FDI ngành gỗ: Giám sát chặt để chống gian lận thương mại

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu đang tăng trưởng 'nóng', thể hiện ở việc tăng kim ngạch và dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

FDI ngành gỗ đang phát triển quá nhanh khiến lo ngại về nguy cơ gian lận thương mại tăng lên.

Thu hút FDI là điều rất cần thiết với ngành gỗ Việt, song dòng vốn FDI từ Trung Quốc đổ vào ào ạt khiến lo ngại về gian lận thương mại gia tăng. Vấn đề mấu chốt là, phải kiểm soát được dòng vốn này và thúc đẩy thu hút từ các quốc gia phát triển như Mỹ, EU…

Tăng trưởng quá nhanh

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 châu Á, sau Trung Quốc và là một trong 5 nước xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới. Năm 2019, dự kiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 11 tỷ USD, doanh thu tại thị trường nội địa đạt khoảng 3 tỷ USD. Đến nay, cả nước đã có 5.400 doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu gỗ, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 500.000 lao động.

Chính phủ và DN ngành gỗ đặt mục tiêu đạt tổng giá trị xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, ngành gỗ đang phải đối mặt với rủi ro về thị trường. Nguy cơ gian lận thương mại về xuất xứ sản phẩm ngày càng gia tăng, ảnh hưởng tới uy tín của sản phẩm gỗ nước ta trên thị trường thế giới.

FDI vào lĩnh vực chế biến gỗ tăng rất nhanh, nhất là từ năm 2018 trở lại đây. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp ngành gỗ có vốn FDI đăng ký mới trong 9 tháng năm 2019 là 67 dự án, tương đương cả năm 2018, với tổng số vốn đầu tư trên 581 triệu USD. Lượng vốn đăng ký của các dự án mới trong 9 tháng cao hơn 2,3 lần so với tổng vốn đăng ký cả năm 2018.

Sự mở rộng FDI trên cả 3 hình thức là các dự án đầu tư mới, dự án tăng vốn mở rộng sản xuất và góp vốn thông qua hình thức mua cổ phần. Vốn đăng ký trung bình dự án mới 9 tháng là 8,7 triệu USD. Con số tăng trưởng này một mặt là tín hiệu đáng mừng cho thu hút FDI tại Việt Nam nhưng cũng phần nào dấy lên lo ngại cho sự phát triển bền vững của ngành gỗ.

Theo Báo cáo giảm rủi ro để phát triển bền vững cho ngành gỗ Việt Nam, các loại ván, bao gồm ván bóc, ván lạng, ván dăm và gỗ dán là các mặt hàng nhập khẩu với lượng và giá trị tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Cụ thể, ván bóc, ván lạng có lượng tăng nhanh trong giai đoạn 2017-2018, với kim ngạch khoảng 120 triệu USD/năm, lượng nhập khẩu trên 165.000m3 sản phẩm. Tăng trưởng trong nhập khẩu các mặt hàng này vẫn được duy trì trong 9 tháng đầu năm 2019.

Ván dăm cũng có động lực tăng trưởng tương tự, với lượng nhập khẩu tăng nhanh, đạt trên 300.000 m3/năm, kim ngạch 60-70 triệu USD. Mặt hàng gỗ dán cũng có mức tăng trưởng cao, với lượng và kim ngạch nhập khẩu 9 tháng tương đương với trên dưới 80% kim ngạch của cả năm 2018.

Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 50/NQ-TW về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến hết 2030”.

Khi Nghị quyết này đi vào cuộc sống, sẽ làm thay đổi chất lượng của các dự án FDI, thu hút nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia phát triển, có thị trường, có tiềm lực lớn mạnh, có trình độ quản trị chuyên nghiệp, có công nghệ hiện đại, tiên tiến.

Đáng chú ý, tăng trưởng nhập khẩu diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu các loại ván này, đặc biệt là mặt hàng gỗ dán vào các thị trường như Mỹ và Hàn Quốc tăng nhanh. Về lý thuyết có thể có 3 nguyên nhân: Do cầu trong chế biến tăng, nhằm đáp ứng với nhu cầu tăng trong sản xuất phục vụ xuất khẩu; do tiêu thụ nội địa tăng và do gian lận thương mại.

FDI ngành gỗ: Cần chọn lọc kỹ

Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu trong danh sách các quốc gia đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam. Trong 9 tháng năm 2019, số dự án FDI từ Trung Quốc đầu tư mới vào Việt Nam là 40, chiếm gần 60% tổng số dự án đầu tư. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư của các dự án từ quốc gia này chỉ chiếm 23,5% trong tổng số vốn đầu tư đăng ký. Các dự án FDI từ Trung Quốc có quy mô nhỏ. Trong số 15 dự án có quy mô dưới 1 triệu USD đầu tư mới có đến 10 dự án từ Trung Quốc, tương đương 67%. Trong số này, có một nhà máy sản xuất ván tại Yên Bái, với vốn đầu tư đăng ký chỉ 23.000 USD.

“Nhiều nghiên cứu cho rằng, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi. Tuy nhiên, trong ngành gỗ, đã có một số tín hiệu cho thấy gian lận thương mại. Một số mặt hàng gỗ của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam, sau đó xuất khẩu vào Mỹ với nhãn mác của Việt Nam. Gian lận thương mại cũng có thể diễn ra dưới hình thức “đầu tư chui” hay “đầu tư núp bóng” với DN nước ngoài vào Việt Nam, thuê nhà máy, nhà xưởng, nhập khẩu hàng hóa sơ chế từ Trung Quốc vào sơ chế tại đây, sau đó xuất khẩu sản phẩm vào Mỹ với nhãn mác Việt Nam. Đây là những rủi ro rất lớn cho ngành gỗ của nước ta”, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia lâm nghiệp và thương mại gỗ đến từ Tổ chức Forest Trends, cảnh báo.

Nhà máy sản xuất ván sàn của Công ty Sao Nam (Bình Dương). Ảnh: Quốc Bảo

Theo bà Diêm Thị Luyến, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Junma Phú Thọ (DN 100% vốn Trung Quốc), Junma Phú Thọ đặt trụ sở chính tại tỉnh Phú Thọ. Đây là địa phương có ngành gỗ lâu đời, nguồn nguyên vật liệu vùng núi phía Bắc đưa về thuận lợi. Junma là DN FDI Trung Quốc, trước đây được hưởng nhiều ưu đãi. Bản thân DN cũng mong muốn rằng, khi FDI Trung Quốc hay FDI từ bất kỳ thị trường nào đầu tư vào Việt Nam cũng được chọn lọc kỹ. Đó là bởi, không phải FDI Trung Quốc nào sang Việt Nam nào cũng ẩn chứa nguy cơ gian lận. Cần có những chính sách bảo hộ để DN FDI yên tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Rà soát các hình thức đầu tư

Theo ông Tô Xuân Phúc, để phát triển bền vững, bên cạnh những việc làm quan trọng khác như, bền vững về nguồn nguyên liệu, nâng chất lượng nguồn nhân lực, thiết lập và tăng cường kết nối giữa 2 khối, ngành gỗ cần phải có những cơ chế, chính sách hữu hiệu để giảm các rủi ro trong đầu tư FDI.

Theo đó, Chính phủ cần thực hiện kiểm soát rủi ro trong FDI có thể bắt đầu bằng việc rà soát cả 3 loại hình đầu tư, bao gồm đầu tư mới, các dự án tăng vốn và mua cổ phần. Ưu tiên rà soát cần tập trung vào các dự án đầu tư mới, có quy mô nhỏ, đặc biệt là 15 dự án đầu tư mới năm 2019, bao gồm nhiều DN Trung Quốc, với vốn đăng ký dưới 1 triệu USD/dự án.

Việc rà soát cũng có thể mở rộng với các DN có quy mô vốn tương tự, đăng ký đầu tư năm 2018. Chính phủ sau đó có thể mở rộng việc rà soát với các DN có vốn đầu tư khoảng 1-3 triệu USD/dự án và một số dự án tăng vốn, mua cổ phần, tập trung vào các dự án sản xuất ván. Việc rà soát cần nhìn nhận vào các khía cạnh đầu vào của nguồn nguyên liệu và đầu ra của sản phẩm, công suất tiêu thụ nhiên liệu và tiêu thụ điện năng, sử dụng lao động.

Tiếp đến, Chính phủ cần thu thập thông tin về tình trạng “đầu tư chui”, “đầu tư núp bóng”. Các hiệp hội gỗ địa phương là một trong những kênh thông tin quan trọng và hữu hiệu để thu thập thông tin về các hình thức đầu tư này nhằm cung cấp cho các cơ quan quản lý. Chính phủ cần tạo kênh kết nối trực tiếp với đại diện các hiệp hội, nhằm cập nhật thông tin về thực trạng đầu tư, từ đó đưa ra các cơ chế, chính sách can thiệp kịp thời nhằm hạn chế rủi ro.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền đề xuất, Chính phủ cần có cơ chế cho phép các hiệp hội gỗ mở rộng thành viên của mình với các DN FDI nhằm giúp tăng cường trao đổi thông tin, từ đó góp phần giảm thiểu các xung đột lợi ích giữa các DN.

Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), cho rằng: Hiện, phần lớn sản phẩm gỗ xuất khẩu đi Mỹ đều đưa vào diện kiểm tra cơ sở sản xuất của DN, xác định xem DN đó có tồn tại, có nhà xưởng, trang thiết bị máy móc để sản xuất hay đó chỉ là DN “ma”, nhập khẩu hàng hóa về rồi lại xuất khẩu đi. Việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho mặt hàng gỗ xuất đi Mỹ đang chậm hơn so với các mặt hàng khác. DN lần đầu xin cấp bao giờ trung tâm cũng để lại để lên kế hoạch đi kiểm tra xác minh thực tế DN sau đó mới cấp C/O.

Vân Nhi

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/fdi-nganh-go-giam-sat-chat-de-chong-gian-lan-thuong-mai-post31947.html