G7 thiết lập tiêu chuẩn quốc tế cho các nguyên tắc quản lý AI

Ngày 2/12, bộ trưởng công nghệ và kỹ thuật số của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã thống nhất về hướng dẫn quốc tế toàn diện đầu tiên trên thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh, áp dụng cho cả nhà phát triển và người dùng, nhằm giải quyết các vấn đề về thông tin sai lệch.

G7 kêu gọi phát triển và áp dụng công nghệ xác thực đáng tin cậy để xác định nội dung do AI tạo ra và thực hiện các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân và sở hữu trí tuệ. Ảnh: Reuters

Hướng dẫn quốc tế toàn diện đầu tiên trên thế giới về AI

Với hướng dẫn toàn diện đầu tiên về AI tạo sinh, nhóm các nước G7 (gồm Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy) mong muốn thiết lập một tiêu chuẩn quốc tế cho các nguyên tắc quản lý các hệ thống AI tiên tiến, đồng thời kêu gọi các nhà phát triển và người dùng chống lại thông tin sai lệch.

Các nguyên tắc này đi kèm với Bộ quy tắc ứng xử tự nguyện dành cho các nhà phát triển AI đã được các nhà lãnh đạo G7 thống nhất vào tháng 10/2023. Đây sẽ là 2 trọng tâm trong Khung chính sách toàn diện của nhóm. Các hướng dẫn dự kiến sẽ được phê duyệt trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ngay đầu tháng 12/2023.

Trong số 12 khuyến nghị của hướng dẫn mới, 11 điểm được rút ra từ Bộ quy tắc ứng xử, áp dụng cho người dùng dịch vụ AI cũng như nhà cung cấp dịch vụ AI.

Điểm thứ 12 là "thúc đẩy và đóng góp vào việc sử dụng các hệ thống AI tiên tiến một cách đáng tin cậy và có trách nhiệm", trong đó có cải thiện trình độ kỹ thuật số và chia sẻ thông tin về các rủi ro và lỗ hổng. Nguyên tắc này cũng đặc biệt lưu ý những rủi ro liên quan đến thông tin sai lệch.

AI tiên tiến có thể tạo ra hình ảnh và video giả mạo đầy thuyết phục, góp phần lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Có những lo ngại giữa các thành viên G7 về việc những khả năng này bị lạm dụng.

Các hướng dẫn cũng kêu gọi phát triển và áp dụng công nghệ xác thực đáng tin cậy để xác định nội dung do AI tạo ra và thực hiện các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân và sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển các hệ thống AI tiên tiến để giải quyết các thách thức toàn cầu cấp bách như cuộc khủng hoảng khí hậu.

Tài liệu này là một phần trong giai đoạn cuối cùng của Quy trình AI Hiroshima. Quy trình do các nhà lãnh đạo của các nước G7 cùng với Liên minh châu Âu (EU) thảo luận nhằm mục đích thiết lập một tiêu chuẩn quốc tế trên thực tế bằng cách đi đầu trong việc thiết lập các quy tắc toàn diện.

Các bộ trưởng G7 đã nhất trí về kế hoạch thực hiện cho năm tới - bao gồm việc phát triển các công cụ giám sát để theo dõi việc tuân thủ các nguyên tắc - và tiếp cận để khuyến khích các nước khác tham gia.

Họ cũng thảo luận về khái niệm "dòng dữ liệu tự do với sự tin cậy" để tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền dữ liệu xuyên biên giới, vốn có thể bị cản trở bởi sự khác biệt về quy định giữa các quốc gia.

Nhóm đã đồng ý thành lập một cơ quan quốc tế dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế để thảo luận về các chủ đề bao gồm các công nghệ nâng cao quyền riêng tư như mã hóa.

G7 thống nhất về Bộ quy tắc phát triển AI

Vào tháng 10/2023, G7 đã đạt được sự thống nhất về Bộ quy tắc ứng xử mới cho những nhà phát triển hệ thống AI tiên tiến. Các quy tắc này đặt ra mục tiêu giúp các chính phủ giảm thiểu rủi ro và khả năng lạm dụng công nghệ AI, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư và đảm bảo an ninh mạng.

Bộ quy tắc này được đánh giá là một bước ngoặt quan trọng trong cách các quốc gia lớn quản lý và quy định AI, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn từ công nghệ này.

Theo tài liệu của G7, bộ quy tắc gồm 11 nguyên tắc phát triển AI “nhằm thúc đẩy việc xây dựng hệ thống AI trở nên an toàn, bảo mật và đáng tin cậy hơn trên toàn thế giới; cung cấp hướng dẫn cho các công ty, tổ chức phát triển các hệ thống AI tiên tiến, bao gồm các mô hình nền tảng và hệ thống AI tạo sinh”.

G7 kêu gọi các công ty thực hiện các biện pháp thích hợp để xác định, đánh giá và giảm thiểu rủi ro trong trong quá trình phát triển và sử dụng AI, cũng như đảm bảo giải quyết các vấn đề và sự cố sau khi sản phẩm AI đã được đưa ra thị trường.

Bộ quy tắc cũng yêu cầu công ty công bố thông tin về khả năng và hạn chế của hệ thống AI, cũng như cách sử dụng và ngăn chặn lạm dụng AI, đồng thời đầu tư vào biện pháp kiểm soát bảo mật mạnh mẽ.

Trong khi EU đã tiên phong trong việc quản lý công nghệ mới này bằng việc đưa ra Đạo luật AI mạnh mẽ, các quốc gia như Nhật Bản, Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á đã có cách tiếp cận thoải mái hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu tại một diễn đàn về quản trị Internet ở Kyoto, Nhật Bản trong tháng 10/2023, bà Vera Jourova - Giám đốc Kỹ thuật số của Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh, Bộ quy tắc ứng xử là một cơ sở vững chắc để đảm bảo an toàn và nó sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và định hình quy định trong tương lai.

Nguồn: Nikkei, Reuters

Hồng Ngọc

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/g7-thiet-lap-tieu-chuan-quoc-te-cho-cac-nguyen-tac-quan-ly-ai-1792312031547336.htm