G7, EU khẩn trương tính toán tái thiết Ukraine

Nhóm G7 và Liên minh châu Âu bắt đầu bàn kế hoạch tái thiết cơ sở hạ tầng Ukraine dù chiến sự vẫn chưa chấm dứt.

Ngày 25-10, hội nghị về kế hoạch tái thiết Ukraine do Đức (đại diện nhóm G7) và Ủy ban châu Âu (EC) thuộc Liên minh châu Âu (EU) đồng chủ trì diễn ra tại thủ đô Berlin. Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nêu rõ việc tái thiết Ukraine là “nhiệm vụ của thế hệ” và cần phải được tiến hành ngay lập tức, ngay cả khi xung đột với Nga còn tiếp diễn. Ông Scholz nói rằng bất cứ ai đầu tư vào việc tái thiết Ukraine ngày nay sẽ là đầu tư vào một quốc gia thành viên EU trong tương lai, theo hãng tin Reuters.

Từ trái sang: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Ukraine Denis Shmyhal và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại hội nghị về tái thiết Ukraine ở thủ đô Berlin ngày 25-10. Ảnh: AP

Từ trái sang: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Ukraine Denis Shmyhal và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại hội nghị về tái thiết Ukraine ở thủ đô Berlin ngày 25-10. Ảnh: AP

Cần sự hợp sức của cả thế giới

Bà Ursula von der Leyen kêu gọi cộng đồng quốc tế không lãng phí thời gian, nhanh chóng hỗ trợ Ukraine tái thiết đất nước. Bà cho biết EU sẽ phân bổ khoảng 987 triệu USD để hỗ trợ khẩn cấp và liên tục cho Ukraine nhằm giúp quốc gia Đông Âu này sửa chữa cơ sở hạ tầng năng lượng bị hư hại do các vụ không kích từ Nga. Trước đó, EU đã cung cấp 400 máy phát điện cho Ukraine. Bà còn nhấn mạnh EU sẽ hỗ trợ tài chính ổn định và đều đặn cho Ukraine theo đợt, bắt đầu từ tháng 1 năm sau, qua đó trang trải “gánh nặng tài chính trong cuộc sống hằng ngày” cho người dân Ukraine.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết xung đột Nga - Ukraine “đã tàn phá nghiêm trọng cơ sở hạ tầng của Ukraine - gồm hệ thống nước, điều kiện vệ sinh và mạng lưới điện - trong bối cảnh mùa đông đang đến gần, gây thêm nhiều mối nguy cho người dân Ukraine”. Đến nay, WB đã huy động tổng cộng 13 tỉ USD viện trợ khẩn cấp cho Ukraine, trong đó 11,4 tỉ USD đã được giải ngân, theo đài CNN.

Tuy nhiên, theo bà Ursula von der Leyen, công cuộc tái thiết Ukraine cần sự hợp sức của cả thế giới. “WB ước tính riêng thiệt hại do bom đạn ở Ukraine đã gần 350,9 tỉ USD. Không một quốc gia, một liên minh nào có thể cung cấp khoản vay lớn như thế. Chúng ta cần một nỗ lực chung của G7, EU, của các đối tác như Mỹ, Canada, Nhật, Anh, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và các nước khác” - bà nêu rõ.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính riêng thiệt hại do bom đạn ở Ukraine đã gần 350,9 tỉ USD.

Các nước và những tổ chức tài chính quốc tế lúc này có thể cùng hỗ trợ tái thiết Ukraine, đóng góp dưới dạng hàng hóa, vật liệu xây dựng, thiết bị, máy móc, công nghệ kỹ thuật, rồi sau này thu hồi viện trợ một cách gián tiếp khi thị trường Ukraine đủ sức mở rộng đón nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Scholz giải thích: Chi phí xây dựng lại hạ tầng hậu cần và giao thông Ukraine có thể sẽ được gom lại theo mô hình kế hoạch Marshall tái thiết châu Âu sau Thế chiến II. Các nước sẽ viện trợ kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật, xóa bỏ hàng rào thuế quan và thiết lập cơ quan điều phối viện trợ, theo dõi tiến trình giải ngân.

Bên cạnh các cam kết tài chính, các chuyên gia, đại diện các chính phủ và tổ chức quốc tế cũng thảo luận về các công cụ, giải pháp bền vững nhằm tái thiết Ukraine. Một nền tảng quốc tế điều phối công tác tái thiết Ukraine cần được triển khai càng sớm càng tốt, có thể là cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak mới nhậm chức tuần này đã lập tức gọi điện thoại cho người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky để khẳng định chính phủ mới vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ Kiev mạnh mẽ, đài BBC đưa tin.

Ukraine cần cam kết minh bạch

Với mức độ tàn phá tới lúc này, sẽ mất hàng chục năm mới có thể xây dựng lại mạng lưới đường bộ, đường sắt, bến cảng, lưới điện, cũng như các nhà máy trên toàn bộ đất nước chứ không chỉ ở những vùng chiến sự tại Ukraine. Hội nghị còn bàn chuyện gắn vấn đề tái thiết với hiện đại hóa, tức xây lại mới theo tiêu chuẩn châu Âu, với mục tiêu sau này hạ tầng cũng như công nghệ Ukraine tương thích kết nối được với các nước thành viên EU.

Hội nghị về kế hoạch tái thiết Ukraine được tổ chức trong bối cảnh EU cũng đang loay hoay với lạm phát leo thang trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại. Theo giới quan sát, để có được cam kết viện trợ tài chính khổng lồ với Ukraine, EU sẽ phải cần sự đảm bảo từ Kiev rằng số tiền này sẽ được sử dụng cho các mục đích đã định. EU có thể sẽ yêu cầu Ukraine có kế hoạch cụ thể, cam kết minh bạch, hạn chế tham nhũng trước khi chuyển giao các khoản hỗ trợ tái thiết.

Phản ứng do dự của EU, nếu có xảy ra trong thời gian tới, có thể là do giới chức châu Âu rút kinh nghiệm sau các sai lầm từ những nỗ lực tái thiết sau chiến tranh trước đây ở Afghanistan, Iraq hay Bosnia. Dù vậy, nhìn chung các thành viên EU đồng ý rằng thảo luận sớm về tái thiết Ukraine lúc này là cần thiết để có thể lường trước các khả năng, tính toán chi tiêu hiệu quả.•

Ukraine cam kết giúp châu Âu thoát phụ thuộc năng lượng Nga

Phát biểu tại hội nghị về kế hoạch tái thiết Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này sẽ hỗ trợ EU thay thế các nguồn năng lượng của Nga. Xuất khẩu điện của Ukraine được dự báo có khả năng lên tới hàng chục gigawatt, sẽ là một trong những trụ cột cơ bản của chính sách khí hậu châu Âu.

Tuy mạng lưới điện ở Ukraine đang thiệt hại nặng nhưng nhờ các nhà máy điện hạt nhân, thủy điện và điện tái tạo mà Ukraine vẫn có thể sản xuất nhiều điện hơn mức tiêu thụ. Bà Ursula von der Leyen cho rằng động thái này được xem là “đôi bên cùng có lợi”.

Ở động thái liên quan, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Galushchenko đề nghị châu Âu sử dụng các cơ sở lưu trữ khí đốt ngầm (UGS) ở Ukraine. “Giá khí đốt đang ở mức thấp nhất trong vài tháng. Cơ hội tuyệt vời để sử dụng cơ sở lưu trữ khí đốt ngầm lớn nhất châu Âu của Ukraine với dung tích tới 15 tỉ m3. Lượng khí đốt bổ sung sẽ cần thiết trong mùa đông này. Và xu hướng giảm sẽ tiếp tục” - ông Galushchenko cho hay.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/g7-eu-khan-truong-tinh-toan-tai-thiet-ukraine-post705041.html