Festival 'Tôi tin tôi có thể' 2018: Tôn vinh giá trị của đa dạng văn hóa

Ngày 1 và 2-6, Festival 'Tôi tin tôi có thể' 2018 với chủ đề Tri thức bản địa – Mạch sinh nguồn sống được tổ chức tại Hà Nội.

Sự kiện được thực hiện bởi các đại diện của các cộng đồng người dân tộc thiểu số đến từ 15 tỉnh trên cả nước (Nhóm hành động vì sự phát triển của cộng đồng người H'Mông (AHD), Nhóm Tiên phong vì tiếng nói người dân tộc thiểu số, Mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Thái (VTIK) dưới sự tài trợ và hỗ trợ bởi tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam) và các tổ chức:

Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM), Tổ chức ChildFund, Trung tâm vì sự phát triển bền vững miền núi (CSDM), Liên minh Châu Âu (EU), Sứ quán Ireland, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và Tổ chức Plan Quốc tế.

Đại diện BTC chương trình "Tôi tin tôi có thể" 2018.

“Tôi tin tôi có thể” là chuỗi sự kiện được khởi xướng từ năm 2015, với thông điệp xuyên suốt “Không có văn hóa cao hơn hay thấp hơn, mà tất thảy là sự đa sắc hòa hợp”.

Sau 3 năm liên tiếp, “Tôi tin tôi có thể” được tổ chức tại Hà Nội, Lào Cai thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, giới chuyên gia nghiên cứu về văn hóa các dân tộc, cũng như các tổ chức quan tâm tới bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam.

Nụ cười rạng rỡ của những nhân vật truyền cảm hứng từ "Tôi tin tôi có thể" 2018.

“Tôi tin tôi có thể” năm 2018 với chủ đề Tri thức bản địa – Mạch sinh nguồn sống nhằm tôn vinh giá trị của đa dạng văn hóa và tầm quan trọng của trí thức bản địa, thúc đẩy sự tôn trọng, thấu hiểu và đoàn kết giữa các dân tộc.

Các vị khách mời tham gia buổi Tọa đàm Nghe từ xanh trong.

Bà Hoàng Thị Thu Hường, Viện phó Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho biết việc thay đổi cách thức và phương pháp tiếp cận bằng việc trao vào tay những người dân tộc thiểu số phương tiện để họ tự tìm hiểu, ghi nhận về phong tục, tập quán của địa phương mình đã giúp bà con dân tộc thiểu số tự hào với văn hóa của mình. Từ đó, họ tự tin, chủ động gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ.

Chương trình bao gồm Tọa đàm thanh niên, Tọa đàm "Nghe từ xanh trong" và Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại phố đi bộ hồ Gươm.

Hợp ca hoạt cảnh bài Ký ức Chòi sim của dân tộc Pakôh, Quảng Trị.

Tri thức bản địa của người dân tộc là những kiến thức được tích lũy qua thời gian và là nền tảng cho những quyết định của cộng đồng. Đây là những tri thức đã được chắt lọc rất kỹ lưỡng qua nhiều đời nên mang tính thực tế cao. Tri thức bản địa cũng là nguồn thông tin quý giá đối với người dân tộc thiểu số, giúp họ chủ động sử dụng các nguồn lực có sẵn, giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ bên ngoài.

Hồng Giang

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/festival-toi-tin-toi-co-the-2018-ton-vinh-gia-tri-cua-da-dang-van-hoa-116391.html