Gác rừng giữa Trường Sơn

Quảng Bình là nơi eo thắt nhất trong dọc dài đất nước song lại có diện tích rừng tự nhiên rộng lớn với độ che phủ rừng đứng thứ hai cả nước. Để giữ được mầu xanh của rừng, nhiều năm qua, cán bộ, nhân viên các Ban quản lý rừng ở Quảng Bình đã căng mình, chốt giữ rừng tại gốc. Sau một ngày trải nghiệm nghề gác rừng giữa Trường Sơn, chúng tôi mới hiểu rằng, có yêu nghề, có gắn bó với nghề họ mới trụ lại được nơi chốn 'thâm sơn cùng cốc' này.

Cán bộ, nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu tuần tra bảo vệ rừng.

Cán bộ, nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu tuần tra bảo vệ rừng.

“Hứng sóng”giữa đại ngàn

Quảng Bình đang vào mùa mưa lũ nhưng năm nay thời tiết khác lạ. Mấy ngày đầu tháng 12 nhưng trời cao xanh vời vợi. Nắng chan chát. Mây vẩn vơ bay nhưng dường như nhẹ và xốp hơn, trôi về đâu đó xa lắc chứ không làm mưa đổ ầm ầm xuống vùng lũ Quảng Bình như mọi năm. Ở đồng bằng nắng nóng là vậy, song vừa chạm đường Hồ Chí Minh nhánh tây, không khí dịu mát hẳn. Chúng tôi dừng xe, hít thở bầu không khí thoáng đạt đến mê người. Bất chợt cơn mưa rừng đổ nhưng lại qua nhanh. Một chiến sĩ biên phòng cắm chốt tại trạm bảo vệ rừng cầu Khỉ đi cùng nói: “Mưa rừng kiểu này năm nay hiếm lắm. Các anh không thấy mùa mưa mà khe suối khô khốc đó à!”.

Từ cầu Khỉ trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây về phía nam càng đi càng dốc và cua ngoặt. Không khí dường như loãng hơn. Mới đầu giờ chiều mà mây đã lởn vởn rất gần trên đầu. Đi chừng tám cây số. Trạm bảo vệ rừng Bãi Đạn - điểm chốt cuối cùng trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây của tỉnh Quảng Bình hiện ra bên trái đường trông cũ kỹ và vắng vẻ. Cái tên Bãi Đạn, theo anh Trương Minh Quảng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Động Châu là do hồi chiến tranh ở đây có kho đạn rất lớn của bộ đội. Sau đó, người dân địa phương gọi khu vực đó là bãi đạn và Bãi Đạn trở thành địa danh lúc nào chẳng hay. Trạm bảo vệ rừng Bãi Đạn có bốn cán bộ và nhân viên, trụ sở là ngôi nhà cấp bốn đã khá cũ. Khi chúng tôi đến, thấy một người dáng thư sinh đang lúi húi bên đoạn cọc ngắn, một đầu được cắm vào bệ gỗ cũ kỹ. Trên cọc có buộc một chiếc điện thoại “cùi bắp” và hình như người này đang nói chuyện với ai đó. Đoạn, anh quay về phía chúng tôi xin lỗi vì đang gọi điện về cho gia đình. Anh giới thiệu mình là Cao Xuân Tuấn, Trưởng trạm bảo vệ rừng Bãi Đạn. Thấy khách ai cũng tròn xoe mắt với “cái cột điện thoại”, anh Tuấn lý giải, ở khu vực này hầu như không có sóng điện thoại, anh em phải mất nhiều công sức, dùng nhiều máy điện thoại khác nhau để dò tìm sóng. May là có một vị trí ngay trước hiên nhà có được một vạch sóng Vinaphone mà anh em đùa là phải “hứng” mới gọi điện thoại được và cũng chỉ là chiếc điện thoại đời cũ chứ smart phone (điện thoại thông minh) thì chịu. Ai đó sáng kiến cắm cái cọc ngắn chừng 1,5 m ngay tại vị trí đấy rồi buộc điện thoại vào để “hứng” sóng. Ai cần liên lạc với gia đình thì buộc điện thoại vào gọi xong gỡ ra, chỉ duy nhất trưởng trạm là được buộc vào đó 24/24 giờ để canh điện thoại phục vụ công việc. Tuấn nói thêm, “cột sóng” cũng chỉ mang lại niềm vui cho anh em những hôm trời nắng hoặc ít mây gió, ngày trời quá âm u, sóng bị “cuốn” đi, đành chịu.

Trạm Bãi Đạn có bốn người nhưng chưa bao giờ có đủ mặt tại trụ sở, bởi anh em phải chia nhau làm hai kíp để trực tại trạm và chốt cắm giữa rừng sát biên giới Việt Nam - Lào. Từ trụ sở Bãi Đạn, muốn đến chốt giữ rừng khe Đan (sâu trong rừng nguyên sinh biên giới) phải đi cắt rừng, xuyên suối chừng ba giờ đồng hồ. Chốt được lập trên mô đá rộng ngay bìa suối, chừng 10 m2, đủ mắc hai chiếc võng và chỗ nấu nướng. Mỗi kíp trực 15 ngày nhưng có khi phải trực cả tháng do mưa lũ. Hai anh Phạm Xuân Tuân và Nguyễn Đình Tí đang trực tại chốt cho biết, phiên trực của họ đã 10 ngày, chừng năm ngày nữa trở ra đổi ca. Giữa chốn thâm sơn, để liên lạc được lãnh đạo BQLRPH Động Châu và Trạm bảo vệ rừng Bãi Đạn, công việc đầu tiên của họ là phải tìm “hứng” sóng điện thoại bằng cách trèo lên cây cao, triền núi giữa rừng. Tìm được nhưng duy trì được sóng là cả một vấn đề khi giữa rừng, dù chiếc điện thoại “cùi bắp” cũng dùng được vài ngày là hết pin. Tuân bảo, biệt lập dài ngày giữa đại ngàn Trường Sơn dù rất buồn tẻ nhưng anh em lấy công việc để bù lại. Sáng, nấu ăn xong, gói thêm hai gói cơm rồi họ lên đường tuần tra rừng; trưa dừng chân ở đâu ăn ở đó, tối trở về lán nghỉ. Gạo, muối mắm, đèn pin, dầu xoa, thuốc cảm sốt, cục sạc điện thoại là những thứ phải mang theo, còn cá và rau thì giữa rừng lúc nào cũng sẵn có. Lúc thì câu, khi thì soi đèn bắt, cá ăn không hết thì nướng qua rồi mang về trụ sở trạm ăn dần. “Có hôm, sau một ngày tuần tra rừng trở về lán, thấy gạo cơm, mắm muối bị đổ ra suối không còn chút nào. Biết là có người đi rừng gây sự do bị trục xuất ra khỏi rừng, anh em đành gọi điện xin trạm trưởng trở ra trụ sở trạm sớm để mua lại gạo, mắm muối”, anh Tuân kể.

Giám đốc BQLRPH Động Châu Trương Minh Quảng nói thêm, đơn vị hiện có bảy trạm và tám chốt gác rừng và dù sâu giữa rừng đến mấy, công việc đầu tiên mà anh em làm là dò tìm vị trí có sóng điện thoại rồi cắm chốt để thuận lợi cho công việc. Thêm một câu chuyện khôi hài về “hứng” sóng liên lạc trong bảo vệ rừng nguyên sinh Động Châu mà chúng tôi được nghe kể trên đường trở ra. Cách đây ít năm, Phó Giám đốc BQLRPH Động Châu Hà Văn Bồn dẫn mấy nhân viên đi tìm vị trí đặt chốt gác rừng giữa vùng giáp ranh Quảng Bình - Quảng Trị. Khi đi, lương thực mang theo dự kiến trong 10 ngày. Tuy nhiên, vào sâu giữa rừng, tìm mãi không thấy vị trí nào có sóng điện thoại, anh em mò mẫm mãi chưa được, việc liên lạc với cơ quan cũng bị gián đoạn cho nên ai cũng lo. Sợ gạo hết, anh Bồn quyết định… nấu cháo ăn thay cơm nhằm kéo dài thời gian tìm lối thoát. Một cậu nhân viên được phân công tìm cách bắt cá để nấu cháo phục vụ tổ công tác. Cuối cùng, thay vì 10 ngày đi tuần rừng và ăn cơm thì tổ công tác đã có 24 ngày rong ruổi trong rừng ăn cháo cầm hơi. Nhưng hiệu quả thấy rõ, đến nay, vị trí cắm chốt ấy vẫn phát huy tác dụng khi là điểm duy nhất có được vạch sóng điện thoại giữa mênh mông vùng rừng giáp ranh.

Để người giữ rừng gắn bó với nghề

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quảng Bình là địa phương có độ che phủ rừng đứng thứ hai cả nước (67,5%). Tại đây còn nhiều khu rừng nguyên sinh rộng, có giá trị đa dạng sinh học rất cao. Đáng chú ý, khu vực rừng Động Châu nằm phía tây nam tỉnh Quảng Bình còn lưu giữ được một diện tích rừng ẩm thường xanh trên đất thấp ít bị tác động ở khu vực miền trung. Khu vực này có diện tích gần 22 nghìn ha, thuộc vùng sinh thái Bắc Trung Bộ, có khu hệ động thực vật rất phong phú (trong đó có nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới) với khá lớn sinh cảnh vùng đất thấp đã được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế xác định là vùng đa dạng sinh học trọng điểm nối giữa Việt Nam và Lào.

Nơi đây còn là môi trường sống của một số loài chim có vùng phân bố hẹp thuộc vùng chim quan trọng của dãy Trường Sơn và nằm trong vùng chim đặc hữu đất thấp Trung Bộ, do có phân bố các loài chim bị đe dọa toàn cầu như trĩ sao, các loài gà lôi, gà tiền. Đây cũng là vùng đa dạng sinh học trọng điểm, thuộc hệ thống các vùng bảo tồn quan trọng cấp toàn cầu do có sự phân bố của loài sao la và nhiều loài thú quý hiếm khác. Mới đây, các chuyên gia của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã phát hiện 61 đàn vượn đen má trắng siki và chín đàn chà vá chân nâu ở rừng Động Châu. Điều đó cho thấy giá trị đa dạng sinh học đặc biệt ở khu vực rừng này. Hiện, tỉnh Quảng Bình đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ chuyển toàn bộ rừng phòng hộ Động Châu thành rừng đặc dụng để thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu vào đầu năm 2019.

Giám đốc BQLRPH Động Châu Trương Minh Quảng tâm sự, sắp tới rừng đặc dụng Động Châu được mở rộng lên gần 30 nghìn ha, nếu chia bình quân thì một nhân viên đơn vị phải bảo vệ gần 1.000 ha rừng. Công việc vất vả, nặng nhọc và đối mặt với nhiều hiểm nguy ở chốn rừng xanh nhưng nhiều năm qua, chế độ cho người bảo vệ rừng thường rất chậm và thấp. Có năm, Nhà nước chậm cấp kinh phí bảo vệ rừng tới sáu tháng khiến đời sống anh em bảo vệ rừng chuyên trách rất khó khăn. Vả lại, hiện nay lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách chưa được xếp ngạch, bậc mà “nương tựa” vào ngành kiểm lâm, trong khi kiểm lâm là lực lượng thi hành công vụ, còn người bảo vệ rừng chỉ là viên chức hoặc lao động hợp đồng. Làm nhiệm vụ bảo vệ rừng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng không có công cụ hỗ trợ, trang phục, không được xử phạt hành chính. Song không vì thế mà đội ngũ bảo vệ rừng giàu Động Châu lơ là công việc. Theo đánh giá của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình Phạm Hồng Thái, rừng Động Châu - khe Nước Trong được bảo vệ tốt nhất ở Quảng Bình hiện nay.

Trải nghiệm nghề bảo vệ rừng với họ, chúng tôi mới biết phải yêu nghề, yêu rừng lắm họ mới gắn bó với rừng đến vậy. Động Châu có gần 30 nghìn ha rừng tự nhiên nhưng anh Hà Văn Bồn gần như thông thuộc, đến mức nếu đang ở giữa rừng và không có bất cứ thiết bị gì thì anh vẫn tìm được đường ra. “Đi rừng lâu năm, tôi có nhiều kinh nghiệm. Chẳng hạn, nếu bị lạc trong rừng thì bám theo lẹc (khe nhỏ) vì khe nhỏ đổ ra khe lớn rồi chảy ra sông. Mà phải là xuôi theo dòng chảy mới có đường ra bởi sông chảy từ thượng nguồn về hạ nguồn”, anh Bồn chia sẻ. Những câu chuyện đi rừng được anh Bồn kể rất cuốn hút, tạo cho người nghe cảm giác, ở lâu giữa rừng và thường gặp nhiều sự cố thiên tai và nhân tai, các anh đã tích lũy nhiều kinh nghiệm cho mình để sinh tồn ở chốn thâm sơn.

Giám đốc Trương Minh Quảng tâm sự, để người lao động gắn bó hơn với công việc bảo vệ rừng, đơn vị tiết kiệm tối đa việc chi thường xuyên để hỗ trợ thêm tiền ăn cho anh em. Ngoài ra, động viên các trạm, chốt trồng rau, nuôi gà, lợn để nâng cao đời sống. Hiện, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt đang thuê 700 ha rừng Động Châu để nghiên cứu khoa học, nguồn kinh phí này cũng giúp đơn vị hỗ trợ thêm cho những chuyến đi rừng của nhân viên. Ngoài ra, dự án đưa điện lên vùng cao bằng pin mặt trời của tỉnh Quảng Bình, cũng đã giúp cho các trạm bảo vệ rừng phía nam tỉnh có nguồn sáng phục vụ tốt hơn cho công việc và đời sống.

Chiều xuống nhanh trên đỉnh Trường Sơn. Sương dày đặc bị gió cuốn đi rải thành màn mưa mỏng kéo theo cái lạnh phả vào trụ sở Trạm bảo vệ rừng Bãi Đạn. Khách chào về xuôi, Trưởng trạm Cao Xuân Tuấn giục cậu nhân viên nấu cơm ăn để ngủ sớm mai còn đi rừng. Vâng, rừng xanh đang chờ họ...

Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38513902-gac-rung-giua-truong-son.html