FDI và khả năng hấp thụ

Thay vì con số đăng ký hàng tỷ USD, tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 3 tháng đầu năm 2010 sáng lên nhờ sự đột phá của một yếu tố quan trọng: vốn giải ngân.

Minh chứng cụ thể là trong 3 tháng đầu năm nay, tổng vốn FDI giải ngân đã lên tới 2,5 tỷ USD. Nếu chỉ xét riêng 1,4 tỷ USD vốn FDI giải ngân trong tháng 3 (tính đến ngày 20/3/2010) thì cũng có thể coi đó là một kỷ lục. Nói vậy là bởi lâu nay, giải ngân vốn FDI trung bình theo tháng thường được đặt mục tiêu khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ "tưng bừng" nhất của vốn FDI (năm 2006 đến nay), chưa năm nào, mục tiêu này đạt trọn vẹn. Hiện tại, năm 2008 vẫn đang giữ kỷ lục với mức giải ngân là 11,8 tỷ USD. Như vậy, trong lúc thị trường vẫn đang được cho là khá nhiều bất ổn, khi những tác động không thuận của các yếu tố chi phí và tài chính đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam khó khăn, thì một bộ phận doanh nghiệp FDI vẫn tận dụng được cơ hội hậu khủng hoảng. Cụ thể là trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu (không kể dầu thô) của khu vực này tăng 40% so với cùng kỳ năm 2009. Nhập khẩu của khu vực này cũng tăng mạnh với mức tăng trên 53% so với cùng kỳ. Một số tên tuổi lớn trong khu vực FDI đang tiếp tục công bố các kế hoạch mới như Piaggio cho ra sản phẩm mới; Compal đặt kế hoạch tái khởi động trong tháng 3… Chỉ riêng tại Đà Nẵng, Dự án Hyatt Regency Danang Resort & Spa trị giá 110 triệu USD của Indochina Capital, Dự án Khu nghỉ dưỡng Đà Nẵng Beach Resort có tổng vốn đầu tư trên 500 triệu USD với tổng diện tích là 260 ha của Tập đoàn VinaCpital sau thời gian chậm trễ cũng đang được đẩy tiến độ xây dựng… Những kế hoạch này chắc chắn sẽ tạo nên những hiệu ứng lan tỏa tích cực cho thị trường lao động, thị trường vật liệu xây dựng, nguyên phụ liệu… Tuy vậy, cũng phải nhắc tới khả năng hấp thụ chung của nền kinh tế đối với dòng vốn FDI. Giả sử tốc độ giải ngân tiếp tục được duy trì với mức tăng như 3 tháng đầu năm, có lẽ vấn đề lại chưa hẳn đáng mừng khi những ngưỡng giới hạn về khả năng giải phóng mặt bằng, thiếu lao động, khó khăn trong vận chuyển nguyên phụ liệu… sẽ lại xuất hiện trong các lý do chậm trễ của không ít dự án FDI. Đó là chưa kể những hệ lụy về thị trường, về môi truờng… nếu hàng loạt dự án trong lĩnh vực bất động sản, sắt thép ở khu vực miền Trung bừng dậy và giải ngân tấp nập. Rõ ràng, khả năng hấp thụ vốn FDI không thể chỉ là một phần của giai đoạn giải ngân như hiện nay, mà phải đặt ra ngay từ quá trình xem xét, chấp thuận dự án. Ở đây, cũng cần phải nhắc tới trách nhiệm của các cơ quan cấp phép, tới khả năng đáp ứng các yêu cầu trong quá trình giải ngân dự án. Hơn thế, khả năng đáp ứng này phải được đặt trong định hướng rõ ràng về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch dòng vốn FDI từ ngành công nghệ thấp sang ngành có giá trị cao hơn. Đặc biệt, chủ quyền đối với tài nguyên phải được xác định rõ ràng trong kế hoạch thu hút cũng như các nỗ lực hỗ trợ giải ngân vốn FDI. Quyền quyết định đầu tư phải được xác định rõ là thuộc về các nhà đầu tư, trong khi quyền sở hữu và định hướng sử dụng tài nguyên thuộc về Chính phủ Việt Nam. Như vậy, trong hợp đồng giao kết này, quyền lợi và trách nhiệm của các bên sẽ được đảm bảo. Khi đó, tình trạng "trách nhiệm của bên nọ là lý do ảnh hưởng đến trách nhiệm của bên kia" sẽ được xử lý. Ngoài ra, việc phân cấp, phân quyền trên cơ sở tiêu chí xác định rõ ràng, hệ thống giám sát chặt chẽ sẽ là động lực đẩy mạnh khả năng hấp thụ, tạo hấp lực tốt cho vốn FDI.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/dautuoda/9ad300f37f00000101c19dccf75a1837