Fintech – công nghệ tài chính cho vùng sâu, vùng xa

Ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã có tác động mạnh mẽ tới lĩnh vực tài chính - ngân hàng, trong đó phải kể đến việc ứng dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ vào các nghiệp vụ và giao dịch tài chính, phát triển ngân hàng số, làm hồ sơ tín dụng, tiết kiệm online,... gọi chung là Fintech (giải pháp công nghệ cho lĩnh vực tài chính).

Một buổi hội thảo của Tổ chức Tài chính vi mô Thanh Hóa hướng dẫn công nghệ tài chính tới khách hàng. Ảnh: Tư liệu

Trong những năm gần đây, việc phát triển hệ thống tài chính toàn diện đã trở thành mục tiêu quốc gia của Việt Nam. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là thúc đẩy tiếp cận tài chính ở khu vực nông thôn, miền núi, nhóm dân cư thu nhập thấp. Một trong những giải pháp được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng nhằm “phá vỡ rào cản” về vốn cho phân khúc khách hàng này là sử dụng công nghệ tài chính (Fintech) để xóa bỏ khoảng cách về thời gian không gian cho các hộ vùng sâu, vùng xa. Một trong những đơn vị đang triển khai mô hình này hiệu quả là Tài chính vi mô Thanh Hóa (TCVM TH).

Kể từ năm 2015, Tổ chức TCVM TH đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tham khảo báo cáo thông tin tín dụng khách hàng trong quá trình xét duyệt cho vay, từ đó bắt đầu tham gia trao đổi thông tin tín dụng qua CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam) ngay từ những ngày đầu được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động.

Mặc dù sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang làm thay đổi khu vực tài chính, giúp tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính theo những cách thức sâu sắc, toàn diện hơn, nhưng “làm thế nào để áp dụng Fintech rút ngắn thời gian, không gian cho các hộ gia đình khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi được tiếp cận các dịch vụ tài chính dễ dàng” vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Trong năm 2020, TCVM TH đã hợp tác với Công ty Cannal Circle giới thiệu bộ ba Mini, Core B và Tizo giúp cán bộ tín dụng sử dụng máy tính bảng đi địa bàn, nhập dữ liệu ngay tại nhà khách hàng và từ đó thông tin cập nhật ngay trên hệ thống theo thời gian thực hiện. Hệ thống thông tin này được ứng dụng đầu tiên tại Tổ chức TCVM TH đã giúp giảm hồ sơ giấy tờ và tăng năng suất làm việc cho cán bộ tín dụng ít nhất 30%. Hệ thống chấm điểm tín dụng nhanh và sử dụng cùng lúc nhiều dữ liệu về lịch sử vay vốn của khách hàng giúp cán bộ tín dụng có được cái nhìn tổng quan, minh bạch và dễ dàng đưa ra tư vấn tài chính phù hợp cho khách hàng.

Bên cạnh đó, ứng dụng Tizo cài đặt trên điện thoại giúp kết nối khách hàng với Tổ chức TCVM TH bằng việc gửi yêu cầu vay, nhắn tin số dư tài khoản, nhận thông tin về sản phẩm dịch vụ,... Không chỉ dừng lại ở bộ ba ứng dụng do Canal cung cấp, TCVM TH còn tự nghiên cứu, phát triển hệ thống thông tin giúp đưa tất cả giao dịch hiện tại lên làm việc online trên website của mình.

Việc áp dụng công nghệ vào tài chính đã khẳng định những ưu thế vượt trội và một tương lai bền vững cho việc khơi dậy tiềm năng kinh tế cho khu vực nông thôn miền núi. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, bởi Fintech mang lại một số thách thức đối với thị trường về khuôn khổ pháp lý, an ninh mạng, bảo mật thông tin khách hàng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, môi trường và văn hóa kinh doanh.

Để giải quyết được vấn đề này, trước hết cần hoàn thiện hành lang pháp lý về Fintech tại Việt Nam. Đồng thời nghiên cứu thí điểm cho hoạt động ngân hàng đại lý, theo đó cho phép các tổ chức TCVM chính thức được mở tài khoản thanh toán để thúc đẩy việc thanh toán không tiền mặt tại khu vực nông thôn, miền núi. Bên cạnh đó, cần nỗ lực tổ chức mạng lưới, các buổi hội thảo, hoạt động ngành nhằm kết nối TCVM và các đối tác nhà tài trợ trong nước và quốc tế về lĩnh vực Fintech. Từ đó đưa ra hướng đi phù hợp để nâng cao năng lực cho các tổ chức TCVM về công nghệ, hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý thông tin hiện đại, thúc đẩy sự phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện của Chính phủ.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/fintech--cong-nghe-tai-chinh-cho-vung-sau-vung-xa/144527.htm