Festival Huế 2018: 'Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển'

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp cùng càc bộ, ban, ngành, tổ chức họp báo giới thiệu Festival Huế năm 2018 với chủ đề: 'Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển'.

Ông Nguyễn Dung (thứ hai từ trái sang) chính thức giới thiệu về Festival Huế 2018.

Ông Nguyễn Dung (thứ hai từ trái sang) chính thức giới thiệu về Festival Huế 2018.

Tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ Văn hóa – Thể Thao và Du lịch, bộ Ngoại giao, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, đại diện các nhà tài trợ, đơn vị bảo trợ truyền thông và các cơ quan báo đài.

Ông Nguyễn Dung, Trưởng Ban tổ chức chính thức thông báo Festival Huế 2018 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế - 1 điểm đến 5 di sản” sẽ khai mạc vào ngày 27/4/2018 và bế mạc vào ngày 2/5/2018.

Festival Huế lần này có chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” vì lễ hội sẽ tập trung giới thiệu về những giá trị độc đáo của 5 di sản đã được UNESCO công nhận: Quần thể Di tích cố đô Huế (1993), Nhã nhạc Cung đình Huế (2003), Mộc Bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (2016). Và mới đây, Huế cùng với 09 tỉnh thành phố miền Trung đồng chủ sở hữu 1 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là Nghệ thuật Bài Chòi.

Festival Huế 2018 được đầu tư, dàn dựng công phu, quy mô cấp quốc gia và mang tính quốc tế. Trung tâm Đại Nội sẽ là hạt nhân của Festival với các sân khấu ngoài trời và trong nhà.

Nơi đây hội tụ hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Các đoàn nghệ thuật tiêu biểu của vùng miền Việt Nam, các nhóm nghệ sỹ xuất sắc của Hà Nội và TP. HCM cùng lực lượng văn công nghệ sĩ của Thừa Thiên - Huế cũng sẽ mang đến màn trình diễn kết hợp nghệ thuật truyền thống và đương đại.

Đặc biệt, điểm mới của Festival Huế năm 2018 là chương trình “Văn hiến kinh kỳ” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện. Đây là chương trình được dàn dựng hoành tráng, nhằm tôn vinh 5 di sản Văn hóa thế giới và kỷ niệm 25 năm quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Ngoài ra, nằm trong khuôn khổ Festival còn có nhiều chương trình đặc sắc, như: Liên hoan “Hát Văn, Hát Chầu văn toàn quốc”, lễ hội Áo dài, đêm nhạc Trịnh Công Sơn, chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng niềm tin” của Giáo hội Phật giáo, chương trình nghệ thuật đường phố “Sắc màu Văn hóa”, chương trình “Tình khúc Huế”,...

Bên cạnh đó, nhiều sự kiện lễ hội hưởng ứng Festival cũng đồng loạt được tổ chức, như: “Chợ quê ngày hội”, “Hương xưa làng cổ”, "Sóng nước Tam Giang", Lễ hội thiếu nhi “Sắc màu tuổi thơ”,...

Festival Huế 2018 là sự kế thừa và khẳng định sự thành công của các kỳ Festival trước đây; nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa của các quốc gia, nhằm tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giao lưu quốc tế và quảng bá những giá trị đặc sắc văn hóa Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/festival-hue-2018-di-san-van-hoa-voi-hoi-nhap-va-phat-trien-a352156.html