Festival Nghệ thuật Múa rối lần thứ I: Mãnh liệt lửa đam mê

Festival Nghệ thuật Múa rối 'Những ước mơ xanh' lần I đã khép lại và được đánh giá là thành công vượt mong đợi khi có sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ TP.HCM trong những ngày này công chúng đổ xô tìm đến 5 cụm sân khấu nhỏ để xem các vở diễn hấp dẫn như: Hồn quê (miêu tả cuộc sống nông thôn miền Bắc Việt Nam), Phượt cùng bà lão đánh cá, Giai điệu ký ức, Đại dương xanh

Hàng ngàn khán giả tập trung xem rối tại sự kiện

Từ Tây đến ta mê múa rối

Dù là loại hình rối dây, rối que hay rối nước, rối cạn hoặc rối hiện đại thì hễ sân khấu lên đèn lập tức hàng ngàn khán giả kéo đến vây quanh, từ trẻ nhỏ đến các bạn tuổi teen, người trung niên, khách nước ngoài đều chăm chú lắng nghe từng câu thoại, tiếng đàn của vở diễn. Đặc biệt mỗi tiết mục khi khép lại, công chúng tán thưởng bằng những tràng pháo tay giòn giã để cổ vũ các nghệ sĩ.

Anh David Thompson (du khách đến từ Anh) cho biết, dù đã đi nhiều quốc gia trên thế giới, xem nhiều show nghệ thuật về rối nhưng anh chưa thấy nơi nào mà rối phong phú như Việt Nam. Trong đó gây ấn tượng mạnh mẽ nhất với anh chính là loại hình “độc nhất vô nhị” - rối nước mà chỉ Việt Nam mới có. Qua đó cho biết qua festival lần này anh được mở rộng tầm mắt, đặc biệt hiểu thêm về nghệ thuật rối đặc sắc của Việt Nam, vừa mộc mạc giản dị như lại rất độc đáo và sâu sắc. Tương tự, khán giả Harry Trương (Việt kiều Mỹ) cho biết trong môi trường nghệ thuật của đồng bào người Việt ở hải ngoại từ ca múa, nhạc kịch… tưởng chừng món nào cũng có nhưng múa rối thì quả thật khan hiếm vô cùng, từ đây không giấu nổi niềm tự hào về quê hương Việt Nam với nền văn hóa đậm đà bản sắc đã sản sinh và lưu giữ nhiều bộ môn nghệ thuật độc đáo khiến những người con luôn tự hào.

Đánh giá về Festival lần này, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, Tổng đạo diễn chương trình cho biết, múa rối Việt Nam vừa có tính truyền thống vừa hướng tới hội nhập mà trong festival này các nghệ sĩ đã thể hiện rất tốt tinh thần đó. Từ đây, ông tin tưởng rằng thành công lần này sẽ tạo tiền đề cho những lần tiếp theo, nghệ thuật múa rối sẽ trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn, một thương hiệu văn hóa nghệ thuật, thu hút du khách đến với Phố đi bộ Nguyễn Huệ nói riêng và TP.HCM. Đồng thời hy vọng festival sẽ được tổ chức hằng năm, định kỳ để tạo thêm thương hiệu cho TP. Trong khi đó theo Ban tổ chức chương trình, sự kiện đã thật sự thành công khi không chỉ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu loại hình rối mà hơn hết là truyền ngọn lửa yêu nghề đến nhiều thế hệ kế thừa bộ môn này.

" Tin tưởng rằng thành công lần này sẽ tạo tiền đề cho những lần tiếp theo. Nghệ thuật múa rối sẽ trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn, một thương hiệu văn hóa nghệ thuật, thu hút du khách đến với Phố đi bộ Nguyễn Huệ nói riêng và TP.HCM. Đồng thời hy vọng festival sẽ được tổ chức hằng năm, định kỳ để tạo thêm thương hiệu cho TP." (Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên)

Cháy mãi lửa đam mê

Vừa diễn xong tiết mục rối tay Dê đen và dê trắng, nhận được hàng loạt tràng pháo tay kèm những tiếng reo hò động viên của khán giả, nghệ sĩ Minh Đức (thuộc Nhà hát Cánh Diều, Hà Nội) không giấu nổi niềm vui sướng lẫn tự hào.

Ít ai ngờ chàng nghệ sĩ trẻ sinh năm 1984 này đã có hơn mười năm gắn bó với nghề. Anh Đức chia sẻ, đến với rối chính là sự sắp đặt của số phận và “tổ nghề đã chọn mình”. Hơn hết dù biết rằng làm nghệ sĩ rối nghĩa là luôn nép sau cánh màn nhung để thổi hồn vào nhân vật, có khi khán giả xem xong chỉ nhớ đến “dê đen” hay “dê trắng” chứ nào biết người đã điều khiển các nhân vật đó là ai? Tuy nhiên anh tâm niệm đã đến với nghề rối thì xác định làm bằng cái tâm và tình yêu nghệ thuật, không màng danh tiếng, có như vậy sức sáng tạo của người nghệ sĩ rối càng nhiều hơn, phong phú hơn.

Nghệ sĩ Đặng Trí Đức, đạo diễn vở rối Sự tích con muỗi - đoàn rối TP.HCM cho biết, để có một tiết mục rối thành công không chỉ là sự góp sức của hàng chục anh em diễn viên, phối hợp làm sao cho ăn ý trong từ động tác, chuyển động của con rối mà còn là sự hỗ trợ của rất nhiều anh chị em khác trong khâu tạo hình, ánh sáng, âm thanh, kịch bản, lời thoại… tất cả đều làm hết mình với sự tập trung cao độ. Hơn hết cái đặc biệt của rối là không phải thuộc lời thoại hay diễn xuất (như kịch nói, phim) rồi diễn là xong mà đòi hỏi tinh thần tập thể để phối hợp rất cao, nếu một người trong đoàn sơ suất là xem như tiết mục hỏng. Do đó khi diễn phải tập trung cao độ làm sao vừa ăn khớp lại vừa làm cho vở diễn có hồn.

Nói về cơ duyên đưa anh đến nghề rối, người nghệ sĩ tài hoa nổi tiếng nhất nhì Việt Nam với tài vẽ tranh cát (từng vẽ minh họa tranh cát cho bài hát Nhật kí của mẹ, cũng như biểu diễn tại nhiều sự kiện lớn, chỉ dẫn các hoa hậu vẽ tranh cát để đi tranh tài quốc tế) cho biết hơn 40 năm gắn bó với nghề chưa bao giờ anh nghĩ sẽ kiếm tiền bằng nghề rối, thậm chí thu nhập chính của anh, sự nổi tiếng cũng đến từ nghề khác. Tuy nhiên anh chưa bao giờ có ý định bỏ nghề rối vì đây không chỉ là “cái nghiệp” mà còn là tình yêu mãnh liệt mà ai đã lỡ chọn rồi sẽ không thể tách rời.

Và chính tình yêu mãnh liệt với tấm lòng không vụ lợi ấy đã giúp anh cùng nhiều đồng nghiệp khác giữ mãi lửa yêu thương để bám trụ với nghề hôm nay và mai sau nữa…

KHẢI HOÀN

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-nghe/artmid/616/articleid/10009/festival-nghe-thuat-mua-roi-lan-thu160i-manh-liet-lua-dam-me