G7 ưu tiên đối phó khủng hoảng Covid-19

Việc đối phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi nền kinh tế toàn cầu sẽ là vấn đề trọng tâm trong cuộc họp của các lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), dự kiến diễn ra vào ngày 19/2 tới.

Theo thông báo của Chính phủ Anh, Thủ tướng Boris Johnson sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến sắp tới của lãnh đạo các nước G7, gồm Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Italia, Nhật Bản và Canada, nhằm kêu gọi hành động đảm bảo cho việc phân phối bình đẳng vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu và ngăn chặn các đại dịch trong tương lai. Đây là cuộc họp đầu tiên của nhóm này kể từ tháng 4/2020. Trước đó, hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2020, theo kế hoạch do Mỹ tổ chức, đã bị hủy bỏ do dịch Covid-19. Cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp lần gần đây nhất của các nhà lãnh đạo G7 là vào năm 2019 tại Pháp.

 Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến sắp tới của lãnh đạo các nước G7

Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến sắp tới của lãnh đạo các nước G7

Nhà Trắng cho biết, hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G7 vào cuối tuần này sẽ là cuộc họp đa phương lớn đầu tiên mà ông Joe Biden tham gia trên cương vị Tổng thống Mỹ. Theo thông cáo của Nhà Trắng, tại cuộc họp trực tuyến sắp tới, lãnh đạo các nước G7 sẽ tập trung thảo luận các vấn đề nóng của khối hiện nay như đại dịch Covid-19 và kinh tế thế giới. “Hội nghị trực tuyến của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới là cơ hội cho Tổng thống Mỹ Joe Biden thảo luận về các kế hoạch ngăn chặn đại dịch Covid-19 và xây dựng lại nền kinh tế toàn cầu. Tổng thống Biden sẽ tập trung vào phản ứng toàn cầu đối với việc sản xuất và phân phối vaccine ngừa Covid-19, cũng như tiếp tục nỗ lực huy động, hợp tác chống lại mối đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm đang nổi lên bằng cách xây dựng năng lực quốc gia và thiết lập quỹ an ninh y tế dự phòng” - tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ.
Nhóm G7 đang xem xét khả năng huy động 500 tỷ USD thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để hỗ trợ cho các quốc gia nghèo nhất thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Nguồn tin của AFP cho biết, G7 có thể sẽ đưa ra những quyết định quan trọng, đặc biệt là đợt phân bổ mới quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Hồi năm 2009, SDR đã giúp các nước có được 183 tỷ USD nhằm giải quyết tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Việc phân bổ SDR lần này có thể giúp các quốc gia châu Phi vùng Hạ Sahara nhận trực tiếp 18 tỷ USD và vay tiền từ các quốc gia khác với lãi suất thấp.

Phát biểu trước thềm thượng đỉnh G7, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 14/2 nhấn mạnh, các giải pháp cho những thách thức mà thế giới phải đối mặt sẽ nằm trong chương trình nghị sự cuộc họp, từ sứ mệnh triển khai chương trình tiêm ngừa vaccine Covid-19 cho mọi quốc gia, đến cuộc chiến ngăn chặn những mối đe dọa đối với hệ sinh thái và sự phục hồi bền vững sau khủng hoảng Covid-19. Theo tin từ Văn phòng Thủ tướng Anh, ông Johnson sẽ kêu gọi lãnh đạo các nước G7 có cách tiếp cận toàn cầu đối với đại dịch, bao gồm việc thiết kế một hệ thống cảnh báo sớm, chấm dứt "chủ nghĩa dân tộc và chia rẽ chính trị” vốn đã phá hoại những nỗ lực ban đầu nhằm ngăn chặn và kiểm soát dịch Covid-19.
Dự kiến, Anh - quốc gia đảm nhận vai trò Chủ tịch G7 trong năm 2021, sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp của nhóm này vào tháng 6 tới. Thủ tướng Johnson cho biết, nước này muốn tận dụng vai trò Chủ tịch G7 để thúc đẩy sự đồng thuận trong việc phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19, theo hướng bền vững và tự do thương mại.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/g7-uu-tien-doi-pho-khung-hoang-covid-19-410289.html