Fintech nắm dữ liệu tín dụng khách hàng, rủi ro lớn khi hacker tấn công

Theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước đã nhận thức được những rủi ro của mô hình chấm điểm tín dụng và đang trong quá trình hoàn thiện các quy định để đưa ra cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, nhằm cân bằng giữa việc khuyến khích đổi mới sáng tạo và bảo vệ người tiêu dùng cũng như ổn định thị trường.

Công cụ then chốt cho thị trường cho vay tiêu dùng

“Chấm điểm tín dụng” là một trong 3 giải pháp tài chính công nghệ dự kiến được Ngân hàng Nhà nước(NHNN) cho phép thử nghiệm trong thời gian tới theo dự thảo mới nhất về Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, cùng với 2 giải pháp là chia sẻ dữ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Theo TS Phan Thanh Chung, Giảng viên Kinh tế, Đại học RMIT, chấm điểm tín dụng là một kỹ thuật thống kê được các nhà cho vay sử dụng để đánh giá rủi ro trong việc cho vay tiền đến người tiêu dùng và để giảm thiểu các khoản lỗ tiềm ẩn từ nợ xấu.

Tại Việt Nam, điểm tín dụng là một giá trị số đánh giá độ tin cậy của khách hàng trong việc trả nợ vay dựa trên lịch sử tín dụng với các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính. Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) chịu trách nhiệm duy trì và đánh giá những điểm này. Một điểm số cao hơn làm tăng khả năng được chấp thuận khoản vay, trong khi điểm số thấp hơn có thể cản trở quyền truy cập vào việc vay tài chính.

TS Phan Thanh Chung, Giảng viên Kinh tế, Đại học RMIT

TS Phan Thanh Chung cho rằng, điểm tín dụng mang lại lợi ích đáng kể cho nhiều loại hình tổ chức tài chính, bao gồm các ngân hàng thương mại, công ty tài chính tiêu dùng, các nhà phát hành thẻ tín dụng, các tổ chức tài chính vi mô (MFIs), các nhà cho vay trực tuyến, và thậm chí cả các công ty bảo hiểm.

Theo đó, các công ty bảo hiểm sẽ sử dụng điểm tín dụng để dự đoán khả năng có yêu cầu bồi thường, sử dụng chúng để thiết lập mức phí bảo hiểm và giới hạn bảo hiểm một cách chính xác hơn. Các nhà phát hành thẻ tín dụng dựa vào điểm tín dụng để xác định các điều kiện, thiết lập hạn mức tín dụng và gán lãi suất, ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược quản lý rủi ro và quan hệ khách hàng.

Đối với thị trường cho vay tiêu dùng, TS Phan Thanh Chung cho rằng điểm tín dụng là công cụ quan trọng và ngày càng trở nên then chốt để đánh giá rủi ro của người đi vay một cách nhanh chóng và chính xác, thúc đẩy các thực tiễn cho vay mục tiêu hơn và quy trình phê duyệt khoản vay hiệu quả.

Theo vị chuyên gia này, giải pháp công nghệ tài chính chấm điểm tín dụng giúp làm đơn giản hóa đáng kể quá trình cho vay bằng cách nâng cao hiệu quả trong ra quyết định và độ chính xác trong đánh giá rủi ro. Giải pháp này cung cấp một chỉ số định lượng về độ tin cậy và lịch sử tài chính của người đi vay, giúp các nhà cho vay nhanh chóng đưa ra các quyết định cho vay thông minh và nhất quán.

“Áp dụng giải pháp chấm điểm tín dụng cho phép phân khúc thị trường hiệu quả và tùy chỉnh các sản phẩm tài chính phù hợp với nhiều hồ sơ người tiêu dùng khác nhau. Các cá nhân có điểm tín dụng cao hơn ở Việt Nam thường được hưởng lãi suất thấp hơn và điều khoản tín dụng tốt hơn, khuyến khích hành vi tài chính tốt trong số người tiêu dùng”, TS Phan Thanh Chung cho biết.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

TS Phan Thanh Chung cho biết, việc tích hợp công nghệ số vào đánh giá tín dụng tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, được thúc đẩy bởi xu hướng chuyển đổi số rộng rãi trong các dịch vụ tài chính toàn cầu và nhu cầu nâng cao độ chính xác và hiệu quả của việc đánh giá tín dụng. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML) ngày càng đi đầu, cải thiện phân tích dự đoán để đánh giá khả năng tín dụng một cách chính xác và nhanh chóng hơn.

“Sự chuyển đổi này không chỉ làm tăng tốc độ xử lý mà còn mở rộng nguồn dữ liệu bao gồm các nguồn dữ liệu từ sử dụng điện thoại di động, thanh toán tiện ích và thậm chí hoạt động trên mạng xã hội. Việc sử dụng các nguồn dữ liệu đa dạng như vậy giúp tạo ra hồ sơ toàn diện hơn cho người vay, đặc biệt hữu ích trong thị trường như Việt Nam, nơi nhiều người có thể không có lịch sử tín dụng chính thức”, TS Phan Thanh Chung cho biết.

Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn dữ liệu lớn và đa dạng của khách hàng lại đem đến cho các công ty Fintech cung cấp giải pháp chấm điểm tín dụng rủi ro về rò rỉ dữ liệu.

TS Vũ Thị Hồng Nhung, Giảng viên Kinh tế, Đại học RMIT cho rằng việc nắm giữ nhiều dữ liệu khách hàng mang lại nhiều lợi ích cho các công ty Fintech trong việc chấm điểm tín dụng, nhưng cũng đặt ra nhiều rủi ro về bảo mật. Khi nắm giữ một lượng lớn dữ liệu cá nhân và tài chính, công ty Fintech có thể trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công mạng.

“Với các vụ tấn công mạng vào các doanh nghiệp lĩnh vực tài chính, chứng khoán cùng hàng loạt vụ mất tiền trong tài khoản gần đây, càng có cơ sở để cho thấy các công ty Fintech cần tích cực nâng cấp hệ thống. Ngoài ra, các sự cố kỹ thuật hoặc lỗi do người dùng cũng có thể dẫn đến việc tiết lộ thông tin cá nhân không chủ ý. Việc này không những gây hại cho khách hàng mà còn ảnh hưởng đến uy tín và đáng tin cậy của công ty Fintech”, TS Vũ Thị Hồng Nhung cho biết.

TS Vũ Thị Hồng Nhung, Giảng viên Kinh tế, Đại học RMIT

Theo bà, các quy định về bảo vệ dữ liệu như GDPR ở châu Âu hay các luật bảo vệ dữ liệu cá nhân ở nhiều quốc gia khác đòi hỏi các tổ chức phải tuân thủ nghiêm ngặt trong việc xử lý dữ liệu cá nhân. Vi phạm các quy định này có thể dẫn đến các hình phạt nặng nề.

Không chỉ tiềm ẩn rủi ro bảo mật, giải pháp chấm điểm tín dụng còn có nhiều rủi ro khác có thể ảnh hưởng tới cả thị trường và khách hàng. Theo đó, TS Vũ Thị Hồng Nhung cho biết, các mô hình chấm điểm tín dụng dựa trên thuật toán có thể vô tình tạo ra các quyết định tín dụng phân biệt đối xử, nếu các biến số được sử dụng phản ánh hoặc tăng cường các định kiến hiện có.

Ngoài ra, nếu các thuật toán chấm điểm tín dụng không được thiết kế hoặc cập nhật một cách cẩn thận có thể dựa trên dữ liệu lỗi thời hoặc không chính xác, dẫn đến các quyết định tín dụng sai lệch. Ngoài ra, việc thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng để chấm điểm tín dụng có thể xâm phạm quyền riêng tư nếu không được quản lý một cách chặt chẽ và minh bạch.

Theo TS Vũ Thị Hồng Nhung, các Fintech phải đảm bảo rằng hoạt động chấm điểm tín dụng tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu và tiêu chuẩn tín dụng công bằng. Việc vi phạm các quy định này có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Thêm vào đó, các công cụ chấm điểm tín dụng có thể được sử dụng để lạm dụng thị trường, chẳng hạn như thông qua các hành vi thao túng để tạo lợi thế không công bằng hoặc để gây ảnh hưởng tiêu cực đến một nhóm người dùng nhất định.

“Trong bối cảnh thiếu một khung pháp lý cụ thể điều chỉnh, các hoạt động của Fintech có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý, dẫn đến các vấn đề về ổn định và an toàn của hệ thống tài chính. NHNN nhận thức được những rủi ro này và đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định để đưa ra cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, nhằm cân bằng giữa việc khuyến khích đổi mới sáng tạo và bảo vệ người tiêu dùng cũng như ổn định thị trường”, TS Vũ Thị Hồng Nhung cho biết.

Hải Đường

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/fintech-nam-du-lieu-tin-dung-khach-hang-rui-ro-lon-khi-hacker-tan-cong-d109988.html