FGM-148 Javelin Mỹ không có cơ hội tấn công T-90A

Nhà sản xuất vừa công bố những thông tin chi tiết về sức mạnh của FGM-148 Javelin cho thấy, rất khó để tên lửa này có thể tấn công được T-90A Nga.

Cụ thể, hãng sản xuất Lockheed Martin và Raytheon tiết lộ, FGM-148 Javelin thiết kế tấn công tiêu diệt mọi xe tăng, xe bọc thép và kể cả công sự phòng ngự trên mặt đất của đối phương. Tổ hợp gồm 2 thành phần chính: khối điều khiển CLU và đạn tên lửa.

Trong chiến đấu, chỉ cần 2 người để triển khai hệ thống gồm một người bắn và một người vác đạn. Đạn tên lửa nặng 11,8kg, dài 1,1m, đường kính thân 127mm đặt trong ống phóng để bảo vệ khỏi sự hư hỏng từ môi trường.

Tên lửa Javelin.

Tên lửa Javelin.

Nó được lắp đầu đạn kiểu 2 đầu nổ chuyên trị giáp phản ứng nổ (ERA) trang bị trên xe tăng hiện đại (nghĩa là, đầu nổ thứ nhất sẽ kích hoạt khối giáp ERA bên ngoài để lộ ra lớp giáp chính xe tăng để đầu nổ 2 xuyên phá).

Tên lửa dùng cơ cấu phóng "mềm", dùng liều phóng phụ đưa quả đạn ra khỏi ống phóng. Ở cự ly an toàn cho xạ thủ, động cơ chính tên lửa mới kích hoạt bay tới mục tiêu.

Với cơ cấu phóng này, luồng phản lực khi quả đạn rời bệ phóng rất nhỏ, đảm bảo an toàn hơn cho xạ thủ và người xung quanh. Tên lửa đạt tầm bắn hiệu quả 75m tới 2.500m, tầm bắn tối đa gần 5.000m.

Điểm nhấn của tên lửa Javelin ở hệ thống dẫn đường, đây là đạn tên lửa chống tăng đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ đầu tự dẫn ảnh nhiệt. Với công nghệ này, sau khi ấn nút phóng, đạn tên lửa tự động bay tới mục tiêu mà không cần xạ thủ theo sát như thế hệ tên lửa chống tăng 1,2.

Với công nghệ sử dụng đầu tự dẫn lắp trên quả đạn, xạ thủ sau khi ấn nút phóng kịp rút lui ẩn nấp ở vị trí an toàn tránh địch phản kích. Còn khối điều khiển CLU nặng 6,4kg được tích hợp thiết bị để tìm kiếm, phát hiện và khóa mục tiêu. Khối điều khiển này được dùng đi dùng lại nhiều lần.

Trong chiến đấu, xạ thủ sẽ sử dụng hệ thống ngắm hồng ngoại trên khối điều khiển CLU để tìm kiếm, xác định mục tiêu sau đó chuyển sang hệ thống hồng ngoại độc lập của tên lửa để thiết lập khóa mục tiêu.

Đặc biệt, xạ thủ có thể chọn 2 cách bắn gồm: bắn thẳng trực diện mục tiêu hoặc bắn bổ bổ nhào 45 độ tấn công nóc xe tăng – xe bọc thép (đấy là nơi bọc giáp mỏng nhất trên xe tăng).

Ngoài ra, việc triển khai tên lửa khá dễ dàng chỉ có khối điều khiển và đạn tên lửa. Sau khi bắn, xạ thủ chỉ cần giữ lại khối điều khiển.

Trong khi đó, một số hệ thống chống tăng của Nga còn bao gồm cả giá đỡ ba chân, khối điều khiển, khối thiết bị ngắm nên việc triển khai, thu hồi mất nhiều thời gian hơn.

Điều đặc biệt theo tiết lộ của nhà sản xuất là tổ hợp này có thể khai hỏa với tốc độ tối đa là 3 quả chỉ trong 2 phút.

Căn cứ vào những thông tin chi tiết về Javelin, giới chuyên gia cho rằng sẽ rất khó nếu không muốn nói là không thể để tên lửa này tấn công được tăng T-90A bởi những đặc điểm thiết kế của bản thân tên lửa Mỹ và xe tăng Nga.

Xe tăng T-90A của Nga.

Cụ thể, T-90A được trang bị bộ đèn gây nhiễu OTShU-1-7 thuộc hệ thống phòng vệ chủ động Shtora-1. Đây là một tổ hợp phòng vệ mềm, có khả năng đánh bại tất cả các loại tên lửa chống tăng có điều khiển.

Kết cấu tổ hợp gồm các cảm biến laser xung quanh tháp pháo để thu tín hiệu khi xe bị hệ thống chỉ thị bằng hoặc đo xa laser chiếu đến, báo hiệu việc đang bị ngắm bắn.

Khi phát hiện đe dọa, máy tính trung tâm sẽ điều khiển các ống phóng đạn khói ngụy trang để làm mất phản xạ laser và che mắt xạ thủ ATGM giúp xe rút lui.

Cuối cùng là 2 mắt đỏ OTShU-1-7 để làm giả bước sóng của đèn tín hiệu lắp ở đuôi tên lửa, khiến hệ thống điều khiển bắn bị nhầm lẫn, làm nó đưa ra chỉ dẫn sai khiến tên lửa hoặc lao đầu xuống đất, hoặc là bay lên trời.

Chưa dừng lại ở đó, chiến tăng T-90A còn sở hữu khả năng có 1 không 2 trên thế giới là tự động đáp trả đúng vào vị trí vừa khai hỏa chỉ sau vài giây khiến kíp chiến đấu địch chưa kịp rút.

Trong khi đó, tốc độ bắn tối đa của Javelin là 3 quả trong 2 phút. Và trong trường hợp quả đầu tiên bị vô hiệu, cơ hội để kíp chiến đấu bắn tiếp quả thứ 2 là gần như không còn.

Ngoài ra, chính tính năng tối tân lại là nhược điểm của dòng tên lửa do Mỹ sản xuất. Cụ thể, trên chiến trường, nếu có 3 xe hoặc cả đội hình tăng cơ động, vũ khí chỉ có thể diệt chính xác được 1 chiếc.

Lý giải cho điều này, một số chuyên gia cho rằng, nếu một chiếc bị bắn và bốc cháy sẽ tạo ra nguồn nhiệt lớn làm những quả đạn sau có thể bị thu hút và thay vì bắn vào mục tiêu tiếp theo, nó sẽ ngắm lại mục tiêu cũ.

Đây chính những lý do khiến giới chuyên gia cho rằng, việc dùng Javelin diệt cỗ tăng tối tân như T-90A là nhiệm vụ rất khó nếu không muốn nói kíp chiến đấu có thể phải trả giá bằng sinh mạng trước khi kịp khai hỏa.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/fgm-148-javelin-my-khong-co-co-hoi-tan-cong-t-90a-3400794/