FTC cáo buộc Facebook lừa dối về bảo vệ dữ liệu trẻ em

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cho rằng, Facebook đã lừa dối các bậc phụ huynh và không thể bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em sử dụng ứng dụng Messenger Kids, bao gồm việc che giấu mức độ truy cập thực sự của nhà phát triển ứng dụng đối với dữ liệu cá nhân người dùng.

Theo Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, Meta - công ty mẹ của Facebook đã không bảo vệ được quyền riêng tư của trẻ em sử dụng Messenger Kids. (Ảnh minh họa: AP)

Theo Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, Meta - công ty mẹ của Facebook đã không bảo vệ được quyền riêng tư của trẻ em sử dụng Messenger Kids. (Ảnh minh họa: AP)

Theo cáo buộc của FTC, từ cuối năm 2017 đến 2019, Facebook đã đánh lừa các bậc cha mẹ về khả năng kiểm soát những người mà con cái họ giao tiếp qua dịch vụ Messenger Kids.

“Mặc dù công ty cam kết trẻ em sử dụng Messenger Kids sẽ chỉ có thể liên lạc với những người được cha mẹ chấp thuận, nhưng trong một số trường hợp nhất định, trẻ em vẫn có thể giao tiếp với những người không được cho phép trong các cuộc trò chuyện nhóm bằng văn bản và gọi video”, FTC cho hay.

Trong một thông cáo mới đây, ông Samuel Levine, Giám đốc bộ phận bảo vệ người tiêu dùng của FTC cáo buộc Facebook nhiều lần vi phạm cam kết về quyền riêng tư. “Sự liều lĩnh của công ty đã khiến người dùng trẻ tuổi gặp rủi ro, và Facebook cần chịu trách nhiệm cho thất bại của mình”.

Với vi phạm được đánh giá là nghiêm trọng, FTC đã đề xuất một số thay đổi đối với lệnh bảo vệ quyền riêng tư năm 2020, theo đó cấm Meta - công ty mẹ của Facebook kiếm tiền dựa trên dữ liệu thu thập được từ người dùng dưới 18 tuổi, bao gồm cả trong mảng thực tế ảo.

Với vi phạm được đánh giá là nghiêm trọng, FTC đã đề xuất một số thay đổi đối với lệnh bảo vệ quyền riêng tư năm 2020, theo đó cấm Meta - công ty mẹ của Facebook kiếm tiền dựa trên dữ liệu thu thập được từ người dùng dưới 18 tuổi, bao gồm cả trong mảng thực tế ảo.

Bên cạnh đó, “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ cũng chịu một số hạn chế khác liên quan đến việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, đồng thời buộc phải cung cấp các biện pháp bổ sung để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Phản ứng trước động thái mới nhất của FTC, đại diện của Meta cho biết công ty sẽ “đấu tranh quyết liệt” với hành động này và “hy vọng sẽ thắng thế”.

Facebook ra mắt Messenger Kids năm 2017, giới thiệu đây là một kênh để trẻ em có thể trò chuyện với các thành viên trong gia đình và bạn bè được cha mẹ chấp thuận.

Ứng dụng này không cung cấp cho trẻ tài khoản Facebook hoặc Messenger riêng biệt. Thay vào đó, nó hoạt động như một phần mở rộng của tài khoản của cha mẹ và cha mẹ có quyền kiểm soát, chẳng hạn như quyết định những người mà con cái họ có thể trò chuyện.

Vào thời điểm đó, Facebook cho biết Messenger Kids sẽ không hiển thị quảng cáo hoặc thu thập dữ liệu người dùng trẻ em để phục vụ hoạt động marketing, nhưng có thể sẽ thu thập một số dữ liệu cần thiết để chạy dịch vụ.

Tuy nhiên, các chuyên gia về phát triển trẻ em đã ngay lập tức lên tiếng bày tỏ sự quan ngại chung quanh ứng dụng này.

Đầu năm 2018, một nhóm gồm 100 chuyên gia, bác sĩ nhi khoa, nhà giáo dục và đại diện các tổ phi lợi nhuận đã phản đối tuyên bố của Facebook cho rằng ứng dụng Messenger Kids đang đáp ứng nhu cầu của trẻ em về một dịch vụ nhắn tin.

Trong một bức thư gửi đến nhà chức trách, các chuyên gia nhấn mạnh: “Messenger Kids không đáp ứng nhu cầu mà nó đang tạo ra nhu cầu, chủ yếu đối với đối tượng trẻ em”. Nhóm cũng chỉ trích Facebook “nhắm mục tiêu vào trẻ em bằng một sản phẩm mới”.

Phản hồi bức thư, Facebook cho biết ứng dụng này “giúp cha mẹ và con cái trò chuyện theo cách an toàn hơn” và nhấn mạnh rằng hoạt động của trẻ “luôn trong phạm vi kiểm soát” của các bậc phụ huynh.

Theo FTC, điều này hiện không còn là vấn đề chính. Lệnh về quyền riêng tư năm 2020 - từng yêu cầu Facebook phải nộp khoản phạt 5 tỷ USD - bao gồm việc huy động một tổ chức đánh giá độc lập đánh giá các hoạt động về quyền riêng tư của công ty. FTC cho biết đơn vị này “đã xác định được một số lỗ hổng và yếu kém trong chương trình bảo vệ quyền riêng tư của Facebook”.

Là một phần trong các đề xuất thay đổi quy định của FTC, Meta sẽ không được phép tung ra các sản phẩm và dịch vụ mới mà không có “xác nhận bằng văn bản từ tổ chức đánh giá chứng minh rằng chương trình quyền riêng tư của họ tuân thủ đầy đủ các quy định”.

Meta sẽ có 30 ngày để phản hồi FTC hoặc gửi đơn kháng cáo lên tòa án.

Hành động mới nhất của FTC nhận được sự hoan nghênh từ giới phê bình Meta. Jeffrey Chester, Giám đốc điều hành của Trung tâm dân chủ kỹ thuật số (Center for Digital Democracy) đánh giá đây là “sự can thiệp được chờ đợi từ rất lâu vào một vấn đề đã trở thành cuộc khủng hoảng quốc gia lớn đối với những người trẻ tuổi”.

Chester cho biết thêm, Meta và các nền tảng mà công ty sở hữu như Instagram và Facebook “là trung tâm của một hệ thống truyền thông xã hội đã bị thương mại hóa mạnh mẽ, vượt ra khỏi tầm kiểm soát, đe dọa sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của trẻ em và thanh thiếu niên”.

Theo ông, “gã khổng lồ” công nghệ của Mỹ đã không hành động đủ để giải quyết các vấn đề hiện tại, thậm chí còn đang tung ra thêm “các chiến thuật nhắm mục tiêu và thu thập dữ liệu mạnh mẽ hơn được thúc đẩy bởi nội dung hấp dẫn, thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo, đồng thời đẩy giới trẻ tiến sâu hơn vào metaverse mà không có biện pháp bảo vệ thiết thực nào”.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ftc-cao-buoc-facebook-lua-doi-ve-bao-ve-du-lieu-tre-em-post751368.html