Gà con sinh ra đã có bản năng tránh nguy hiểm từ kẻ săn mồi

Theo một nghiên cứu của Đại học Trento và Đại học Queen Mary, London, gà con được sinh ra với kiến thức để chạy trốn khỏi những kẻ săn mồi hơn là học nó từ kinh nghiệm.

Thế giới động vật:

Lúc vừa mới nở, gà con đã biết chạy trốn khỏi các mối đe dọa đang đến gần.

Lúc vừa mới nở, gà con đã biết chạy trốn khỏi các mối đe dọa đang đến gần.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những con gà con mới sinh biết chậm lại hoặc ngừng di chuyển để tránh bị chú ý khi một kẻ săn mồi ở xa.

Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí PNAS cho thấy những phản ứng này không đòi hỏi phải học, nhưng được gà con biết đến trước khi nó ra đời.

Tiến sĩ Elisabetta Versace, đồng tác giả của nghiên cứu từ Đại học Queen Mary, London cho biết: "Kết quả của chúng tôi cho thấy khi bắt đầu sự sống, động vật được trang bị tốt để đối phó với các mối đe dọa trong môi trường của chúng, có một số khuynh hướng giúp chúng để tồn tại."

Giáo sư Vallortigara, trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Trento cho biết: "Cùng với các nghiên cứu trước đây của chúng tôi về các khuynh hướng xã hội giúp gà con và con người tương tác với các đối tác xã hội của họ, phát hiện này làm rõ rằng chúng ta không sinh ra như những phiến đá trống rỗng, mà với những cơ chế tinh vi cho phép chúng ta sử dụng các chiến lược cụ thể trong các trường hợp cụ thể. Tiến sĩ Hébert, tác giả đầu tiên của bài báo, đã thực hiện các thí nghiệm từ động vật mới sinh để thấy các phản ứng chống săn mồi khác biệt đã được sinh ra như thế nào".

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thí nghiệm, trong đó những con gà con không có cơ hội tương tác với bất kỳ vật thể chuyển động nào khi chúng nở.

Họ đã chỉ ra rằng trong lần gặp đầu tiên với các mối đe dọa đang đến gần hoặc các mối đe dọa di chuyển xa, những con gà con đã phản ứng thích hợp. Chúng chạy trốn khỏi các mối đe dọa đang đến gần và giảm tốc độ trước các mối đe dọa từ xa.

Lý do để các nhà khoa học thực hiện thí nghiệm này với gà con vì chúng có thể tự di chuyển và tự ăn từ khi sinh ra, không giống như các động vật khác cần sự chăm sóc của cha mẹ. Gà con cũng có một hệ thống cảm giác và vận động tương đối trưởng thành ngay sau khi nở.

Tiến sĩ Marie Hebert, tác giả đầu tiên của nghiên cứu từ Đại học Trento, cho biết: "Hiện tôi đang điều tra phần nào trong não của gà được kích hoạt bởi những mối đe dọa thị giác này, tập trung đặc biệt vào các cấu trúc tế bào được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện mối đe dọa và kích hoạt các hành vi phòng thủ. Để làm như vậy, tôi sẽ kết hợp các thí nghiệm hành vi với các dấu hiệu kích hoạt tế bào thần kinh trong não".

Việc sử dụng các mô hình động vật như gà con có thể giúp các nhà khoa học mở ra cánh cửa cho việc điều tra các cơ chế phân tử cũng như sự khác biệt cá nhân, vốn nổi bật trong các phản ứng của cả loài người và không phải con người, cũng như cơ sở di truyền và môi trường của mỗi loài sinh vật.

HOA LAN

Theo Phys

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/khoa-hoc/item/42064402-ga-con-sinh-ra-da-co-ban-nang-tranh-nguy-hiem-tu-ke-san-moi.html