Fintech- kinh nghiệm tiếp cận từ Singapore

Fintech là việc tận dụng công nghệ mới, sáng tạo để tạo điều kiện hay tăng cường các dịch vụ tài chính như thanh toán, chuyển tiền, bảo hiểm, huy động vốn...

Những sản phẩm fintech phổ biến và được nhiều người biết đến đều đưa ra những giải pháp hoán đổi ngoại hối, chuyển tiền hay thanh toán hàng hóa dịch vụ trên mạng.

Các loại sản phẩm fintech

Một trong những sản phẩm fintech phục vụ thanh toán hàng đầu hiện nay là PayNow - dịch vụ chuyển tiền theo hàng ngang được tích hợp vào các nền tảng thanh toán liên ngân hàng kỹ thuật số, có sự tham gia của nhiều ngân hàng. PayNow đã có hơn 1,4 triệu người sử dụng và xử lý giao dịch hơn 900 triệu USD trong tháng 6 vừa qua, một con số ấn tượng bởi PayNow mới chính thức tung ra thị trường vào tháng 7 năm ngoái. Kể từ tháng 8-2018, khách hàng của PayNow có thể sử dụng dịch vụ để thanh toán các hóa đơn và nhận lương.

Ứng dụng fintech chào mời các dịch vụ cho vay đã lấn sang lãnh địa truyền thống của các đại gia ngân hàng. Những ứng dụng này có thể sử dụng các dữ liệu lớn (big data) hay trí thông minh nhân tạo (AI) để có thể thiết lập bức tranh chính xác hơn về mức độ tin cậy tín dụng của cá nhân nào đó. Như vậy, chúng có thể phục vụ đối tượng người vay tiềm năng nhưng lại không được các định chế tài chính lớn để ý đến.

Không thể bỏ qua các ứng dụng fintech thu hút khách hàng bằng cách đơn giản hóa những thủ tục rắc rối qua các giao diện thân thiện và mang tính trực quan. Tại Singapore, một startup mới ra mang tên Stashaway đã có ứng dụng “dụ” khách hàng nhập thông tin về mục tiêu tài chính cá nhân. Chẳng hạn như “10.000SGD trong vòng 5 năm” với đồ thị phát họa bằng AI, hay nhà tư vấn robot sẽ gợi ý khách hàng nên gửi vào ngân hàng hay đầu tư bao nhiêu tiền hàng tháng. Các ứng dụng khác là dịch vụ bảo hiểm, giao dịch tiền điện tử và các nền tảng gọi vốn cộng đồng.

Một hội thảo về Fintech dành cho khách hàng trẻ tuổi của OCBC.

Một hội thảo về Fintech dành cho khách hàng trẻ tuổi của OCBC.

Vai trò quốc gia và đầu tàu khu vực
Các giải pháp fintech không bị hạn chế bởi không gian địa lý, doanh nghiệp có thể tiếp cận với khách hàng trên toàn cầu. Ở bình diện rộng hơn, quốc gia nào biết cách khai thác tiềm năng của fintech sẽ tạo đà kinh tế tăng trưởng.

Tỷ lệ tiếp nhận fintech của Singapore có khả năng đạt 56% nhờ vào việc tuyên truyền rộng rãi và lòng tin của người dân đối với hệ sinh thái fintech, cũng như nguồn nhân lực được đào tạo bài bản phù hợp với nhu cầu thị trường và khả năng quản lý điều hành chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
Ông Liew Nam Soon, Hãng kiểm toán EY

Theo báo cáo của Hãng kiểm toán KPMG mang tên “Nhịp đập fintech” công bố vào tháng 2 vừa rồi, Singapore đã đạt đến con số tài trợ cho fintech lên đến 229,1 triệu USD, cao nhất khu vực ASEAN. Quả thật, với vị thế của một trung tâm tài chính lớn trong khu vực, cùng lực lượng lao động trình độ cao và hạ tầng công nghệ vững chắc, Singapore có đầy đủ khả năng trở thành đầu tàu cho phát triển fintech trong khu vực.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện đã có hơn 400 công ty fintech có mặt trên đảo Sư tử, và con số này sẽ không dừng lại ở đó theo tốc độ tăng trưởng hàng năm. Chính phủ Singapore cũng tiếp tục xây dựng một khuôn khổ pháp lý ổn định, rõ ràng và thân thiện cho hoạt động doanh nghiệp nói chung và fintech nói riêng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong vòng 5 năm tới, Singapore sẽ trở thành một trong những “thủ đô” fintech và kết nối chặt chẽ với các thành phố vệ tinh khác ở Ấn Độ, Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Thách thức nhân lực fintech
Xu thế bùng nổ của lĩnh vực fintech sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với các doanh nghiệp cần sử dụng nhân lực trong tương lai. Ngành ngân hàng sẽ cần tuyển nhiều kỹ thuật viên máy tính về lập trình, phát triển web, thiết kế giao diện và thiết kế trải nghiệm người dùng và phân tích dữ liệu để củng cố, tăng cường khả năng tiếp thị ngân hàng kỹ thuật số.

Theo một báo cáo thống kê về tình hình fintech trong khu vực ASEAN, chính phủ và ngân hàng nên hợp tác với các tổ chức đào tạo để đào tạo, phát triển kỹ năng và năng lực fintech. Tại Singapore và Hồng Công, sinh viên nhiều trường đại học đã có thêm nhiều chọn lựa trong ngành học của mình để tiếp cận và trang bị kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế kỹ thuật số.

Có thể là lo lắng thái quá nhưng không loại trừ nguy cơ công nghệ AI sẽ thay thế con người trong lĩnh vực tài chính, cũng như robot thay thế công nhân trong nhà máy. Tại Singapore, theo thống kê mới nhất trong năm ngoái, khu vực tài chính chiếm tỷ trọng 12% nền kinh tế và sử dụng đội ngũ nhân lực khoảng 200.000 người.

Và như vậy, bất cứ biến động nào về nhân lực trong ngành tài chính sẽ ảnh hưởng đáng kể đến toàn bộ nền kinh tế. Vì thế, tháng 10 năm ngoái, chính phủ Singapore đã công bố lộ trình chuyển đổi khu vực tài chính để khai thác tiềm năng tăng trưởng từ fintech.

Theo đó, hàng năm Singapore sẽ cố gắng tạo ra 3.000 công ăn việc làm trong ngành dịch vụ tài chính, chưa kể đến1.000 việc làm khác liên quan đến fintech. Trong bối cảnh đó, các mô hình kinh doanh dịch vụ tài chính sẽ thay đổi và người lao động phải có tư duy thích ứng là luôn học hỏi, tiếp thu kiến thức và kỹ năng mới phục vụ yêu cầu công việc.

Kinh nghiệm tiếp cận
Kể từ năm 2016, chính phủ Singapore đã đưa ra nhiều sáng kiến và tạo môi trường cho các ngân hàng và các công ty startup về fintech thử nghiệm công nghệ mới trong một không gian an toàn.

Để giúp các công ty fintech nội địa và nước ngoài lập cơ sở kinh doanh trên đảo Sư tử, tháng 10-2016, chính phủ đã thành lập cơ quan chuyên trách fintech office, một đơn vị xử lý thông tin trên mạng gồm nhiều cơ quan chức năng của chính phủ, trong đó có Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS), Cục Phát triển Kinh tế (EDB), Cục Phát triển Truyền thông Thông tin và Cục Phát triển Doanh nghiệp Singapore (ES).

Văn phòng dịch vụ một cửa này tư vấn các công ty fintech mới ra đời về các chương trình hỗ trợ vốn của chính phủ liên quan đến fintech, giúp họ hiểu và chia sẻ với cộng đồng kinh doanh về các quy chế luật lệ cập nhật về fintech trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Tiếp theo, tháng 8-2016 MAS đã mở thêm Phòng thí nghiệm sáng tạo fintech nhằm tạo ra không gian chung cho cộng đồng fintech để giao lưu, cộng tác và cùng tạo ra những sản phẩm mới.

Sau đó 2 tháng MAS công bố những hướng dẫn về fintech với những cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích các công ty fintech thí điểm các sản phẩm tài chính không phải lo lắng về rủi ro pháp lý nếu vi phạm các quy định hiện hành. Dù vậy, chính phủ Singapore hiểu được rằng đảo quốc Sư tử vẫn còn thua kém nhiều quốc gia khác trong việc khai thác các cơ hội từ fintech.

Theo một công trình nghiên cứu của hãng kiểm toán EY thực hiện vào năm 2017 dựa trên 22.000 cuộc phỏng vấn trên mạng qua 20 thị trường khác nhau, tỷ lệ người tiêu dùng Singapore sử dụng fintech trong năm ngoái chỉ 23%, thấp hơn mức trung bình trên toàn cầu 33% và Trung Quốc 69%.
Công trình nghiên cứu nói trên cho thấy các nước đang phát triển và dân số cao với tỷ lệ người dân chưa sử dụng các dịch vụ ngân hàng thông thường sẽ có tỷ lệ tiếp nhận fintech khá cao.

Bởi lẽ người sử dụng chỉ cần điện thoại thông minh và kết nối internet là có thể tiếp cận dịch vụ fintech. Để thay đổi thói quen của người Singapore trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng truyền thống và chuyển sang tiếp nhận fintech, nhiều ngân hàng đã đưa ra nhiều biện pháp hạn chế khách hàng giao dịch tại quầy bằng cách thu thêm phí hoặc có các kênh thông tin và cổng xử lý giao dịch qua mạng, điện thoại hay trên các nền tảng ứng dụng.

Lê Hữu Huy

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/fintech-kinh-nghiem-tiep-can-tu-singapore-60304.html