để mang lại lợi ích cho hàng triệu nông dân sản xuất nhỏ, phụ nữ, thanh niên và người dân bản địa, những người dễ bị tổn thương nhất và đang đối mặt với tình trạng mất an toàn thực phẩm lớn nhất.

Có thể thấy, việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đất và nước sẽ là chìa khóa để đạt được các mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với khí hậu. Đặc biệt, sử dụng đất một cách thông minh có thể giúp loại bỏ 1/3 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ đất nông nghiệp.

Tại hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu vừa qua ở Scotland, các nhà khoa học cũng đã nêu bật vai trò quan trọng của sức khỏe đất trong việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như xây dựng khả năng chống chịu. Tại sự kiện này, FAO đã kêu gọi tất cả các quốc gia cần khẩn trương cải thiện năng lực và thông tin về đất của họ bằng cách đưa ra các cam kết mạnh mẽ hơn đối với việc quản lý đất bền vững.

Điều này không chỉ vì đất có khả năng lưu giữ đáng kể khí thải carbon mà còn giúp giảm thiểu các tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu như hạn hán, suy thoái và sa mạc hóa. Ngoài ra, đất khỏe và phì nhiêu còn là trọng tâm trong việc xây dựng hệ thống lương thực bền vững cho tương lai.

Tương tự như sự sống phụ thuộc vào nước và oxy, sự bền vững của hệ thống thực phẩm toàn cầu không thể bỏ qua tầm quan trọng của đất khỏe. Nói cách khác, giữ cho đất khỏe chính là cơ sở để hướng tới một tương lai bền vững.

Lan Anh (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/bao-dong-tinh-trang-suy-thoai-tai-nguyen-dat-va-nuoc-tren-toan-cau-61981.html