Festival Văn hóa truyền thống Việt và Giao lưu văn hóa quốc tế 2019

Festival Văn hóa truyền thống Việt và Giao lưu văn hóa quốc tế 2019 khai mạc hôm nay (5/4) tại khu Di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Đây là sự kiện thường niên được tổ chức nhân ngày giỗ của Vua Lý Thái Tổ (ngày 3/3 Âm lịch hằng năm) người khai lập nên Hoàng thành Thăng Long. Festival năm nay được tổ chức với các mục tiêu: Bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống; Lưu giữ, tái hiện nét văn hóa xưa tới giới trẻ; Giao lưu văn hóa dân tộc với bạn bè quốc tế; và Xây dựng tình hữu nghị văn hóa quốc tế.

Với những mục tiêu đó. Lễ hội được tổ chức với chương trình bài bản và quy mô, với mục đích thổi lửa văn hóa vào hồn dân tộc một cách tinh tế bao gồm yếu tố Văn hóa - Chính trị - Giao thương quốc tế.

Diễn ra từ ngày 5/4 đến 9/4, ngoài những triển lãm giới thiệu sản phẩm của Việt Nam thì Lễ hội có sự tham gia đặc biệt giao lưu văn hóa và kinh tế của 30 đại sứ quán các nước. Trong đêm đầu tiên, tổ chức Festival Khai mạc văn hóa ba miền với những tiết mục độc đáo do đạo diễn Vạn Nguyễn và nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên biên soạn, trong đó phản ánh những giá trị truyền thống dân tộc.

Xuyên suốt 5 ngày với quy mô lớn, ngoài những thiết kế quang cảnh lung linh nhưng mang nét Việt, Lễ hội còn lồng ghép các buổi trình diễn trang phục truyền thống của nhà thiết kế Áo dài Sen, trình diễn trang phục và tìm kiếm "thiên tài nhí"; tôn vinh nữ doanh nhân tài sắc. Các tác phẩm đều mang câu chuyện hấp dẫn từ các đạo diễn gạo cội cùng các diễn viên tài năng.

Lễ hội còn có những hội thảo và tọa đàm văn hóa phong thủy, nghi lễ thờ cúng, nghi lễ đạo Mẫu, nghi thức chầu văn, hầu đồng. Lễ hội được dàn dựng công phu, mô phỏng, tái hiện cảnh làng cổ, chợ xưa, cây tre, giếng nước, mái đình, làng nghề, hoàng cung, con đường nón và các loại hình văn hóa dân gian…

Ngoài ra, Lễ hội còn là loại hình kết nối tinh hoa văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế, thể hiện ở nhiều gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm nhằm quảng bá hình ảnh và khẳng định hơn nữa sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam đối với bạn bè quốc tế; đồng thời, tạo cầu nối cho các doanh nghiệp tham gia giao thương kết nối và phát triển nền kinh tế nước nhà. Đây là sự kiện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc tới cộng đồng. Chương trình cũng là dịp tri ân, báo công, tưởng nhớ công đức tới hồn thiêng sông núi và các bậc tiền nhân đất Việt.

Trưởng Ban Tổ chức Hồ Như Quỳnh cho biết, đây là lễ hội mà bà dành nhiều tâm huyết, với mong muốn xây dựng văn hóa đất nước và phát triển tốt giá trị di sản Việt Nam. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để Lễ hội thành công tốt đẹp và mang lại tiếng tăm tốt cho nền văn hóa nước nhà” - bà khẳng định.

Lễ hội là nơi hội tụ gần 300 doanh nghiệp đến từ 63 tỉnh, thành trong cả nước với 300 gian hàng tiêu chuẩn và Ban Tổ chức dự kiến sẽ thu hút khoảng 80.000 đến 100.000 lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan lễ hội.

Dưới đây là một số hình ảnh trong ngày khai mạc Lễ hội do phóng viên Báo Thế giới & Việt Nam ghi nhận:

Tại gian hàng nhà thiết kế Áo dài Sen. (Ảnh: Trung Hiếu)

Tại khuôn viên Lễ hội, du khách có nhiều cơ hội thưởng thức thực phẩm, đồ uống. (Ảnh: Trung Hiếu)

Một gian hàng gỗ mỹ nghệ đến từ tỉnh Bình Định. (Ảnh: Trung Hiếu)

Gian hàng gỗ trầm hương và đồ mỹ nghệ đến từ Quảng Nam. (Ảnh: Trung Hiếu)

Gian hàng đá mỹ nghệ đến từ thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Trung Hiếu)

Du khách nước ngoài tại Lễ hội. (Ảnh: Trung Hiếu)

Ngày khai mạc Lễ hội thu hút rât đông du khách. (Ảnh: Trung Hiếu)

Trung Hiếu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/festival-van-hoa-truyen-thong-viet-va-giao-luu-van-hoa-quoc-te-2019-91379.html