G7 cam kết tăng cường hợp tác ứng phó đại dịch Covid-19

Tính đến 6h ngày 20-2, thế giới ghi nhận 111.211.449 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.461.874 người tử vong, 86.039.195 bệnh nhân đã hồi phục.

Tiêm phòng vắc xin của AstraZeneca tại sân vận động Cwmbran (Anh).

Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến diễn ra vào rạng sáng 20-2 của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) do Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì, các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết tăng cường hợp tác ứng phó với đại dịch Covid-19.

Tuyên bố chung của hội nghị cho biết, với việc các cam kết tài chính tăng thêm 4 tỷ USD, tổng hỗ trợ của G7 cho Chương trình Hợp tác tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19 (ACT-A) và Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (COVAX) đã tăng gần gấp đôi, lên 7,5 tỷ USD. G7 sẽ làm việc với các đối tác, như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và các tổ chức tài chính quốc tế, cùng tham gia hỗ trợ ACT-A, tăng cường khả năng tiếp cận của các nước đang phát triển với các loại vắc xin phòng Covid-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt thông qua COVAX. G7 cũng sẽ làm việc với các tổ chức và cơ chế đa phương để củng cố kiến trúc y tế và an ninh y tế toàn cầu nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các đại dịch.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với WHO, cam kết hỗ trợ nâng cao vai trò của tổ chức này; đồng thời ủng hộ tất cả các trụ cột của ACT-A, COVAX và quyền tiếp cận công bằng, hợp lý đối với vắc xin, phương pháp điều trị và chẩn đoán…

Cùng ngày, hãng Johnson & Johnson đã trình WHO hồ sơ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin ngừa Covid-19 do hãng sản xuất. Vắc xin của Johnson & Johnson là loại chỉ tiêm một liều duy nhất và có thể bảo quản ở nhiệt độ lạnh bình thường. Đây là ưu điểm lớn đối với các nước có cơ sở hạ tầng y tế tương đối yếu kém.

Cũng theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí y học Lancet, vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech hiệu quả 85% trong việc phòng lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong khoảng 2-4 tuần sau khi tiêm mũi đầu tiên. Trước đó, các nghiên cứu đã chỉ ra vắc xin nói trên hiệu quả 95% một tuần sau mũi tiêm thứ hai.

Châu Âu

Châu Âu đã vượt Bắc Mỹ trở thành khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới sau khi ghi nhận tới 32.902.166 ca nhiễm. Con số này ở Bắc Mỹ là 32.773.289 ca. Số ca tử vong ở châu Âu cũng cao hơn (786.467 ca) so với của Bắc Mỹ (732.720 ca).

Điểm nóng nhất của dịch bệnh tại Lục địa già vẫn là Nga với 4.139.031 ca nhiễm. Số ca nhiễm tại Anh gần bằng Nga, nhưng số ca tử vong cao hơn nhiều với 119.920 ca so với của Nga là 82.396 ca. Pháp và Tây Ban Nha đều đã ghi nhận hơn 3,1 triệu ca nhiễm trong khi Italia và Đức có hơn 2,3 triệu ca.

Ireland ghi nhận ba ca nhiễm biến thể SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Brazil và đều là các trường hợp truy vết liên quan tới lịch sử di chuyển từ quốc gia Nam Mỹ này. Trong khi đó, Ba Lan ghi nhận sự xuất hiện của biến thể SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Nam Phi.

Cộng hòa Séc đã quyết định hủy bỏ kế hoạch cho phép các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu mở cửa trở lại vào tuần tới trong bối cảnh số ca nhiễm không ngừng gia tăng.

Châu Á

Nhật Bản vừa phát hiện một biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 có khả năng lây lan mạnh hơn so với các biến thể thông thường khác. Theo Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID), biến thể mới có đột biến E484K trên protein gai nhọn của vi rút từng xuất hiện ở các biến thể khác và đột biến này có thể làm giảm tác dụng của vắc xin.

Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới quay trở lại dưới ngưỡng 600 ca/ngày trong bối cảnh nhà chức trách đang tăng cường giám sát các nhà máy sản xuất và bệnh viện nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan nhanh.

Tại Đông Nam Á, số ca bệnh tiếp tục tăng nhanh tại Thái Lan, Indonesia và Philippines. Indonesia, nước bị ảnh hưởng nhiều nhất khu vực Đông Nam Á, đã ghi nhận thêm 10.614 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc Covid-19 của cả nước lên 1.263.299 ca.

Philippines cũng có thêm 1.901 bệnh nhân mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 557.058, đồng thời ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất trong 5 tháng qua (157 trường hợp).

Châu Phi

Đơn vị chuyên trách vắc xin của Liên minh châu Phi (AU) thông báo Nga đã đề nghị cung cấp cho châu lục này 300 triệu liều vắc xin, trong đó có cả một gói hỗ trợ tài chính cho những quốc gia muốn đặt mua vắc xin Sputnik V. Thông báo nêu rõ vắc xin Sputnik V sẽ được cung cấp cho các nước châu Phi trong vòng 12 tháng, kể từ tháng 5-2021.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/991623/g7-cam-ket-tang-cuong-hop-tac-ung-pho-dai-dich-covid-19