Gã khổng lồ Samsung và những chiếc TV chinh phục trải nghiệm người dùng

Trong suốt lịch sử của mình, Samsung đã luôn chứng minh được rằng những gì họ mang tới cho người dùng không chỉ là hình ảnh, mà còn là một trải nghiệm xem TV trọn vẹn.

Nhiều năm qua, Samsung luôn là nhà sản xuất dẫn đầu về doanh số TV toàn cầu. Theo số liệu của IHS Markit vào tháng 11/2018, Samsung chiếm tới 28,4% thị phần TV trong quý III/2018, vượt xa đối thủ tiếp theo với 15,4% thị phần.

Khoảng cách này thậm chí còn lớn hơn ở phân khúc TV cao cấp, với mức giá từ 2.500 USD. Samsung Electronics chiếm tới 48,2% thị phần TV cao cấp trong cùng kỳ. Trong phân khúc TV với kích thước từ 75 inch trở lên, thị phần của tập đoàn Hàn Quốc lên tới 54,1%.

Những chiếc TV đầu tiên được phát minh vào thập niên 1920, và bắt đầu phổ biến từ thập niên 1930. Thập niên 1930 cũng là thời điểm chủ tịch Lee Byung-chu sáng lập Samsung, với ngành kinh doanh chính là… buôn bán mỳ, đồ khô và cá khô.

Những chiếc TV đầu tiên được phát minh vào thập niên 1920, và bắt đầu phổ biến từ thập niên 1930. Thập niên 1930 cũng là thời điểm chủ tịch Lee Byung-chu sáng lập Samsung, với ngành kinh doanh chính là… buôn bán mỳ, đồ khô và cá khô.

Đến thập niên 1960, TV bắt đầu được các công ty nước ngoài nhập khẩu và bán ở Hàn Quốc. Samsung, lúc đó đã là một công ty sản xuất đồ gia dụng với vài chục nhân viên, đã chính thức giới thiệu chiếc TV đen trắng đầu tiên của mình vào năm 1970. Chiếc TV Samsung P-3202 có kích thước chỉ 12 inch, nhưng nó đã tạo dựng được một vị trí vững chắc đối với người dùng Hàn Quốc. Tới năm 1976, mẫu TV này đã bán được tới 1 triệu chiếc tại Hàn Quốc. Hai năm sau, con số này là 4 triệu, biến Samsung thành hãng bán nhiều TV đen trắng nhất trên thế giới.

Chỉ 11 năm sau, Samsung đã đạt tới một cột mốc mới. Năm 1989, hãng chính thức xuất xưởng chiếc TV màu thứ 20 triệu. Tất nhiên, công nghệ của Samsung không dừng lại ở đó. Năm 1998, hãng tạo nên một bước nhảy vọt trong ngành công nghiệp TV khi sản xuất hàng loạt chiếc TV kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới.

TV kỹ thuật số được xem là một bước tiến hóa vĩ đại về công nghệ TV, tương đương với TV màu. Hình ảnh trên TV kỹ thuật số đơn giản là vượt trội. Trước đó, Samsung cũng tạo nên một dấu ấn khi sản xuất chiếc TV LCD đầu tiên có kích thước 30 inch, lớn nhất lúc bấy giờ.

Nhưng câu chuyện về kích thước không dừng lại ở đó. Đầu những năm 2000, hai xu hướng công nghệ rõ rệt nhất trên TV là LCD và Plasma. TV Plasma có chất lượng hình ảnh vượt trội và kích thước cũng rất lớn. Trong khi đó, LCD có giá rẻ hơn, nhưng lại tạo ấn tượng là chỉ phù hợp với những mẫu TV giá thấp, kích thước nhỏ.

Samsung đã thay đổi ấn tượng này với chiếc TV LCD phổ thông lớn nhất thế giới lúc đó. Với màn hình 46 inch và mức giá bán lẻ 13.400 USD, Samsung LT-P468W không chỉ thu hẹp khoảng cách về kích thước với TV Plasma, mà còn mang tới độ phân giải Full HD, tiêu chuẩn của HD TV sau này.

Những năm cuối thập niên 2000, Samsung tiếp tục là nhà sản xuất dẫn đầu về công nghệ. Năm 2009, Samsung cho ra mắt TV màn hình phẳng mỏng nhất thế giới, với độ dày chỉ 29,9 mm. Không chỉ là bước tiến về thiết kế, mẫu TV Samsung UB46B7020W Ultra Slim còn ghi dấu ấn về công nghệ màn hình và tấm nền.

Thay vì sử dụng tấm nền đèn huỳnh quang lạnh (CCFL), Samsung đã ứng dụng ma trận diode phát quang (LED), giúp đem lại độ sáng cao hơn, độ tương phản lớn hơn và giảm điện năng tiêu thụ. Thiết kế của TV sử dụng đèn LED ở cạnh, chứ không phải là LED nền như những TV phổ thông. Đây chính là thiết kế được sử dụng phổ biến nhất hiện nay: hầu hết TV LED đều sử dụng thiết kế LED nền. Điều này cho thấy Samsung đã nhận ra và xác định xu hướng cho cả ngành công nghiệp TV.

Hãng điện tử Hàn Quốc cũng là công ty tiên phong khi phục vụ người dùng với những xu hướng tiêu thụ nội dung mới. Cuối năm 2010, Samsung giới thiệu chiếc TV 3D Full HD đầu tiên trên thế giới. Với công nghệ 3D chủ động độc quyền, Samsung LED 3D C7000 có thể điều chỉnh màu sắc, độ sáng và chuyển động của hình ảnh để có được chất lượng hình cao nhất, hiệu ứng 3D thật nhất.

Vào năm 2013, Samsung lại bắt đầu một xu hướng thiết kế độc đáo: Màn hình cong. Chiếc TV Samsung KE55S9C với màn hình OLED 55 inch khắc phục được vấn đề hóc búa của những mẫu TV kích thước lớn: Khoảng cách từ mắt nhìn tới những phần màn hình là khác nhau.

Màn hình cong giúp đảm bảo khoảng cách từ mắt người tới mọi vị trí trên màn hình là như nhau, bỏ hiện tượng méo hình ảnh và đem lại trải nghiệm trọn vẹn hơn. Bên cạnh đó, nó còn có một thiết kế đầy ấn tượng: bộ khung nhôm vuông vức xung quanh làm nổi bật khung TV cong đặt chính giữa.

Năm 2016 đánh dấu một cuộc cạnh tranh mới về công nghệ hiển thị. Màn hình OLED cao cấp trở thành một xu hướng, nhưng Samsung lại chọn một lối đi riêng. Là một trong những nhà sản xuất màn hình OLED lớn nhất thế giới, Samsung hiểu rõ ưu nhược điểm của công nghệ này, và giới thiệu công nghệ mới: Chấm lượng tử (Quantum Dot).

Samsung đã trở thành hãng đầu tiên trên thế giới ra mắt TV với màn hình chấm lượng từ Quantum Dot không chứa Cadmium, một kim loại nặng độc hại với con người vào năm 2016. Vượt qua được thử thách này, công nghệ QLED của Samsung tạo ra những chiếc TV với độ sáng tới 1.000 nit, hiển thị màu chính xác hơn TV thông thường 25%.

Xuyên suốt lịch sử của mình, Samsung luôn đi đầu hoặc bắt kịp những trào lưu công nghệ hiển thị mới nhất. Tuy nhiên khác với thời điểm ban đầu, khi TV chỉ là công cụ xem truyền hình, hình ảnh quan trọng nhưng không còn là yếu tố duy nhất ảnh hưởng tới trải nghiệm của người dùng.

Samsung hiểu rõ điều đó. Hãng bắt đầu từ thiết kế. Năm 2006, Samsung giới thiệu mẫu TV R7 với thiết kế ‘Bordeaux’ quyến rũ. Đây là một sản phẩm rất thành công với 3 triệu mẫu được bán ra. Chỉ 2 năm sau, Samsung tiếp tục giới thiệu một phong cách thiết kế lạ mắt với phần viền phối màu được gọi là Touch of Color. Mẫu TV mỏng nhất thế giới của hãng ra mắt năm 2009 có độ dày chỉ 29,9 mm.

Tại CES 2018, Samsung khiến khách tham quan bất ngờ với mẫu TV “bức tường” (The Wall), được tạo nên từ hàng chục tấm màn hình MicroLED. Rất có thể mẫu TV này sẽ sớm được thương mại hóa, khi hãng giới thiệu chiếc TV kích thước 75 inch tại CES 2019.

Samsung còn là một trong những hãng đi đầu trong công nghệ Smart TV. Năm 2010, Samsung giới thiệu cửa hàng ứng dụng đầu tiên trên thế giới dành cho TV có tên Samsung Apps. Đây là tiền đề để Samsung tiếp tục phát triển hệ điều hành Tizen OS cho TV, sau này trở thành một nền tảng riêng với lượng người dùng đông đảo.

Hãng cũng là một trong những nhà sản xuất sớm bắt kịp làn sóng trí tuệ nhân tạo và nhà thông minh. Tại CES 2018, Samsung đã tích hợp trợ lý ảo Bixby vào những mẫu TV của mình. Tầm nhìn của hãng dành cho TV bây giờ không còn chỉ là thiết bị hiển thị hình ảnh nữa. Trong tương lai, TV sẽ trở thành thiết bị trung tâm, điều khiển mọi thiết bị trong gia đình.

Tất cả công nghệ, nỗ lực của Samsung trong gần 50 năm qua đã thành trái ngọt cho ngày hôm nay. Sự vượt trội về trải nghiệm và chất lượng hình ảnh của TV Samsung được khẳng định bằng thị phần số 1 toàn cầu, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp.

Nhưng Samsung tất nhiên không thể đứng yên. Hãng vẫn liên tục đầu tư vào những công nghệ mới, như độ phân giải 8K. Tại CES 2019, Samsung đã giới thiệu một loạt mẫu TV 8K thế hệ mới. TV QLED Q900 độ phân giải 8K có kích thước lớn nhất lên tới 98 inch. Đây không còn là một sản phẩm ở tương lai, bởi mẫu TV mới đã được bán từ ngày 14/1. Trải nghiệm TV 8K đã đến rất gần người dùng.

Bên cạnh độ phân giải cao, Q900 còn được trang bị hàng loạt công nghệ hiện đại như AI để nhận diện và nâng cấp nội dung lên “tương đương chuẩn 8K”, hay được tích hợp trợ lý ảo Bixby và hàng loạt dịch vụ bên thứ ba khác. Tất cả nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người sở hữu.

Tuấn Anh - Giang Di Linh
Đồ họa: Anh Nguyễn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ga-khong-lo-samsung-va-nhung-chiec-tv-chinh-phuc-trai-nghiem-nguoi-dung-post912699.html