FIFA World Cup: Kinh tế bóng đá - ai hơn, ai thiệt?

Cứ bốn năm một lần, và kéo dài trong khoảng thời gian gần trọn một tháng, cả thế giới như được 'hâm nóng' bởi sự phấn khích. Có thể nói, đầy đủ các cung bậc cảm xúc buồn, vui, giận, ghét - và cả những khoảnh khắc say sưa và say mê đều có ở lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh này.

Nhưng nói về một khía cạnh khác, khía cạnh kinh tế, để tổ chức FIFA World Cup 2018, nước chủ nhà Nga đã phải chi phí hàng tỷ USD để làm nên một mùa World Cup ấn tượng trong lòng những người yêu trái bóng trên toàn cầu. Còn Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) sẽ mang về hàng triệu USD lợi nhuận.

Và trong khi những người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới đều cảm thấy không gì vui hơn việc đánh đổi giấc ngủ đêm, để xem được đội bóng yêu thích của họ ghi bàn thắng, thì đã có những người khác thầm lặng bỏ ra rất nhiều tiền, để đổi lại rất rất nhiều tiền, hoặc rất ít tiền từ mỗi trận đấu hàng đêm diễn ra ở nước Nga.

Hãng tin AP dự tính, tác động kinh tế của giải đấu có thể thúc đẩy GDP của Nga lên khoảng từ 26 – 30 tỷ USD vào năm 2023. (Nguồn: Financialexpress)

Được biết, ngân sách chính thức mà Nga phê duyệt để đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, sân vận động và nơi lưu trú phục vụ vòng chung kết World Cup 2018 là 683 tỉ Ruble (khoảng 11 tỉ USD). Nhưng theo tính toán của Cổng thông tin kinh doanh RBC (Nga), tổng chi của Nga cho giải đấu này có thể lên đến 883 tỉ Ruble (khoảng 14,2 tỉ USD). Đây là mức chi kỷ lục của một nước chủ nhà trong lịch sử các kỳ World Cup.

Associated Press dự tính, tác động kinh tế của giải đấu có thể thúc đẩy GDP của Nga lên khoảng từ 26 – 30 tỷ USD vào năm 2023. Ngân hàng Nordea Bank Danmark (Đan Mạch) cho rằng, World Cup 2018 sẽ giúp GDP của Nga tăng trưởng thêm 0,3% mỗi năm, trong vòng 2 – 3 năm tới nhờ lượng khách du lịch tăng.

Còn nhà phân tích kinh tế Sergei Drobyshevsky dự báo, GDP của Nga sẽ tăng thêm 0,2% trong khoảng thời gian từ tháng 4/2018 đến tháng 9/2018 nhờ các hiệu ứng từ World Cup. Khách sạn, nhà hàng và các cửa hàng lưu niệm sẽ được hưởng lợi nhiều nhất nhờ các mức giá dịch vụ và hàng hóa cao hơn thường lệ. Drobyshevsky cho rằng, các fan bóng đá sẽ đóng góp cho nền kinh tế Nga khoảng 3 tỉ USD trong thời gian diễn ra World Cup.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Dmitry Kulikov lại cho rằng, hiệu ứng World Cup sẽ tan biến gần như ngay lập tức sau trận chung kết World Cup. Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody's (Mỹ) cũng nhận định rằng các lợi ích kinh tế mà Nga nhận được nhờ đăng cai World Cup là “rất hạn chế” và “tồn tại trong trong thời gian ngắn”.

Theo báo cáo của Moody’s, các fan bóng đá sẽ đóng góp cho GDP danh nghĩa của 11 thành phố - nơi diễn ra các trận cầu trong vòng chung kết World Cup 2018 chỉ 1-2%. “Sự khuyến khích kinh tế liên quan đến World Cup quá bé nhỏ so với quy mô nền kinh tế 1.300 tỉ USD/ năm của Nga”, báo cáo của Moody’s nhận định.

Bởi vì, Moody’s cho rằng, dù các công tác chuẩn bị nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng có một tác động nào đó, nhưng chúng sẽ không giúp củng cố tăng trưởng dài hạn vì các ngành được hưởng lợi như du lịch, khách sạn, thương mại và vận tải không phải là động lực chính trong hầu hết các khu vực này.

Trong khi đó, FIFA dự tính sẽ kiếm được khoảng 6 tỷ USD doanh thu trong năm nay. Và ngay cả khi giải đấu này là nguồn thu nhập chính của FIFA, thì con 6 tỷ USD đó vẫn bị cho là chưa thể thống kê đầy đủ những gì mà FIFA sẽ nhận được. Còn các công ty trên khắp thế giới dự kiến sẽ tăng chi tiêu cho quảng cáo lên tới 2,4 tỷ USD, bất chấp sự vắng mặt của hai đội tuyển đại diện cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Trong đó, khoản doanh thu từ bản quyền truyền thông đã vượt qua doanh số bán vé và trở thành nguồn thu chính đối với các nhà tổ chức World Cup. Thông qua một số doanh nghiệp, FIFA bán bản quyền phát sóng sự kiện thể thao này cho các hãng truyền thông trên khắp thế giới. Tùy theo thương lượng, bản quyền phát sóng có thể dưới dạng một gói duy nhất cho một lãnh thổ hoặc được chia theo các loại quyền và phương tiện liên quan.

Tùy theo từng quốc gia, tiền bản quyền phát sóng World Cup là khác nhau. Điển hình, đối với World Cup 2018, kênh ESPN và FOX đã chấp nhận chi 400 triệu USD cho bản quyền phát sóng tiếng Anh. Trong khi nhà đài CCTV của Trung Quốc mua trọn gói bản quyền với mức giá hơn 155 triệu USD. Tại Thái Lan, con số này là 44 triệu USD. Ở Singapore, để mang World Cup về đảo quốc sư tử, ba hãng viễn thông gồm Mediacorp, Singtel và StarHub đã phải trả 18,8 triệu USD.

Minh Anh

(theo Financialexpress, Reuters, Bloomberg)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/fifa-world-cup-kinh-te-bong-da-ai-hon-ai-thiet-73228.html