Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018: Nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống

Trong khuôn khổ Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018, ngày 29-11, tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Đây không chỉ là dịp giới thiệu đến du khách gần xa về những nét văn hóa truyền thống mà còn góp phần tạo môi trường thuận lợi để giao lưu văn hóa, tăng thêm sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn Tây Nguyên.

Các nghệ nhân trình diễn tạc tượng gỗ dân gian.

Các nghệ nhân trình diễn tạc tượng gỗ dân gian.

Từ sáng sớm, tại khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai và Bảo tàng Hồ Chí Minh, gần 150 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh: Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng và 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai tham gia trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát và dệt thổ cẩm. Với đôi tay tài hoa, mỗi nghệ nhân có cách thể hiện sáng tạo, độc đáo khác nhau mang đậm nét văn hóa truyền thống của từng vùng, từng dân tộc. Đặc biệt, màn trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian đã thu hút du khách thưởng ngoạn đông nhất. Các nghệ nhân, chỉ với rìu và xà gạc, những nhát bổ chắc chắn, từng hình khối dần hiện lên từ những thân gỗ vô tri. Không cầu kỳ về các tiểu tiết nhưng chỉ cần nhìn vào, nhiều người cảm nhận được tình cảm, ý tưởng của nghệ nhân gửi gắm vào từng tác phẩm. Từ bao đời nay, tượng gỗ (hay còn gọi tượng nhà mồ) được dựng trong những lễ pơ-thi (lễ bỏ mả) - lễ tiễn đưa người chết về với thế giới Atâu (thế giới người chết), không còn vướng bận, liên hệ nào với người thân nữa. Để chuẩn bị lễ pơ-thi, chủ nhà mời nghệ nhân đến nhà tạc tượng gỗ cúng người chết. Trước hết, nghệ nhân vào rừng chọn cây gỗ tạc tượng ưng ý, đưa về bên nhà mồ nơi chôn cất người chết. Nghệ nhân cứ thế dùng rìu, xà gạc tạc nên những tượng gỗ với thần thái, biểu cảm sinh động, gửi gắm nỗi lòng của cả một kiếp người. Khoa, nghệ nhân trẻ, (làng Choét 2, P. Thắng Lợi, TP Pleiku, Gia Lai) lần đầu tham gia trình diễn tạc tượng gỗ dân gian, tâm sự: "Đồng bào Gia Rai mình ở các làng vẫn còn làm tượng nhà mồ nhưng ở phố ít còn ai làm lắm. Ngoài việc khó tìm gỗ, người trẻ ít ai biết làm cả. Là nghệ nhân trẻ, mình mong muốn qua lễ hội sẽ giới thiệu đến mọi người nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, qua đó giao lưu, học hỏi với các nghệ nhân khác.

Cũng như tượng nhà mồ, dệt thổ cẩm, đan lát các vật dụng không chỉ tồn tại trong đời sống hàng ngày mà cũng là những tác phẩm mang đậm bản sắc riêng của từng dân tộc. May mắn, những năm qua, với sự chung tay của chính quyền địa phương đã giữ gìn, phát huy được những nét văn hóa truyền thống này. Từ những chất liệu có sẵn, như mây, nứa, bông, qua bàn tay của các nghệ nhân đã trở thành những vật dụng đậm tính nghệ thuật. Điều đặc biệt, mỗi hoa văn thể hiện trên các vật dụng của mỗi dân tộc cũng khác nhau, như: sử dụng trong từng buổi lễ, buổi cúng, thông qua những hoa văn đó như cầu nối giữa dân làng với Yang (trời) để dân làng gửi lời cầu xin sức khỏe, mùa màng bội thu... Nghệ nhân Đinh Thị Pinh (làng Kroi 1, xã Ya Hội, H. Đắc Pơ, Gia Lai) cho biết: "12 tuổi mình đã biết dệt thổ cẩm, lúc đầu dệt nhỏ thôi rồi dệt lớn hơn. Dệt một tấm áo, váy có khi mất 2 tuần đến cả tháng. Người Ba Na mình có những hoa văn riêng biệt so với những dân tộc khác. Có lúc trong làng mình không còn mấy ai dệt nữa vì quần áo may sẵn bán rẻ mà, nhưng giờ bà con đã quay lại với truyền thống. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện và những sản phẩm này cũng được bán cho khách du lịch nên bà con mình yên tâm làm nên những chiếc áo, chiếc váy mang đậm bản sắc của dân tộc mình".

Từ đôi bàn tay khéo léo, cần mẫn, những vật dụng từ mây, tre trở thành các tác phẩm nghệ thuật.

Cùng ngày, tại Quảng trường Đại đoàn kết (TP Pleiku), Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai tổ chức triển lãm tranh, ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp họa sĩ Xu Man với chủ đề "Họa sĩ Xu Man, những gì còn lại...", giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của họa sĩ Xu Man được thể hiện ở 150 tác phẩm tranh của ông, được những người yêu mến sưu tầm. Xu Man tên thật là Siu Dơng, sinh năm 1925 tại Gia Lai và mất năm 2007. Ông không chỉ là lứa họa sĩ đầu tiên thành danh của Gia Lai mà còn được ví là "cánh chim đầu đàn" của mỹ thuật Tây Nguyên. Điều ấn tượng trong tranh của cố họa sĩ Xu Man là những gam màu gốc, tươi sáng và hồn hậu, nồng nhiệt như chính tính cách của ông. Dù không giỏi về tranh chân dung nhưng về phong cảnh, màu sắc, khó có họa sĩ Tây Nguyên nào qua được ông. Đặc biệt, trong tranh của ông, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn gần gũi, thân thương giữa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên được ông chuyển tải trong hàng trăm tác phẩm. Năm 2012, họa sĩ Xu Man được truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm: Bác Hồ với tình yêu Tây nguyên, Bác Hồ với Tây Nguyên, Ngày hội trên Tây Nguyên và Bình minh trên núi rừng Tây Nguyên.

MINH TÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_198912_festival-van-hoa-cong-chieng-tay-nguyen-2018-nhie.aspx