Florentino Perez, ông chủ quyền lực của Bernabeu

Những thành công đáng tự hào của câu lạc bộ hoàng gia Real Madrid trong những năm gần đây luôn gắn liền với tên tuổi của Florentino Perez. Dưới bàn tay của ông, câu lạc bộ đã trở thành một cỗ máy kiếm tiền và danh hiệu hoàn hảo: chỉ trong vòng 5 năm gần đây đã giành 4 chức vô địch Champions League và rõ ràng chưa có ý định dừng lại.

Perez thực sự là con người như thế nào? Làm sao ông có thể thành công xây dựng Real thành một đế chế quyền lực hàng đầu trong làng túc cầu thế giới?

Máu kinh doanh đã có trong huyết quản của Perez ngay từ lúc sinh ra. Cha của ông, vốn là chủ nhân của 2 cửa hàng bán hương liệu, đã dạy những đứa trẻ của mình cách xoay vòng vốn ngay từ nhỏ. Bản thân Perez ngay từ đầu không muốn làm thương gia. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Madrid với tấm bằng xuất sắc về chuyên môn kỹ sư cầu đường, Perez ban đầu vào làm việc tại Hội đồng thành phố của thủ đô Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, ông nhanh chóng hiểu ra, công việc tại một cơ quan nhỏ bé như vậy không thể đáp ứng được tham vọng của mình. Lang bạt tại một vài cơ quan bộ ngành khác nhau, Perez cuối cùng quyết định từ bỏ công việc buồn tẻ của một công chức văn phòng để bước chân vào chính trường.

Ông Florentino Perez.

Đầu những năm 1980, Perez gia nhập Đảng cải cách dân chủ, nhưng cũng không trụ được lâu. Nguyên nhân là do đảng này đã giải thể sau thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1986. Perez quyết định từ bỏ chính trị, tập trung toàn bộ cho việc kinh doanh. Cùng với một nhóm bạn, ông mua lại một công ty xây dựng bị phá sản có tên Padros, giúp công ty kiếm được lợi nhuận chỉ sau vài năm.

Trong 10 năm tiếp theo, Perez chuyên tâm vào việc phát triển Padros, ký được nhiều hợp đồng béo bở. Đến năm 1993, sau thương vụ thành công sát nhập Padros với một công ty lớn, Perez đã trở thành một ông chủ đáng nể trong thế giới kinh doanh.

Từ thời điểm đó, ông thành lập ra ACS – một trong những công ty xây dựng lớn nhất thế giới với khoản lợi nhuận riêng trong năm 2011 lên tới 1,9 tỉ euro.

Ông Perez ăn mừng cùng các ngôi sao của mình sau khi giành một chiếc cúp mới.

Đạt mục đích bằng mọi giá

Khi công việc kinh doanh đã vào guồng, Perez quyết định mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình. Ông chọn một lĩnh vực nổi tiếng nhất tại Tây Ban Nha là bóng đá, để mắt ngay tới câu lạc bộ hoàng gia Real Madrid. Nhưng để có thể ngồi vào ghế chủ tịch câu lạc bộ là một câu chuyện không hề đơn giản.

Đội bóng về nguyên tắc thuộc về các cổ động viên (gọi là “socios”), những người hàng năm đều đóng lệ phí để có được quy chế là “thành viên của câu lạc bộ”. Chính các “socios” có quyền bầu chọn chủ tịch bằng cách bỏ phiếu.

Vào năm 1995, đương kim chủ tịch câu lạc bộ khi đó là Ramon Mendoza đang chịu sức ép phải từ chức, sau khi công luận biết được khoản nợ khá lớn của câu lạc bộ. Tuy nhiên nỗ lực đầu tiên của Perez nhằm giành quyền kiểm soát Real Madrid đã thất bại, khi Mendoza dù sao vẫn giành chiến thắng sau bầu cử.

Nhưng Perez tất nhiên không chịu đầu hàng. Ông quyết định tham gia vào cuộc chiến giành Real vào năm 2000. Vào thời điểm đó, Luis Figo - đội trưởng đồng thời là siêu sao của kình địch Barcelona – đang ở thời kỳ đỉnh cao của phong độ. Perez đã mạnh miệng tuyên bố, Real sẽ có được siêu sao này nếu ông trở thành chủ tịch của câu lạc bộ.

Thật ra trước đó ông đã ký kết một thỏa thuận bí mật với người đại diện của Figo: theo đó nếu Perez trở thành chủ tịch Real, siêu sao sẽ chuyển tới câu lạc bộ này với khoản thù lao hậu hĩnh, còn ngay cả khi thất cử, anh ta vẫn nhận được một khoản tiền đền bù không hề nhỏ. Cũng vì nhận định Perez sẽ chẳng có bất cứ cơ hội nào, tay đại diện cho siêu sao người Bồ Đào Nha đã đồng ý với tất cả những điều kiện trên.

Ông Perez (trái) trong buổi lễ ra mắt của Luis Figo.

Kết quả hoàn toàn trái ngược với dự đoán, khi Perez vượt qua Lorenzo Sanz để trở thành ông chủ mới của câu lạc bộ hoàng gia. Barcelona sau đó đã bất lực để siêu sao hàng đầu của họ chuyển sang chơi cho kình địch. Cổ động viên Real hết sức hân hoan, cùng nhau ca tụng Perez. Cùng với niềm vui thắng lợi, Perez cũng phải đương đầu với những khó khăn đầu tiên – Real khi đó đang gánh khoản nợ 300 triệu euro sắp tới hạn phải thanh toán.

Perez đã thành công trong việc tìm lối thoát bằng con mắt của một thương gia tài năng. Ông bán một khu đất của câu lạc bộ ngay tại trung tâm thành phố với giá 480 triệu euro để có thể giải quyết hoàn toàn số nợ.

“Dải ngân hà” của thành Madrid

Với nguồn tài chính được bổ sung, Perez bắt tay vào xây dựng một đội bóng mới bằng việc tập trung mua những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới lúc bấy giờ. Chỉ từ năm 2000 đến 2003, Real là nơi cập bến của một loạt những cái tên nổi trội như Luis Figo, Zinedine Zidane, Ronaldo và David Beckham.

Cũng chính vì sự xuất hiện của “bộ tứ nguyên tử” này, đội chủ sân Bernabeu được gán cho cái biệt danh “Los Galacticos” – Dải ngân hà. Cũng rất nhanh chóng, dàn sao của “Los Galacticos” mang lại cho câu lạc bộ 2 danh hiệu La Liga và 2 chức vô địch Champions League.

Mải mê với việc xây dựng hình ảnh của đội bóng, Perez đã có thời gian lơ là với vấn đề chuyên môn của Real. Trong giai đoạn cầm lái của huấn luyện viên lão luyện Vicente del Bosque, đội bóng hoàng gia đã có được một loạt thành công lớn như đã nói ở trên. Tuy nhiên, Perez sau đó đã không kéo dài hợp đồng với chuyên gia này mà lại đưa nhân vật mới Carlos Queiroz, người chỉ đưa “Dải ngân hà” sau mùa giải vô địch đứng ở vị trí thứ tư. Queiroz ngay lập tức bị sa thải, nhường chỗ cho Jose Antonio Camacho cùng với “kỷ lục” tồn tại trên cương vị của mình đúng 3 tuần.

Thời kỳ khủng hoảng của Real tiếp tục vào mùa giải 2004-2005 với hai huấn luyện viên nữa là Mariano Garcia Ramon và Vanderlei Luxemburgo, nhưng không ai có thể giúp Real giành được chức vô địch. Nhân vật cuối cùng trong thời kỳ đen tối này là huấn luyện viên Juan Ramon Lopez Caro. Đội bóng sân Bernabeu dưới bàn tay ông ta đã kết thúc mùa giải với việc thua kém kình địch Barcelona tới 12 điểm. Bản thân Perez phải rời ghế chủ tịch ngay khi mùa bóng chưa kết thúc.

Chưa thể dứt tình với bóng đá, Perez quay trở lại câu lạc bộ thành Madrid vào năm 2009 với chính sách quen thuộc: vung tiền mua những cầu thủ nổi tiếng hàng đầu. Đội hình “Los Galacticos” tiếp tục được bổ sung những cái tên chất lượng như Kaka, Karim Benzema, Xabi Alonso. Tuy nhiên, vụ chuyển nhượng thành công nhất trong giai đoạn này chính là bản hợp đồng với Cristiano Ronaldo từ Manchester United với cái giá cao ngất ngưởng khi đó – 96 triệu euro.

Trong giai đoạn hoàng kim thứ hai của Real dưới thời Perez, các ngôi sao của đội bóng tiếp tục giành được thêm 2 danh hiệu La Liga, 2 cúp quốc gia, 4 chức vô địch Champions League cùng hàng chục danh hiệu nhỏ hơn khác.

Các ngôi sao của “Los Galacticos” ăn mừng một bàn thắng.

Trên đỉnh thành công

Quyền lực của Perez hiện giờ tại Real có thể coi là tuyệt đối. Ông còn biết tận dụng nó phục vụ cho những quyền lợi kinh doanh của mình, mời tới các phòng VIP của sân Bernabeu những ông chủ ngân hàng, chính trị gia (như cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Maria Aznar) và cả các thương gia.

Trên khán đài VIP của sân, người ta còn bắt gặp cả Gao Ping, một ông trùm mafia gốc Hoa tại Tây Ban Nha. Mỗi vị khách mời dù bằng cách này hay cách khác đều giúp cho việc phát triển kinh doanh của ông chủ câu lạc bộ.

Perez còn giành quyền kiểm soát cả các phương tiện truyền thông về thể thao của Madrid. Nhờ những mối quan hệ trong giới báo chí, ông luôn để mắt tới công việc của các phóng viên, thu phục những người tâng bốc mình, đồng thời loại bỏ những người phê phán hay tỏ ý nghi ngờ cung cách điều hành câu lạc bộ của mình.

Ảnh hưởng của Perez lớn đến mức ông có thể thay đổi cả hệ thống bầu chủ tịch của Real. Giờ đây, những ứng viên cho cương vị chủ tịch cần phải có những khoản đảm bảo tài chính đủ lớn, có thâm niên ít nhất 20 năm là thành viên câu lạc bộ và nắm giữ không dưới 15% số cổ phần của Real. Với những điều kiện trên, hiện chẳng có ai ngoài Perez có cơ hội để thắng cử.

Dám đương đầu với ông Perez hiện nay chỉ có duy nhất UltrasSur, một tổ chức của các cổ động viên cuồng tín tại Madrid, những người luôn chỉ trích những biện pháp mang tính độc tài, cũng như phong cách điều hành đội bóng của ông ta. Các thành viên UltrasSur phản đối Perez tại các trận đấu, sáng tác những bài hát chống lại ông. Nhưng tất cả những nỗ lực trên chỉ là uổng công.

Perez tuyên chiến chống lại UltrasSur, cấm các thành viên này dự khán các trận đấu trên sân nhà của Real. Ông gây áp lực lên các nhà lãnh đạo giải vô địch Tây Ban Nha để các sân vận động khác cũng làm theo Bernabeu, viện cớ về các hành vi bạo lực của những cổ động viên trên, yêu cầu phải áp dụng những biện pháp cứng rắn đối với họ.

Nhiều người không ưa vẫn mỉa mai Perez với câu hỏi: Liệu đương kim chủ tịch Real sẽ để lại những di sản nào? Những chiến thắng trên sân bóng luôn được nêu tên cùng các cầu thủ và huấn luyện viên. Riêng Perez có lẽ chỉ được nhớ đến bởi sự độc đoán, những khoản tiền chi phí khổng lồ và ham muốn quyền lực mãnh liệt. Nhưng có lẽ ông chủ của sân Bernabeu cũng không màng quan tâm – vấn đề là Perez vẫn đang trên đỉnh cao quyền lực, vẫn biết cách lợi dụng vị thế này để đem lại lợi ích cho đế chế kinh doanh của mình.

Kim Lai (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/florentino-perez-ong-chu-quyen-luc-cua-bernabeu-515128/